Xây dựng khung pháp lý cho hoạt động thương mại số
Việt Nam sẵn sàng trao đổi với Mỹ về các vấn đề thương mại song phương Hoa Kỳ đánh giá cao công tác điều hành chính sách tiền tệ của Việt Nam |
Tại phiên thảo luận "Thương mại và dịch vụ số" nằm trong khuôn khổ Diễn đàn thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ 2022, ông Ngô Đức Minh, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Công Thương chia sẻ, một trong những định hướng lớn của Đảng và Nhà nước, một trong những chủ đề được nhấn mạnh là quá trình chuyển đổi số, từ đó các nội dung trong các chiến lược, nhất là trong chiến lược kinh tế 2021-2030 cũng nhấn mạnh các vấn đề liên quan đến số hóa nền kinh tế, số hóa các hoạt động kinh tế.
Việc sửa đổi Luật Giao dịch điện tử vừa qua nhằm hoàn thiện pháp luật để tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chuyển đổi số quốc gia và phát triển các sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh tế mới dựa trên nền tảng công nghệ số, internet, không gian mạng; khắc phục những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn 17 năm thi hành Luật Giao dịch điện tử năm 2005.
Ngoài ra, để bảo vệ người tham gia hoạt động thương mại trên môi trường số, còn có Luật Bảo vệ người tiêu dùng, cũng đang được sửa đổi song song với sửa đổi Luật Giao dịch điện tử, trong đó nhấn mạnh các công cụ bảo vệ người tiêu dùng trên không gian mạng.
Doanh nghiệp cần hình dung lại quy trình hoạt động của mình trước khi tiến hành chuyển đổi số (Ảnh minh họa: Thanh Hà) |
Tuy nhiên, theo ông Ngô Đức Minh, thương mại số còn một đặc điểm đặc biệt nữa, đó là dữ liệu số. "Dữ liệu chính là dầu mỏ của tương lai, vì vậy bên cạnh hoạt động thương mại thông thường thì việc điều chỉnh khuôn khổ pháp lý trong hoạt động thương mại số còn liên quan đến dữ liệu. Đây cũng là điểm mới trong khuôn khổ pháp lý của Việt Nam trong thời gian tới, đi kèm với bảo vệ quyền riêng tư cũng như quyền cá nhân khi tham gia thương mại số", ông Ngô Đức Minh nhận định.
Bàn về mô hình chuyển đổi số, ông Vũ Tú Thành, Phó Giám đốc điều hành khu vực Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ – ASEAN (USABC) so sánh với mô hình chuyển đổi số tại Mỹ. Theo ông Thành, ở Mỹ, tổ chức bộ máy nhà nước, mô hình quản trị rất khác với Việt Nam, trong đó điển hình là việc quản lý hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp rất hạn chế.
"Một trong những biểu hiện rõ ràng nhất đó là các yêu cầu về cấp phép, các yêu cầu của cơ quan quản lý đối với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp thấp hơn nhiều so với Việt Nam. Về mặt kỹ thuật rất chi tiết nhưng về mặt cấp phép lại không yêu cầu quá nhiều. Cho nên khi đưa ra các yêu cầu về công nghệ số, nền tảng số, họ được tự do thực hiện mà không phải xin phép nhiều", ông Vũ Tú Thành cho biết.
Theo ông Thành, Việt Nam có đặc thù quản lý kinh tế truyền thống và được kiểm soát chặt chẽ theo mô hình chiều dọc, phân ra các lĩnh vực. Khi số hóa được phát triển mạnh mẽ sẽ xuất hiện nhiều mô hình kinh doanh mới đòi hỏi có sự phối hợp liên ngành thì sẽ gặp trở ngại, đòi hỏi các cơ quan quản lý phải phối hợp nhuần nhuyễn hơn nữa theo chiều ngang.
Về quy phạm pháp luật, Phó Giám đốc điều hành khu vực Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN cho rằng, chuyển đổi số ở Việt Nam có ưu điểm là làm nhanh và làm ngay, nhưng về trung và dài hạn thì cách tiếp cận này khá manh mún, đơn lẻ, rời rạc do chưa xuất phát từ bức tranh tổng thể.
"Đó là cách làm xuất phát từ tư duy nâng cấp, cập nhật các quy đinh hiện hành chứ chưa phải là thiết kế lại luật chơi cho nền kinh tế số, cho các hoạt động kinh tế số. Trong gần 4 năm qua, Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN và các đối tác đã luôn có những cuộc gặp gỡ, đề xuất với các lãnh đạo ban, ngành của Việt Nam để đề xuất với Chính phủ đưa ra các chiến lược cụ thể, bài bản, hình dung lại mục tiêu quản lý nhà nước, mục tiêu vận hành nền kinh tế trong bối cảnh mới, từ đó đưa ra cách tiếp cận tổng thể đối với nền kinh tế số", ông Vũ Tú Thành cho biết.
Có thể thấy, sự phát triển nhanh của khoa học công nghệ, sự bùng phát dịch Covid-19, các phương thức kinh doanh và ý tưởng sáng tạo mới xuất hiện khiến cho việc quản lý các hoạt động kinh tế số còn chưa bắt kịp xu hướng. Ngoài ra, còn các vấn đề quản lý và thu thuế đối với các hoạt động thương mại trực tuyến, đặc biệt là kinh doanh qua các mạng xã hội và cung cấp dịch vụ xuyên biên giới, vấn đề bảo đảm quyền lợi cho người lao động và người tiêu dùng qua thế giới mạng, việc xử lý, giải quyết những tranh chấp, xung đột về lợi ích của các chủ thể tham gia các hoạt động kinh doanh, thương mại và dân sự trên môi trường số.
Bảo Thoa
Bình luận