Chiêm ngưỡng vẻ đẹp non nước Cao Bằng Việt Nam thuộc nhóm 10 điểm du lịch mùa đông đẹp nhất

Thỏa sức khám phá núi rừng

Ở núi Cấm (huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang) từ trước đến nay có nhiều phương tiện di chuyển phục vụ du lịch như cáp treo, xe lữ hành, xe máy… Song với những cách thức đó, du khách khó có thể hòa mình với thiên nhiên một cách trọn vẹn.

Nhưng với loại hình du lịch “trekking” hiện nay, mỗi người có thể tự do khám phá đại ngàn, đặc biệt là những địa điểm mà các phương tiện vận chuyển hiện đại không thể đến. Trên đường đi, du khách không chỉ thỏa sức thưởng ngoạn khung cảnh vùng Thất Sơn hùng vĩ, mà còn được thưởng thức nhiều đặc sản của núi rừng, do chính tay người dân nơi đây trồng trọt, thu hoạch và chế biến.

Khách du lịch háo hức với loại hình trekking núi Cấm (An Giang) khi cùng nhau băng rừng, leo dốc, chinh phục đỉnh cao và thưởng thức những đặc sản của núi rừng.

Tại mỗi chuyến trekking, khách du lịch háo hức cùng nhau băng rừng, leo dốc, chinh phục đỉnh cao với những giọt mồ hôi hoà lẫn những nụ cười. Đặc biệt, nhiều nhóm bạn trẻ vừa tham gia trekking vừa thu gom rác dọc đường, hành động tuy nhỏ nhưng góp phần giữ gìn màu xanh cho ngọn núi, lan tỏa thông điệp bảo vệ môi trường. Tất cả như phác họa bức tranh tương lai đầy triển vọng cho du lịch trekking trên núi Cấm.

Là một “trekker” tham gia hoạt động này từ những ngày đầu thí điểm, ông Phạm Minh Tuấn - Giám đốc Khách sạn Victoria Châu Đốc (An Giang) nhận định, cung đường trekking tại núi Cấm rất ấn tượng và đáng để khám phá. Trên đường đi chúng ta sẽ được đi qua những ngõ ngách của núi, những rừng cây, những con suối… đây sẽ là trải nghiệm thú vị cho du khách tham gia.

Du khách thỏa sức thưởng ngoạn cung đường trekking tại vùng Thất Sơn hùng vĩ.

Để có một chuyến trekking thuận lợi, mỗi người tham gia cần chuẩn bị những vật dụng đơn giản như giày leo núi, balô du lịch, gậy leo núi, thuốc xịt côn trùng, thức ăn nhẹ… Thời điểm thích hợp trong năm để trekking là vào mùa khô, từ tháng 11 đến tháng 5 năm sau; cần tránh trekking vào mùa mưa, vì đường dốc trơn trượt, gây khó khăn trong di chuyển và có thể tiềm ẩn những rủi ro.

“Cánh cửa mới” cho du lịch miền Tây

Mở ra một hướng đi mới cho du lịch là quá trình không dễ dàng. Vào ngày 26.4 vừa rồi, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư tỉnh An Giang đã tổ chức chuyến trekking “thử nghiệm” đầu tiên tại Khu du lịch Núi Cấm, với sự tham gia của 60 thành viên. Hoạt động đó đã đánh dấu bước khởi đầu của một hình thức du lịch mới.

Hình ảnh chuyến trekking “thử nghiệm” đầu tiên tại Khu du lịch Núi Cấm ngày 24.6.2022.

Bất ngờ là sau đó, mô hình du lịch trekking tại núi Cấm nhận được những hiệu ứng rất tốt. Đặc biệt, cuối tháng 10 vừa rồi, Công ty du lịch Vietravel đã khai thác trekking núi Cấm theo hình thức dịch vụ du lịch, với 180 thành viên tham gia. Đây cũng là đoàn trekking lớn nhất mà núi Cấm tổ chức, tính đến thời điểm hiện tại.

Chỉ trong vòng 6 tháng từ tháng 4 - 10.2022, nơi đây liên tục đón 8 đoàn trekking, mỗi đoàn có số lượng dao động từ 30 - 180 thành viên, tổng số người tham gia trên 500 lượt (chưa kể những nhóm nhỏ dưới 10 thành viên). Điều này đã phần nào chứng minh tính hiệu quả của loại hình du lịch trekking, đồng thời mở ra hướng đi mới cho du lịch An Giang nói riêng và Tây Nam Bộ nói chung.

Loại hình du lịch mới này đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình từ du khách.

Hoạt động trekking thu hút nhiều đối tượng tham gia là các vận động viên, cán bộ, trí thức, công nhân, thanh niên, khách du lịch… đến từ nhiều cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp. Sự hưởng ứng nhiệt tình của cộng đồng không chỉ vì tính mới lạ và rèn luyện sức khỏe, mà còn do địa bàn này vốn nổi tiếng với nhiều giai thoại tâm linh kỳ bí, thu hút sự hiếu kỳ của bao người.

Ông Lê Trung Hiếu - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư tỉnh An Giang - chia sẻ, An Giang có nhiều tiềm năng phát triển du lịch nhưng trong thời gian qua vẫn chưa khai thác hết, trekking núi Cấm ra đời đã góp phần tìm ra loại hình du lịch mới mang tính chất trải nghiệm cho tỉnh nhà. Từ đó, ông cũng mong muốn phát triển loại hình du lịch này ở nhiều địa điểm khác của An Giang chứ không riêng tại núi Cấm.

Khai thác cảnh quan thiên nhiên và văn hóa bản địa để phát huy tiềm năng của địa phương trong phát triển du lịch là xu hướng của nhiều địa phương trên cả nước hiện nay. Trekking đã phát triển tại nhiều tỉnh thành ở Việt Nam, nhưng Đồng bằng sông Cửu Long chưa khai thác loại hình này. Do đó, trekking núi Cấm ra đời đã mang đến mô hình du lịch mới lạ ở miền Tây.

Theo Yến Phương/laodong.vn

https://laodong.vn/van-hoa-giai-tri/trekking-nui-cam-trien-vong-moi-cho-du-lich-mien-tay-1112753.ldo