Nhiều chính sách mới “gỡ khó” cho doanh nghiệp và người dân, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế Chỉ số PAPI 2022: Người dân lạc quan về tăng trưởng kinh tế Thương mại điện tử đã qua thời “tăng trưởng nóng”

Theo dự báo của Tổng cục Thống kê, Bắc Ninh là địa phương được dự báo tăng trưởng GRDP thấp nhất trong 6 tháng, với mức âm 12,59%. Nguyên nhân được cho là có sự sụt giảm sâu của khu vực công nghiệp. Đặc biệt ở một số ngành chủ lực trong ngành công nghiệp chế biến chế tạo.

Lý do chủ yếu là nhu cầu tiêu dùng quốc tế suy yếu bởi một số quốc gia rơi vào tình trạng suy thoái, lạm phát, từ đó ảnh hưởng lớn đến hoạt động xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp, nhất là xuất khẩu sản phẩm. Nhiều doanh nghiệp của Bắc Ninh bị cắt giảm đơn hàng hoặc đơn hàng lẻ tẻ nên buộc phải thu hẹp quy mô sản xuất, buộc người lao động phải nghỉ việc hoặc giảm giờ làm, thậm chí là giải thể. Cùng với đó, khu vực đầu tư nước ngoài vốn là động lực kinh tế của Bắc Ninh cũng đang gặp phải nhiều vấn đề cần tháo gỡ.

4 địa phương được dự báo tăng trưởng âm trong nửa năm đầu
Hà Nội được dự báo tăng 5,97%, xếp thứ hạng 30/63 tỉnh, thành phố. (Ảnh minh họa: BT)

Theo số liệu của Cục Thống kê tỉnh Bắc Ninh, tính chung 5 tháng đầu năm 2023, IIP (chỉ số sản xuất công nghiệp) chung toàn ngành công nghiệp giảm tới 19,02% so với cùng kỳ năm trước và đây cũng là mức giảm nhiều nhất trong 5 năm trở lại đây.

Trong đó, ngành công nghiệp chế biến chế tạo giảm sâu 19,15%; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng nhẹ 1,44% và ngành công nghiệp cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 7,02%.

Trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của tỉnh có tới 13/20 ngành cấp 2 tăng trưởng âm, trong đó, một số ngành có mức giảm nhiều như: In, sao chép bản ghi các loại giảm 36,28%; sản xuất trang phục giảm 34,36%; sản xuất thiết bị điện giảm 30,08%; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất giảm 27,75%.

10 địa phương có dự báo tăng trưởng thấp nhất là Bắc Ninh (-12,59%), Quảng Nam (-9,16%), Lai Châu (-6,32%), Bà Rịa - Vũng Tàu (-3,47%), Vĩnh Long (0,44%), Hoà Bình (0,73%), Hà Giang (1,18%), Vĩnh Phúc (1,69%), Sóc Trăng (1,83%) và Sơn La (2,1%).

Ngược lại, Hậu Giang là địa phương được dự báo đạt mức tăng trưởng cao nhất cả nước, ước đạt 14,21%. Hai vị trí tiếp theo thuộc về Bắc Giang và thành phố Hải Phòng với mức tăng trưởng dự báo ước đạt lần lượt là 10,94% và 9,94%.

Với sự hồi phục của thị trường tiêu thụ trong nước, chỉ số IIP của tỉnh Hậu Giang tiếp tục tăng trong hai tháng 4 và 5 lần lượt là 14,47% và 13,91% so cùng kỳ; góp phần đưa chỉ số sản xuất công nghiệp 5 tháng đầu năm tăng 13,92% so với cùng kỳ.

Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là ngành chiếm tỷ trọng lớn nhất trong toàn ngành công nghiệp, tăng 8,34% so với cùng kỳ; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 270,92%; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 13,92%.

Nằm trong top 10 tỉnh, thành phố có mức dự báo tăng trưởng cao nhất 6 tháng đầu năm 2023 còn có: Quảng Ninh, Cà Mau, Nam Định, Hưng Yên, Ninh Thuận, Khánh Hoà và Thái Bình.

Như vậy, Hải Phòng là thành phố trực thuộc trung ương duy nhất lọt top 10 địa phương có dự báo tăng trưởng cao trong 6 tháng đầu năm. 4 thành phố trực thuộc trung ương còn lại dự báo có mức tăng trưởng khá khiêm tốn và chỉ xếp hạng mức trung bình cả nước.

Hà Nội được dự báo tăng 5,97%, chỉ xếp thứ hạng 30/63 tỉnh, thành phố; Đà Nẵng 3,74%, xếp thứ 46/63; Cần Thơ 3,71%, xếp thứ 47/63 và thấp nhất là thành phố Hồ Chí Minh 3,55%, xếp thứ 48/63 tỉnh, thành phố cả nước.

Diệp Anh