Người biến đất nông nghiệp thành “vàng”
Trong những năm gần đây, mô hình trồng hoa khai thác du lịch là mô hình đang đem lại nguồn thu hấp dẫn cho nhiều hộ kinh doanh trên địa bàn quận Hải An, vừa đáp ứng được nhu cầu thưởng hoa, chụp ảnh của số đông du khách vừa mang lại lợi nhuận cao cho nhà vườn.
Với mô hình sản xuất nông nghiệp gắn với du lịch sinh thái, gia đình chị Vũ Thị Hải đã biến từng tấc đất thành “tấc vàng”, mang lại giá trị kinh tế cho gia đình và góp phần vào phát triển ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương.
Sở hữu 11 nghìn mét vuông đất nông nghiệp, từng ngày, từng giờ, chị Hải cùng gia đình luôn nghĩ cách để khai thác hiệu quả nhất từng tấc đất để biến thành “tấc vàng” thực thụ.
Chị trăn trở suy tính, nếu chỉ chăn nuôi, trồng hoa màu, cây ăn quả thì vẫn chưa thể khai thác hết tiềm năng của đất. Không những thế, đầu ra của sản phẩm cũng không phải là vô hạn. Phải làm sao để tận dụng được mảnh đất này, cho giá trị kinh tế cao nhất.
Chị Vũ Thị Hải - Chủ mô hình sản xuất nông nghiệp gắn với du lịch sinh thái hộ gia đình, tổ dân phố số 5, phường Tràng Cát, quận Hải An, thành phố Hải Phòng. |
Năm 2000, chị Hải bắt tay vào mô hình sản xuất nông nghiệp tổng hợp gắn với du lịch. Giai đoạn đầu gia đình chị trải qua nhiều khó khăn vì phải quy hoạch, đào ao, dâng đất, cải tạo đất bị nhiễm phèn chua, thử nghiệm để lựa chọn cây, con giống phù hợp với chất đất, nước. Vốn và nhân công đều rất thiếu trong giai đoạn này.
Tuy nhiên, với sự quyết tâm cao, gia đình chị đã huy động mọi nguồn lực để thực hiện. Bên cạnh nguồn vốn của gia đình, chị được Hội phụ nữ giúp đỡ tín chấp vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội, nguồn vốn được huy động tiết kiệm từ chi hội Phụ nữ.
Sau nhiều lần thử nghiệm, diện tích đất của gia đình chị Hải đã được tận dụng sử dụng tối đa diện tích, cho hiệu quả kinh tế cao. Hơn 3 nghìn mét vuông chị Hải dùng để trồng các loại hoa như cúc hà lan, cúc họa mi, cúc dơn,… mỗi năm trồng 3 vụ cho thu nhập khoảng 110 triệu/năm. 1 nghìn mét vuông đất chị trồng các loại rau muống, rau ngót, rau đay, mùng tơi, bí, đỗ… xen canh quanh năm theo mùa, cho thu nhập khoảng 25 triệu đồng/năm.
Hơn 4 nghìn mét vuông ao, chị thực hiện nuôi tôm, cá, chủ yếu là tôm thẻ chân trắng, cá trắm đen và các loại cá nước ngọt. Sản lượng hàng năm thu hoạch khoảng 5 tấn mang về cho gia đình khoảng 300 triệu đồng/năm.
Với mô hình tổng hợp này, chị đã tạo việc làm thường xuyên cho 4 lao động với mức thu nhập trung bình 8 triệu đồng/tháng và 10 lao động thời vụ, góp phần giảm gánh nặng dân sinh cho địa phương.
Hơn 3 nghìn mét vuông chị Hải dùng để trồng các loại hoa như cúc hà lan, cúc họa mi, cúc dơn cho khách thăm quan. |
Đặc biệt, từ năm 2018 đến nay, không chỉ sản xuất nông nghiệp để bán sản phẩm thuần túy, sau khi tìm hiểu nhu cầu của thị trường, chị Hải cùng gia đình bàn bạc và thống nhất chuyển đổi một phần sang trồng các loại hoa theo thị hiếu của khách du lịch để làm các dịch vụ thăm quan, chụp ảnh, trải nghiệm của nhiều người dân.
Với khu vực nuôi cá, chị cũng làm dịch vụ cho người đến câu cá giải trí. Sáng tạo, kịp thời trong chuyển đổi hình thức kinh doanh nên nguồn thu nhập của gia đình chị Hải tăng đáng kể.
Từ thành công của mô hình, chị Hải đã động viên, hướng dẫn và liên kết thành lập nhóm các hộ gia đình trồng hoa làm dịch vụ chụp ảnh. Nhờ ý tưởng đó, rất nhiều nhà vườn trồng cúc họa mi, thạch thảo, hướng dương ở Tràng Cát ra đời. Ngày càng có nhiều người tìm đến khi mùa hoa nở, có ngày lên đến 4, 5 trăm người đến chụp ảnh tại các nhà vườn Tràng Cát, kéo theo các dịch vụ đi kèm tạo được việc làm cho rất nhiều lao động thời vụ.
Cũng từ những ý tưởng này, mới đây, “Mô hình liên kết trồng hoa dịch vụ” tại tổ dân phố số 5, số 6 phường Tràng Cát đã phát triển rầm rộ, khẳng định được tính hiệu quả, giúp cho kinh tế của nhiều hộ gia đình được cải thiện rõ rệt.
Có thể nói, chị Vũ Thị Hải là người tiên phong mang dịch vụ du lịch nông nghiệp tới vùng đất Tràng Cát, tạo nên phong trào làm kinh tế cho bà con nơi đây, góp phần đẩy mạnh nền kinh tế du lịch - nông nghiệp tại địa phương.
Bảo Thoa
Bình luận