CEO Wiibike: "Giấc mơ của tôi là sẽ có những thành phố xe đạp, có làn đường cho xe đạp" Việt Nam đứng thứ 3 trong số 54 nước và vùng lãnh thổ đầu tư tại Lào Người biến đất nông nghiệp thành “vàng”

PV: Theo chuyên gia có nên khởi nghiệp khi còn đang đi học? Khởi nghiệp vào thời điểm nào, tuổi nào là tốt nhất?

Chuyên gia Đào Thúy Hoàn: Để trả lời câu hỏi là có nên khởi nghiệp khi còn đang đi học không, có lẽ chúng ta cần định nghĩa trước như thế nào là khởi nghiệp? Nếu chỉ đơn thuần là có một công việc kinh doanh riêng như bán một mặt hàng online nào đó, hay đi làm công việc gì đó ngoài giờ học để có kinh nghiệm thực tế thì có lẽ chưa gọi là thực sự khởi nghiệp.

Trên thực tế “khởi nghiệp” thường được hiểu là thành lập một doanh nghiệp để hoạt động sản xuất kinh doanh một hoặc một số sản phẩm dịch vụ nào đó, và cách hiểu thứ hai là “start up” (cũng được dịch ra là “khởi nghiệp”) chỉ việc khởi sự kinh doanh có liên quan tới công nghệ. Để bao quát hơn cho khái niệm về “khởi nghiệp”, ở đây tôi muốn đề cập đến cả hai cách hiểu trên.

Sinh viên khởi nghiệp cần có sự hoạch định nghiêm túc
Luật sư, chuyên gia khai vấn Đào Thúy Hoàn

Bản thân tôi đã từng khởi nghiệp năm 41 tuổi, và thực sự rất may mắn là đã vượt qua những giai đoạn khó khăn nhất. Mặc dù tôi đã có 3 bằng đại học, 2 chứng chỉ hành nghề (Luật sư và nghề Đại diện Sở hữu công nghiệp), biết 3 ngoại ngữ (Nga, Anh, Đức), cũng từng làm việc ở các công ty nước ngoài và trong nước, từng ở một số quốc gia khác nhau nên cũng có ít nhiều kinh nghiệm về kinh doanh và cuộc sống.

Nhưng quả thực khi khởi nghiệp tôi thấy quá nhiều thứ cần phải học để có thể tự đứng vững trên đôi chân của mình. Hoạt động kinh doanh không giống những gì chúng ta học trên ghế nhà trường, vì thế để khởi nghiệp, các bạn sinh viên nên hiểu rằng cần có rất nhiều vũ khí mềm cần trang bị trước khi ra ngoài thực chiến.

Theo tôi không có đáp án chung cho mọi trường hợp về việc có nên khởi nghiệp khi còn đang đi học hay không. Tôi sẽ nêu các lý do sau đây. Mỗi người có một khả năng, trình độ, nhận thức, nền tảng giáo dục, cơ sở vật chất, kiến thức và bản lĩnh khác nhau.

Các bạn sinh viên đang tràn đầy nhiệt huyết muốn thử sức, muốn cống hiến thì hoàn toàn có thể bắt đầu khởi nghiệp nếu biết rõ mình đang có những tài năng, kiến thức, kỹ năng hay công nghệ gì có thể biến thành hàng hóa để đóng góp tốt cho xã hội. Đặc biệt, nếu có giải pháp nào đó giải quyết được vấn đề cấp bách cho xã hội đang cần ở thời điểm đó thì nên khởi nghiệp vì trong kinh doanh biết nắm bắt thời cơ là quan trọng.

Với những bạn tính cách trầm hơn, phong cách cẩn trọng hơn và chưa hoàn toàn tự tin thì nên trang bị cho mình kiến thức, kỹ năng, phát triển các mối quan hệ, chuẩn bị tiềm lực về tài chính và học các kỹ năng về quản lý, lãnh đạo trước khi chính thức khởi nghiệp.

Theo tôi, thời điểm khởi nghiệp tốt nhất là thời điểm các bạn tự tin và hiểu được sứ mệnh của mình sinh ra để làm gì, có thể giúp được gì cho ai, đem lại được lợi ích gì cho xã hội chứ không đơn thuần muốn khởi nghiệp để kiếm sống và làm giàu cho bản thân hay vì một ánh hào quang nào đó. Có tâm tính tốt, có kiến thức chuyên môn vững vàng, sẵn sàng phụng sự đất nước và xã hội, các bạn sẽ gặp được những nguồn lực giúp các bạn mở dần những cánh cửa để đi tới thành công.

PV: Sinh viên có nên vừa học vừa làm không? Hiện nay xu hướng khởi nghiệp cho sinh viên là những ngành nghề nào, thưa chuyên gia?

Chuyên gia Đào Thúy Hoàn: Sinh viên vừa học vừa làm là điều rất tốt và nên làm, nếu đó là các công việc chân chính, cần bỏ công sức và kiến thức để có thu nhập phụ vào giúp cho cha mẹ đỡ gánh nặng nuôi con học đại học ròng rã mấy năm trời.

