Cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch trái cây sang Trung Quốc Đưa gia vị Việt Nam vươn ra thế giới

Theo thống kê của ngành nông nghiệp tỉnh Tiền Giang, năm 2021, diện tích cây ăn trái toàn tỉnh hơn 82.000ha, sản lượng khoảng 1,6 triệu tấn. Trong đó, huyện Cái Bè hơn 22.000ha, huyện Cai Lậy gần 14.000ha, huyện Tân Phước khoảng 17.000ha... Ngành nông nghiệp tỉnh cũng đã quy hoạch và hình thành một số vùng chuyên canh cây ăn trái đặc sản như: Sầu riêng Cai Lậy; thanh long Chợ Gạo; khóm (dứa) Tân Phước; xoài cát Hòa Lộc; mãng cầu xiêm Tân Phú Đông… Tuy nhiên, khi nhắc đến trái cây của Tiền Giang, người tiêu dùng chỉ biết nhiều đến vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim và xoài cát Hòa Lộc.

Xây dựng thương hiệu cho “vương quốc” trái cây
Thanh long được tập kết tại trụ sở Hợp tác xã Hưng Thịnh Phát, xã Quơn Long, huyện Chợ Gạo (Tiền Giang).

Thương hiệu dần mất đi

Ông Nguyễn Thành Sơn, Giám đốc Hợp tác xã Vĩnh Kim, huyện Châu Thành cho biết, loại trái cây đặc trưng của vùng đất Vĩnh Kim được đăng ký nhãn hiệu tập thể từ năm 2007.

Từ đó đến nay, hợp tác xã cũng như các cơ quan nhà nước tham gia rất nhiều cuộc hội chợ, triển lãm trong và ngoài nước để quảng bá thương hiệu đến khách hàng và nhiều khách hàng từ Mỹ, Nhật, Australia, New Zealand, Nga... đã tìm đến hợp tác xã để đặt hàng với số lượng lớn. Nhưng, họ tìm đến rồi lại ra đi.

Bởi, chúng ta không đáp ứng được các điều kiện như: Số lượng ổn định, độ đồng đều cao, chất lượng an toàn, đặc biệt là vấn đề bảo quản trong quá trình vận chuyển dài ngày. Còn ở trong nước, các hệ thống siêu thị cũng nhiều lần đặt vấn đề đưa trái vú sữa Lò Rèn vào hệ thống để cung cấp cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, cũng không tồn tại được lâu sau khi vào hệ thống do số lượng ít, chất lượng không bảo đảm và bảo quản không được lâu”, ông Nguyễn Thành Sơn cho biết thêm.

Lúc cao điểm, diện tích vú sữa Lò Rèn gần 1.000ha. Hiện, hầu hết diện tích trồng vú sữa Lò Rèn đã chuyển sang cây trồng khác. Số lượng rất ít còn lại (khoảng 70ha) đều bán trôi nổi trên thị trường, người tiêu dùng cũng không nhận ra đâu là trái vú sữa an toàn và đâu là không an toàn.

Xoài cát Hòa Lộc (xã Hòa Hưng, huyện Cái Bè) được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) chứng nhận Chỉ dẫn địa lý năm 2009. Từ đó, thương hiệu của trái xoài đặc trưng cho vùng đất Hòa Lộc được quảng bá rộng rãi.

Thế nhưng, dù hợp tác xã, các ngành chức năng huyện Cái Bè và tỉnh Tiền Giang quảng bá thương hiệu qua nhiều kênh nhưng trái xoài cát Hoà Lộc cũng chưa thể vươn xa. Bởi, công tác bảo quản sau thu hoạch và bảo quản trong quá trình vận chuyển còn rất hạn chế nên nhiều đối tác trong và ngoài nước đến tìm hiểu rồi lại ra về; những hợp đồng ký được với đối tác chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Ông Nguyễn Văn Thực, Giám đốc Hợp tác xã xoài cát Hòa Lộc cho biết: “Nhiều đối tác đến tìm hiểu, đặt điều kiện để ký hợp đồng nhưng chúng tôi không thực hiện được vì không đủ số lượng, độ đồng đều, tính ổn định và bảo quản sau thu hoạch... Từ đó, các đối tác lớn ở nước ngoài không quay lại nữa và thương hiệu trái xoài cát Hòa Lộc còn rất hạn chế”.

