Nỗ lực để người thuê trọ được hưởng giá điện do Nhà nước quy định

Xăng tăng, điện tăng cùng lúc

2 giờ chiều ngày 5.7, sau khi kết thúc ca 1, chị Nguyễn Thị Hằng (quê Nghệ An) - công nhân Công ty TNHH Panasonic Việt Nam (Đông Anh) vội vàng đóng sập cửa phòng trọ. Lấy chiếc điều khiển điều hoà, chị Hằng điều chỉnh nhiệt độ xuống còn 20.

Tiền điện tăng, đời sống công nhân thêm khó khăn
Sử dụng điều hoà là cách duy nhất để tránh nóng, song tiền điện lại là gánh nặng với công nhân. Ảnh: Minh Phương

“Không có điều hoà thì không sống nổi”, chị Hằng nói rồi chỉ ra phía hành lang: “Tấm fibro phả hơi nóng kinh khủng lắm. Mỗi lần đi làm về, phòng trọ hầm hập như “lò bát quái”, chưa kể bốn bề đều là tường, chẳng thấy cửa sổ đâu”.

Nơi chị Hằng thuê trọ giá điện 3.000 đồng/số, thời tiết nắng nóng, nữ công nhân phải chi thêm 250.000 - 350.000 đồng cho tiền điện mỗi tháng. 5 năm làm công nhân, hiện chị Hằng nhận lương 6 triệu đồng bao gồm lương cơ bản và phụ cấp; nếu được tăng ca đều đặn, thu nhập tăng thêm 1-2 triệu đồng/tháng. Mỗi tháng, dù có tiết kiệm, chị cũng chỉ gửi về cho gia đình được 2 triệu đồng.

Một mình ở thành phố, chị Hằng cho biết, giá cả đắt đỏ, từ ngày xăng tăng, bó rau con cá cũng tăng theo. Khi tiền điện, tiền mua thực phẩm, tiền xăng… cùng lúc đội thêm, chị Hằng thở dài “gánh nặng kiếm tiền ngày càng đè lên vai”.

Thích đi làm đêm hơn vì… đỡ nóng

Thời gian này, anh Trần Duy Khánh (sinh năm 1988, công nhân một công ty cơ khí tại Khu công nghiệp Thăng Long, huyện Đông Anh, Hà Nội) đang làm theo ca, 1 tuần làm đêm, 1 tuần làm ngày. Phụ trách khâu kiểm soát sản phẩm, không phải trực tiếp tiếp xúc với nguồn nhiệt như bộ phận đúc, nhưng nam công nhân này vẫn thường xuyên trong tình trạng ướt sũng mồ hôi trong những giờ làm việc.

“Do đặc thù nghề cơ khí, công ty nơi tôi làm không dùng máy lạnh, chỉ có quạt, thông gió. Nhiệt độ nơi tôi làm việc luôn ở mức 37-38 độ C. Làm việc trong thời tiết nắng nóng như hiện nay là cực hình đối với công nhân” - anh Khánh kể.

Theo anh Khánh, ở bộ phận đúc (môi trường làm việc nóng hơn), công nhân được bổ sung nước chanh đường, chè đỗ đen…, còn nơi anh làm việc chỉ có nước uống bình thường. Trời quá nóng, anh Khánh thích làm đêm hơn.

“Làm đêm mệt hơn do trái với đồng hồ sinh học của cơ thể, nhưng không khí lại mát mẻ, dễ chịu hơn” - anh Khánh so sánh.

Thời gian thoải mái nhất đối với nam công nhân quê ở Phú Thọ này chính là… ở phòng trọ. Để tránh nóng, chiếc điều hoà luôn chạy hết công suất mỗi khi anh ở nhà. Nhờ có điều hoà, anh Khánh có những giấc ngủ tốt hơn, đảm bảo sức khoẻ, nhưng điều này đồng nghĩa anh phải chi nhiều tiền điện hơn.

Trước đây, nếu như mỗi tháng anh phải trả tiền thuê nhà, điện nước khoảng 900 nghìn đồng, thì hiện nay, con số này tăng lên 1,1-1,2 triệu đồng.

Không chỉ tiền điện tăng, thời gian gần đây, giá xăng tăng kéo theo nhiều mặt hàng khác “nhảy” theo khiến nam công nhân 34 tuổi này rất đau đầu. Không nấu ăn nên anh không rõ giá cả các loại thực phẩm, nhưng “suất cơm bình dân trước đây 25 nghìn đồng, nay đã tăng lên 30 nghìn đồng, trong khi chất lượng không cao hơn, thậm chí còn kém đi” - anh than thở. Hộp cà phê sẵn anh hay dùng cũng đã tăng từ 38-40 nghìn đồng lên 45-47 nghìn đồng.

Chi phí sinh hoạt tăng, nhưng lương của công nhân như anh Khánh chưa thấy được điều chỉnh.

Đầu năm nay, công ty mới tăng lương theo đánh giá xếp loại năng lực công nhân, nên có người được tăng, có người không. Hiện công ty trả tiền lương và phụ cấp 7 triệu đồng/tháng. Nếu có làm thêm, tổng thu nhập của anh được khoảng 8 triệu đồng/tháng.

“Mỗi tháng, tôi gửi cho vợ con ở quê khoảng 3 triệu đồng; số còn lại, tôi giữ để chi tiêu, trang trải cuộc sống xa nhà. Trước đây, mỗi tháng tôi có thể để dành được 1-2 triệu đồng; còn hiện nay, giá xăng tăng kéo theo giá nhiều loại mặt hàng, dịch vụ tăng cao nên tôi không để ra được đồng nào, gần như thu nhập tháng nào tiêu hết tháng đó” - anh Khánh chia sẻ.

Theo Bảo Hân - Minh Phương/laodong.vn

https://laodong.vn/cong-doan/tien-dien-tang-doi-song-cong-nhan-them-kho-khan-1064452.ldo