Tuy nhiên, các bạn sinh viên cần xác định điều quan trọng nhất là phải tận dụng tối đa thời gian trong trường để thu nạp kiến thức, học hỏi từ những người thành công có tâm để mình có thể làm việc tốt và thành đạt trong tương lai, chứ không nên nhìn vào một số lợi ích vật chất nhỏ trước mắt để làm mất đi cơ hội thời gian học hỏi.

Thời sinh viên là quãng thời gian vô cùng quý giá và thuận lợi nhất để các bạn có thể tập trung tối đa vào việc học hỏi và tiếp thu kiến thức. Nếu làm thêm thì cần cân nhắc để không bị ảnh hưởng tới nhiệm vụ chính là học tập và rèn luyện, cơ sở cho sự thành hay bại về sau. Hiện nay, nhiều bạn sinh viên có xu hướng khởi nghiệp trong ngành công nghệ thông tin, F&B, thời trang, đào tạo ngoại ngữ.

PV: Thường thì sinh viên sẽ khởi nghiệp với số vốn nhỏ, nhưng do kinh nghiệm ít nên rất dễ thất bại. Chuyên gia có lời khuyên nào cho các bạn trẻ khởi nghiệp với số vốn nhỏ?

Chuyên gia Đào Thúy Hoàn: Kết quả thành công hay thất bại không chỉ ở số vốn nhỏ hay lớn mà còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố khác nữa. Có nhiều cách để các bạn khởi nghiệp, và có nhiều ý tưởng có thể đóng gói được thành tiền để gọi vốn kinh doanh.

Ở một góc nhìn khác, khởi nghiệp với số vốn nhỏ cũng là một điều tốt để các bạn trải nghiệm, nếu thành công thì tuyệt vời, nếu chưa thành công thì các bạn chỉ mất đi một ít vốn nhưng lại học được rất nhiều bài học quý.

Sinh viên khởi nghiệp cần có sự hoạch định nghiêm túc
Các bạn sinh viên cần xác định điều quan trọng nhất là phải tận dụng tối đa thời gian trong trường để thu nạp kiến thức, học hỏi.

Khi khởi nghiệp thì nên bắt đầu từ vốn nhỏ, vì các bạn chưa có kinh nghiệm, chưa trải qua những khó khăn trắc trở trong kinh doanh và cũng chưa có nhiều kiến thức để ứng phó với các tình huống bất như ý xảy ra, vì thế khởi nghiệp cũng là một cách vừa làm vừa học, học qua trải nghiệm, học từ những tấm gương đi trước, học từ những thất bại và thành công của người từng trải, và học hỏi để phát triển bản thân, nâng cao hiểu biết mới có thể thành công.

Vì thế, các bạn cần phân bổ nguồn lực tài chính, thời gian, sức lực để vừa có trải nghiệm kinh doanh nhưng cũng vẫn đảm bảo cuộc sống, vừa có sức khỏe và thời gian để học phát triển bản thân, đảm bảo kết quả học tập tốt ở trường và luôn giữ được nhiệt huyết.

PV: Những thất bại đầu đời với các bạn sinh viên sẽ là gì và cách xử lý cũng như thích nghi để tiếp tục khởi nghiệp?

Chuyên gia Đào Thúy Hoàn: Mọi người sinh ra đều có sứ mệnh và năng lực riêng. Có người phù hợp với việc làm người dẫn đầu (leader), có người không có tố chất và bản lĩnh của người lãnh đạo nhưng lại làm người trợ thủ đắc lực hoặc người tuân thủ rất tốt để cho đội ngũ hoạt động tốt.

Các bạn sinh viên cần hiểu rõ về mình và có định hướng đúng đắn trước khi lao ra khởi nghiệp để tránh thất bại. Nếu chỉ là do kinh doanh thua lỗ dẫn tới mất một số vốn nhỏ thì đó là thiệt hại nhỏ nhất và hoàn toàn có thể làm lại lần sau tốt hơn, vì các bạn đã có thêm trải nghiệm.

Thất bại là khi các bạn có nỗi sợ hãi lớn hơn quyết tâm, không dám hành động, không dám bước ra khỏi vùng thoải mái của mình để dấn thân vào con đường khởi nghiệp, hoặc khi các bạn bị mất niềm tin vào khả năng của mình và vào người khác.

Vì thế, trước khi khởi nghiệp, dù các bạn đang là sinh viên hay đã tốt nghiệp, để chuẩn bị tốt nhất cho tương lai mà bắt đầu là hành trang khởi nghiệp, theo kinh nghiệm của tôi, đó là: Bản lĩnh vững vàng, hiểu biết pháp luật, tu tâm tích đức, trau dồi kiến thức, khiêm tốn học hỏi, chăm sóc sức khỏe, rèn luyện kỹ năng, chuẩn bị tài chính, xây dựng chiến lược, thiết lập mục tiêu, kế hoạch rõ ràng và hành động cụ thể.

Diệp Anh (thực hiện)