Du lịch cần giải pháp đột phá, mạnh dạn thí điểm 7 trải nghiệm thú vị “mùa lúa chín”

Theo những người dân địa phương, thắng cố là món ăn truyền thống của người H’Mông. Sau này được dân tộc Kinh, Dao, Tày, Thái,... học tập, trở thành món ăn phổ biến không thể thiếu của các dân tộc vùng Tây Bắc, đặc biệt là trong các phiên chợ của đồng bào dân tộc vùng cao.

Trước đây, món thắng cố truyền thống của người dân tộc H’Mông chỉ được nấu từ thịt và lòng ngựa. Sau này, món thắng cố đã được cải biến sáng tạo thêm. Không chỉ có thắng cố ngựa mà còn có thắng cố bò, trâu, lợn. Tuy nhiên, món thắng cố ngựa vẫn là món ăn đặc sắc gắn với tên tuổi của mảnh đất cao nguyên trắng.

Thắng cố ngựa Bắc Hà làm “say lòng” du khách
Món thắng cố được làm từ thịt ngựa và nội tạng ngựa.

Một trong những địa điểm du khách nên ghé thăm và thưởng thức món thắng cố là chợ phiên Bắc Hà (khu chợ nằm ở trung tâm thị trấn Bắc Hà). Chợ phiên Bắc Hà được họp vào các ngày chủ nhật hàng tuần. Để mang đến những trải nghiệm thú vị về nét văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc H’Mông, huyện Bắc Hà đã tổ chức các chương trình giao lưu văn nghệ vào tối thứ 7 trước hôm chợ phiên diễn ra. Tại buổi giao lưu văn nghệ, du khách sẽ được thưởng thức các tiết mục văn nghệ đặc sắc đến từ đội văn nghệ các xã của thị trấn Bắc Hà trình diễn.

Sau một buổi tối nghỉ ngơi, sáng chủ nhật, du khách sẽ được trải nghiệm chợ phiên Bắc Hà. Kết thúc trải nghiệm tham quan các khu chợ thổ cẩm, chợ thực phẩm, chợ trâu… du khách có thể tới các kiot bán hàng ăn của chợ để thưởng thức thắng cố kèm với một số đặc sản khác như: gà đen; thịt lợn bản…

Thắng cố ngựa Bắc Hà làm “say lòng” du khách
Món thắng cố được bán hầu hết tại các quán ăn tại chợ Bắc Hà.

Chia sẻ với phóng viên, anh Nguyễn Anh Tuấn (thành phố Hà Nội) cho biết, nhân dịp nghỉ lễ 2/9 vừa qua, anh quyết định đưa cả nhà đi du lịch Bắc Hà. Anh Tuấn kể, trước đây anh đã từng thưởng thức món thắng cố ngựa trong một chuyến công tác tại huyện Si Ma Cai, do đó, về cơ bản thì nguyên liệu thịt ngựa là giống nhau. Tuy nhiên, khi thưởng thức thắng cố Bắc Hà anh lại cảm nhận được hương vị riêng, có lẽ bí quyết nằm ở các gia vị nấu món thắng cố mỗi nơi một khác.

"Thắng cố ngựa được chế biến từ thịt ngựa tươi nên ngọt, hòa quyện cùng các loại gia vị như hồi, quế, gừng... nên rất thơm và ngon. Ngoài món thắng cố ngựa, tôi cũng được thưởng thức nhiều món ăn rất lạ mà các nơi khác không có", anh Tuấn chia sẻ.

Nắm bắt được nhu cầu của du khách, gần 10 năm nay, chị Hải Yến (chủ quán ăn Hải Yến tại chợ Bắc Hà) đã đưa món thắng cố vào thực đơn hàng tuần. Chia sẻ với chúng tôi, chị Yến cho biết, để làm món thắng cố phải sử dụng rất nhiều loại gia vị đặc biệt chỉ có ở vùng cao. Cách chế biến cũng khác nhau tùy từng vùng. Như vùng Bắc Hà sẽ sử dụng nhiều gia vị, còn vùng Si Ma Cai lại dùng ít gia vị hơn, vì vậy, hương vị thắng cố của từng vùng cũng có sự khác biệt.

Không ngần ngại chia sẻ bí quyết nấu thắng cố ngon, chị Yến cho hay: Để nấu một nồi thắng cố phải có 12 loại gia vị truyền thống gồm: Thảo quả, hoa hồi, quế chi, sả, gừng và nhiều thứ gia vị bí truyền khác, trong đó cây thắng cố là gia vị thứ 12. Thịt và "lục phủ ngũ tạng" của ngựa được rửa sạch, luộc chín, đôi khi còn được ướp trước với các loại gia vị, sau đó thả vào nồi nước dùng có xương ngựa, nội tạng, tiết và 12 loại gia vị kể trên đã được đun sôi, rồi cứ thế ninh nhừ hàng tiếng đồng hồ và không để cho bếp tắt.

Thắng cố ngựa Bắc Hà làm “say lòng” du khách
Món thắng cố tại chợ Bắc Hà làm "say lòng" du khách khi tới thưởng thức ẩm thực vùng cao Bắc Hà.

Một trong những yếu tố quan trọng tạo nên sự hoàn chỉnh của món thắng cố là nước chấm. Món nước chấm thắng cố được tạo bởi nhiều loại gia vị như: Hành khô, mắc khén, ớt tươi say, lá rau răm thái nhỏ. Sau khi trộn đều nguyên liệu, du khách sẽ vắt chanh và trộn đều để có một bát nước chấm thơm ngon chuẩn vị. Vị thơm đặc biệt của thịt ngựa hòa quyện vào vị cay cay của ớt say và thơm của mắc khén sẽ khiến cho du khách không thể nào quên.

Khi ăn thắng cố tại chợ Bắc Hà, du khách có thể lựa chọn ăn thắng cố theo bát hoặc theo nồi. Giá của mỗi bát thắng cố ngựa khoảng 100 nghìn đồng/ bát; một nồi thắng cố ngựa có giá dao động từ 500 nghìn đồng - 1 triệu đồng (tùy thuộc vào lượng khách). Nếu đi đoàn khách đông, du khách nên chọn ăn theo nồi để giữ được độ nóng cho thắng cố. Cùng đó, khi thưởng thức đặc sản thắng cố, du khách có thể gọi thêm rau, đậu hay uống kèm một chút rượu ngô bản Phố cũng sẽ là trải nghiệm thú vị.