Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp Sinh viên khởi nghiệp cần có sự hoạch định nghiêm túc
“Áo dành cho trẻ tự kỷ” đạt giải khởi nghiệp
Sản phẩm “Áo dành cho trẻ tự kỷ”. (Ảnh: Ban tổ chức)

Trò chuyện với phóng viên, bạn Nguyễn Hoàng Bảo Trân (sinh viên Khoa Quản lý dự án, Đại học Bách Khoa thuộc Đại học Đà Nẵng) - đại diện nhóm chia sẻ: “Đã mấy ngày trôi qua nhưng Trân và cả nhóm vẫn còn lâng lâng niềm vui như khi được xướng tên đạt giải nhất cuộc thi “Khởi nghiệp Công nghệ trong sinh viên” hôm 6/8”.

Nói về ý tưởng giúp hình thành nên tác phẩm đạt giải, Bảo Trân cho biết qua tìm hiểu cả nhóm thấy rằng số lượng người tự kỷ ở Việt Nam nói chung và trên thế giới nói riêng, đặc biệt là trẻ em ngày càng gia tăng nhưng hiện tại vẫn chưa có một giải pháp gì hỗ trợ cho những gia đình có trẻ em mắc hội chứng này. Bên cạnh đó, việc chăm sóc và nuôi dạy trẻ em tự kỷ ở các trường chuyên biệt còn nhiều áp lực và khó khăn.

Hiện tại, trên thị trường Việt Nam vẫn chưa có sản phẩm hỗ trợ để chăm sóc trẻ em tự kỷ, còn thị trường quốc tế đã có những sản phẩm như chăn nặng, áo trọng lượng, máy tạo áp lực sâu, tuy nhiên các sản phẩm đó vẫn là các sản phẩm thủ công, rất cồng kềnh và nặng nề. Các sản phẩm đều dùng cơ chế nén bị động, sẽ làm cho trẻ cảm thấy khó chịu và càng hoảng sợ hơn khi vừa mất kiểm soát lại vừa bị trùm một cái chăn nặng lên người,...

“Áo dành cho trẻ tự kỷ” đạt giải khởi nghiệp
Thành viên nhóm thuyết minh về sản phẩm “Áo dành cho trẻ tự kỷ” tại cuộc thi. (Ảnh: Ban tổ chức)

Trăn trở về thực trạng thực trên, nhóm của Bảo Trân quyết định nghiên cứu, làm sản phẩm “Áo dành cho trẻ tự kỷ”.

“Nhóm chúng em là sinh viên nên khó khăn nhiều hơn thuận lợi khi nghiên cứu, làm sản phẩm này. Khó khăn đầu tiên là tìm hiểu, tiếp cận đến những gia đình có trẻ em tự kỷ; tìm hiểu các biện pháp để làm dịu trẻ khi trẻ kích động trong thời gian ngắn mà không làm trẻ khó chịu. Bên cạnh đó, vì đều là sinh viên nên nguồn tiền để chúng em nghiên cứu, phát triển sản phẩm đều từ tài trợ và tự bỏ thêm tiền”, Trân bộc bạch.

Cũng theo Bảo Trân, sau khi hoàn thành sản phẩm “Áo dành cho trẻ tự kỷ”, nhóm đã thử nghiệm tại trường chuyên biệt Nguyễn Đình Chiểu, thành phố Đà Nẵng. Nhóm đã nhận được phản hồi rất tích cực từ phụ huynh và các giáo viên tại trường, đồng thời cho ý kiến để nhóm phát triển thêm chức năng cho sản phẩm.

“Áo dành cho trẻ tự kỷ” đạt giải khởi nghiệp
Các đội tham gia cuộc thi chụp ảnh lưu niệm. (Ảnh: Ban tổ chức)

Theo đại diện nhóm, áo làm bằng vật liệu vải, trọng lượng khoảng một kilogam. Trong áo được bố trí hệ thống túi khí, thiết bị massage ở trên hai vai. Sản phẩm hoạt động theo cơ chế kích thích ép sâu. Khi trẻ tự kỷ bị kích động, áo sẽ tự động bơm làm phồng các túi khí ôm chặt vào cơ thể trẻ và thiết bị massage trên hai vai đồng thời hoạt động giúp trẻ thư giãn.

Sau khi vượt qua nhiều vòng thi, sản phẩm “Áo dành cho trẻ tự kỷ" của nhóm đã đạt giải nhất cuộc thi “Khởi nghiệp Công nghệ trong sinh viên”. Số tiền thưởng là 15 triệu đồng và giấy khen của Hội Sinh viên Đại học Đà Nẵng.

“Kế hoạch của nhóm trong thời gian tới là sẽ có một sản phẩm tự động hóa 100% trong thời gian sớm nhất để giúp các gia đình, trường học chuyên biệt chăm sóc trẻ em tự kỷ tốt nhất”, Bảo Trân nói.

Cuộc thi “Khởi nghiệp Công nghệ trong sinh viên” được Hội Sinh viên Đại học Đà Nẵng phối hợp với Sở Khoa học Công nghệ thành phố Đà Nẵng tổ chức. Năm nay tổ chức lần thứ hai với ý nghĩa thiết thực chào mừng Đại hội Đoàn các cấp, tiến tới Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XI. Đây được xem là một sân chơi bổ ích dành cho các bạn học sinh, sinh viên trên địa bàn thành phố Đà Nẵng và khu vực lân cận.

Bên cạnh giải nhất “Áo dành cho trẻ tự kỷ”, Ban tổ chức đã trao giải nhì dự án “Găng tay phục hồi chức năng ứng dụng robot mềm” cho nhóm sinh viên Trường Đại học Bách khoa, Trường Đại học Kinh tế; giải ba được trao cho dự án “Hệ thống quản lý rác thải sinh hoạt” được nhóm sinh viên các Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật và Trường Đại học Kinh tế nghiên cứu, sáng tạo.

Theo Ban tổ chức, tinh thần nhiệt huyết và đam mê với khởi nghiệp của các bạn học sinh, sinh viên đã góp phần xây dựng nên một cuộc thi với nhiều ý tưởng sáng tạo và độc đáo. Đồng thời, mong mỏi các bạn học sinh, sinh viên sẽ luôn giữ vững được ý chí và khát khao trên con đường vươn đến thành công.