Ngoài hai loại trái cây đặc trưng nêu trên, tỉnh Tiền Giang còn có một số trái cây đặc sản mang nhãn hiệu chứ chưa trở thành một thương hiệu như: Thanh long (huyện Chợ Gạo); khóm (huyện Tân Phước); sầu riêng Ngũ Hiệp; chôm chôm Tân Phong (huyện Cai Lậy); nhãn Nhị Quý (thị xã Cai Lậy); sơ ri Gò Công (thị xã Gò Công và huyện Gò Công Đông); bưởi lông Cổ Cò (huyện Cái Bè); mãng cầu Xiêm (huyện Tân Phú Đông)...

Cần tầm nhìn chiến lược

Tính đến cuối năm 2021, tỉnh Tiền Giang có hơn 3.200ha cây ăn trái các loại được chứng nhận sản xuất theo quy trình GlobalGAP, VietGAP, nhưng chỉ có khoảng 100ha được tái chứng nhận. Nhiều loại trái cây đã xây dựng được nhãn hiệu, thương hiệu nhưng chưa đáp ứng được kỳ vọng của nông dân do chưa vươn xa, giá cả chưa hấp dẫn người trồng.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Mẫn cho biết, diện tích cây ăn trái của tỉnh lớn nhất cả nước, nhưng diện tích được cấp chứng nhận “nông sản sạch” còn quá thấp. Chi phí tái chứng nhận khá cao nên nhiều tổ chức, cá nhân chưa mặn mà.

Thời gian tới, ngành nông nghiệp của tỉnh sẽ phối hợp các đơn vị có liên quan tập trung quảng bá thương hiệu nông sản, xây dựng vùng chuyên canh và chuỗi ngành hàng; phân vùng, xây dựng vùng chuyên canh có quy mô sản xuất hàng hóa lớn và đồng nhất về tiêu chuẩn kỹ thuật; xây dựng chuỗi giá trị và thương hiệu sản phẩm. Tại các vùng chuyên canh, đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng, dịch vụ kỹ thuật để sản xuất thuận tiện, hỗ trợ cơ giới hóa và sản xuất quy mô lớn; đặc biệt chú ý đến hệ thống đê bao cho vùng sản xuất chuyên canh cây ăn trái.

Tiến sĩ Đoàn Hữu Tiến, Giám đốc Trung tâm Chuyển giao tiến bộ kỹ thuật (Viện Cây ăn quả miền nam) cho biết, để nâng cao giá trị xuất khẩu nông sản, chúng ta cần quan tâm hơn nữa đến việc xây dựng thương hiệu nông sản Việt Nam; trước mắt, cần lựa chọn một số mặt hàng có thế mạnh, đáp ứng được các yếu tố chính như:

Khối lượng đủ lớn và ổn định, chất lượng tốt và đồng đều, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, đáp ứng được các hàng rào kỹ thuật của các thị trường nhập khẩu và phải có giá bán cạnh tranh, sử dụng các giống cây trồng có chất lượng sản phẩm tốt, có nhu cầu thị trường cao; tổ chức sản xuất theo quy trình thực hành nông nghiệp tốt trên diện rộng; triển khai sản xuất nông sản hữu cơ tại các địa phương có điều kiện phù hợp; sản xuất nông sản theo hướng sinh thái, nông nghiệp tuần hoàn, rải vụ, thực hiện liên kết từ trồng đến tiêu thụ sản phẩm.

Công tác đăng ký và bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa, xúc tiến thương mại và mở rộng thị trường cần được đẩy mạnh nhằm góp phần vào việc xây dựng và giữ vững thương hiệu nông sản của Vệt Nam trên thị trường trong nước và quốc tế. Nghiên cứu và chọn tạo giống mới, làm tốt khâu bảo hộ và thương mại hóa giống cây trồng... cũng là những việc làm cần thiết để thúc đẩy xuất khẩu nông sản nói chung và ngành hàng rau, quả nói riêng.

Theo Nguyễn Sự/nhandan.vn

https://nhandan.vn/xay-dung-thuong-hieu-cho-vuong-quoc-trai-cay-post707496.html