Đan Phượng tăng tốc chuyển đổi mô hình kinh tế, xây dựng nông thôn mới [Infographics] Kinh tế Thủ đô tiếp đà phục hồi, tăng trưởng

Theo số liệu tổng hợp của Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), hiện nay, một số địa phương như Quảng Nam và Kon Tum đã nuôi trồng, phát triển khoảng 6.000ha sâm Ngọc Linh. Một số doanh nghiệp đã đầu tư chế biến, đa dạng hóa sản phẩm, thị trường tiêu thụ trong nước.

Xây dựng và phát triển sâm Việt Nam thành ngành hàng có giá trị kinh tế cao
Quảng Nam đầu tư mở rộng diện tích sâm Ngọc Linh.

Đến nay, tỉnh Quảng Nam và tỉnh Kon Tum đã phát triển vùng bảo tồn, quy hoạch với tổng diện tích 47.309ha. Đồng thời, hai địa phương này đã đầu tư hơn 471,8 tỷ đồng để xây dựng, phát triển hạ tầng vùng sâm.

Tại hội thảo, các đại biểu đã nghe tham luận của lãnh đạo các địa phương, nhà quản lý, nhà khoa học và đại diện các doanh nghiệp đề cập chung quanh các vấn đề về tiềm năng, thực trạng phát triển và bảo tồn sâm Việt Nam trong thời gian qua.

Nhiều ý kiến cho rằng, hiện tại, công tác gây trồng, chế biến, tiêu thụ sản phẩm sâm còn chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh; việc quy hoạch phát triển vùng sâm còn chậm; thiếu nguồn giống đảm bảo chất lượng; thiếu cơ sở chế biến sâu. Công tác quảng bá, xúc tiến xây dựng thương hiệu còn hạn chế. Do vậy, để phát triển, bảo tồn sâm Việt Nam cần phát triển sản phẩm đặc hữu gắn với đẩy mạnh quảng bá, khẳng định thương hiệu sản phẩm sâm Ngọc Linh (sâm Việt Nam) tại thị trường trong nước và quốc tế; đưa sâm Ngọc Linh (sâm Việt Nam) thành sản phẩm hàng hóa chủ lực của quốc gia.

Một số đại biểu đề nghị các bộ, ngành liên quan tham mưu Chính phủ sớm ban hành “Chương trình phát triển sâm Việt Nam đến năm 2030, định hướng 2045”; đồng thời có những cơ chế hỗ trợ, thu hút các doanh nghiệp vào trồng, sản xuất, chế biến các sản phẩm từ sâm núi Ngọc Linh; hỗ trợ xây dựng Bộ tiêu chuẩn sản xuất giống, trồng, thu hoạch… phù hợp thông lệ quốc tế để tạo điều kiện cho sâm Ngọc Linh tiếp cận với thị trường thế giới.

Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh cho biết, ngày 15/3/2022, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành về xây dựng “Chương trình phát triển sâm Ngọc Linh (sâm Việt Nam).

Xây dựng và phát triển sâm Việt Nam thành ngành hàng có giá trị kinh tế cao -0
Sâm Ngọc Linh được trưng bày, giới thiệu tại hội thảo.

Theo đó, giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp các bộ, ngành liên quan, Ủy ban nhân dân 2 tỉnh Quảng Nam, Kon Tum và các tỉnh có nuôi trồng, phát triển sâm Ngọc Linh tiến hành tổng kết, đánh giá đầy đủ, toàn diện kết quả thực hiện các chương trình, đề án, dự án phát triển sâm Ngọc Linh trong thời gian qua; xây dựng Chương trình phát triển sâm Ngọc Linh (sâm Việt Nam) đến năm 2030 và định hướng đến năm 2045 theo quy định của pháp luật, trình Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30/9/2022.

Mục tiêu chung là xây dựng và phát triển sâm Việt Nam thành ngành hàng có giá trị kinh tế cao, mang thương hiệu sản phẩm quốc gia gắn với sử dụng bền vững rừng trên cơ sở khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương, tăng thu nhập cho người làm rừng, góp phần phát triển kinh tế-xã hội địa phương vùng đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, bảo đảm an ninh-quốc phòng.

Theo kế hoạch, mục tiêu cụ thể đến năm 2030, Việt Nam sẽ có khoảng 200.000ha trồng sâm tại các tỉnh: Quảng Nam, Kon Tum, Gia Lai, Lâm Đồng, Nghệ An, Lai Châu và Lào Cai; đồng thời, xây dựng, đầu tư phát triển vùng nguyên liệu trồng sâm Việt Nam tập trung tại các tỉnh: Quảng Nam, Kon Tum, Gia Lai, Lai Châu, Lâm Đồng và Nghệ An, với diện tích khoảng 27.390ha…

Theo Tấn Nguyên/nhandan.vn

https://nhandan.vn/chuyen-lam-an/xay-dung-va-phat-trien-sam-viet-nam-thanh-nganh-hang-co-gia-tri-kinh-te-cao-701417/