Công nghệ số nông nghiệp đảm bảo an toàn thực phẩm Khai thác tiềm năng, lợi thế từ nông nghiệp, nông thôn

Tổng Thư ký Quốc hội vừa thông báo kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi), đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 9/2022.

Để dự án Luật đủ điều kiện trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát để thể chế hóa đầy đủ các chủ trương lớn của Đảng, đặc biệt là các chủ trương đã được nêu tại Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022 tại Hội nghị lần thứ năm Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới.

Ưu tiên phát triển các tổ chức kinh tế tập thể trong lĩnh vực nông nghiệp
Phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 9/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. (ảnh: Quốc hội)

Từ đó, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định về kinh tế tập thể, về chính sách ưu đãi, hỗ trợ kinh tế tập thể và các nội dung khác phù hợp với tình hình, điều kiện phát triển mới; bảo vệ lợi ích chính đáng và nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống các thành viên của tổ chức kinh tế tập thể; góp phần thúc đẩy việc phát triển kinh tế tập thể năng động, hiệu quả, bền vững, cùng với kinh tế nhà nước trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân.

Rà soát, hoàn thiện các quy định về huy động nguồn lực, chính sách hỗ trợ của Nhà nước, quy định cụ thể các nguyên tắc, tiêu chí hỗ trợ, nguồn lực hỗ trợ bảo đảm trọng tâm, hiệu quả, khả thi, tránh trục lợi, thất thoát, tham nhũng, lãng phí. Quy định chính quyền các cấp phải quan tâm bố trí để cho các hợp tác xã tiếp cận được đất đai, tích tụ ruộng đất, huy động nguồn lực đất đai từ các thành viên.

Có chính sách ưu tiên phát triển các tổ chức kinh tế tập thể trong lĩnh vực nông nghiệp; gắn hoạt động sản xuất, kinh doanh với chuỗi giá trị sản phẩm, ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Ưu tiên phát triển các tổ chức kinh tế tập thể gắn với phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức.

Quy định về chính sách bảo hiểm, chính sách tham gia bảo hiểm xã hội; quy định về chính sách tín dụng nội bộ tránh xung đột với Luật Các tổ chức tín dụng; quy định cụ thể về cơ chế, chính sách cho đồng bào dân tộc thiểu số, chính sách để tiếp cận nguồn vốn tín dụng...

Về tên gọi, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị trình Quốc hội 2 phương án: Giữ nguyên như Luật 2012 là Luật Hợp tác xã (sửa đổi) hoặc như đề nghị của Chính phủ là Luật Các tổ chức kinh tế hợp tác.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị tiếp tục rà soát phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng để bao quát các loại hình kinh tế tập thể. Tiếp tục rà soát, đánh giá kỹ lưỡng hơn giữa quy định của dự án Luật này với các luật khác có liên quan như Bộ luật Dân sự, Luật Các tổ chức tín dụng, các luật về thuế, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa... bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất.

Quy định rõ hơn về tổ chức đại diện, về vai trò, địa vị pháp lý và nhiệm vụ của hệ thống Liên minh hợp tác xã; nghiên cứu kỹ lưỡng về quy định trở thành thành viên Liên minh hợp tác xã, về một số nội dung dịch vụ công giao cho Liên minh hợp tác xã.

Rà soát các quy định về mô hình tổ chức quản trị, người đại diện theo pháp luật, tiêu chuẩn về trình độ, năng lực của một số chức danh lãnh đạo, quản lý hợp tác xã đối với các loại hình, quy mô hợp tác xã phù hợp với thực tiễn...

Hoàn thiện các quy định về gia nhập, hoạt động, rút khỏi thị trường, số lượng thành viên, thủ tục đăng ký thành lập, giải thể. Quy định về phân loại thành viên, quyền và nghĩa vụ của từng loại thành viên; có cơ chế chú trọng việc khuyến khích phát triển và tạo thuận lợi cho việc tham gia thành lập, hoạt động của các thành viên.

Rà soát các quy định về tài chính, tài sản bảo đảm quản lý chặt chẽ, khả thi và phù hợp với thực tế hoạt động của các hợp tác xã; bổ sung các quy định về trích lập, sử dụng quỹ chung không chia, tài sản hình thành từ quỹ chung không chia như mức trích lập, thẩm quyền quyết định mức trích lập; quy định cụ thể về tín dụng nội bộ như điều kiện, cách thức triển khai, nguyên tắc hoạt động, cơ quan hướng dẫn, quản lý tín dụng nội bộ...