Shark Tank Việt Nam mùa 7: Cơ hội cho các startup bán hàng trực tiếp đến tay người tiêu dùng Khởi nghiệp từ đồ chơi gỗ “Made in Viet Nam” Xếp hạng 10 kỳ lân khởi nghiệp có giá trị nhất năm 2024

Theo ông Nguyễn Văn Phượng, phụ trách điều tra thị trường của Hội DN HVNCLC, hiện tại, tiêu dùng xanh vẫn chưa phải ưu tiên hàng đầu của người tiêu dùng (NTD) Việt Nam. Ngay cả ở những thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM, tỷ lệ người dân thực hành tiêu dùng xanh chỉ đạt từ 12% đến 18%.

Người tiêu dùng chủ yếu tiếp nhận thông tin về sản phẩm xanh qua mạng xã hội và không gian mạng, cho thấy truyền thông trực tuyến đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp kiến thức về tiêu dùng xanh, vượt qua các kênh truyền thống như kinh nghiệm cá nhân hay lời khuyên từ người thân, bạn bè.

Các kênh phân phối sản phẩm xanh hiện nay cũng thể hiện một bức tranh phân bổ tương đối đồng đều. Theo kết quả khảo sát, các kênh truyền thống và hiện đại cung ứng sản phẩm xanh với tỷ lệ tương đương, lần lượt là 67% và 66%.

Vì sao người tiêu dùng khó tiếp cận sản phẩm xanh, thân thiện môi trường?
Sản phẩm than hoạt tính làm từ thiên nhiên thân thiện môi trường được phát triển bởi người dân tộc. Ảnh: Cẩm Viên.

Đặc biệt, kênh mua sắm trực tuyến đã đạt 45% lựa chọn của NTD, cho thấy xu hướng sử dụng sàn thương mại điện tử (TMĐT) đang gia tăng mạnh mẽ. Trong các kênh truyền thống, đại lý và cửa hàng chuyên dụng là nơi được NTD ưu tiên lựa chọn nhiều nhất (58%) khi tìm kiếm các sản phẩm xanh, trong khi siêu thị đứng đầu trong các kênh hiện đại với tỷ lệ lựa chọn 49%.

Đối tượng khách hàng chính yếu của các sản phẩm xanh hiện nay là những NTD trong độ tuổi từ 31 đến 45, có trình độ đại học, nghề nghiệp ổn định và thu nhập từ 15 triệu đến 30 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, các rào cản đối với tiêu dùng xanh vẫn còn khá lớn.

Giá cao của sản phẩm xanh là trở ngại chính (78%), tiếp theo là khả năng sẵn có sản phẩm tại các kênh phân phối và thiếu thông tin rõ ràng từ nhà sản xuất. Thậm chí, một phần không nhỏ NTD (18%) cho rằng sản phẩm xanh chưa đạt được chất lượng như mong đợi, và khoảng 7% người tiêu dùng ở khu vực nông thôn chưa nhận thấy nhu cầu cấp thiết phải tiêu dùng xanh.

Vì sao người tiêu dùng khó tiếp cận sản phẩm xanh, thân thiện môi trường?
Sản phẩm làm từ sơ mướp thu hút người tiêu dùng xanh.

Dù vậy, nhiều NTD cho biết họ sẵn sàng chi trả thêm cho sản phẩm xanh. Phần lớn khách hàng sẵn sàng tăng mức chi từ 5% đến 10% cho sản phẩm xanh so với sản phẩm thông thường, và khoảng 20% NTD chấp nhận chi trả thêm trên 10%.

Cuộc khảo sát tiêu dùng xanh 2024 đã cung cấp bức tranh toàn diện về hành vi và nhận thức của NTD, giúp doanh nghiệp và nhà sản xuất hiểu rõ hơn nhu cầu cũng như các rào cản của thị trường.

Kết quả này là nguồn tham khảo hữu ích cho các doanh nghiệp trong việc phát triển sản phẩm đáp ứng đúng xu hướng tiêu dùng bền vững, từ đó thúc đẩy cải tiến và xây dựng chiến lược lâu dài để đồng hành cùng NTD và bảo vệ môi trường.

Vì sao người tiêu dùng khó tiếp cận sản phẩm xanh, thân thiện môi trường?
Sản phẩm bánh tráng không cần nhúng nước làm tư khoai mì, đã xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới.

Ngoài ra, trong dịp này Hội DN HVNCLC và Trung tâm Nghiên cứu Kinh doanh và Hỗ trợ Doanh nghiệp (BSA) cũng công bố vòng chung kết cuộc thi “Khởi nghiệp xanh - Phát triển bền vững” lần thứ 10, năm 2024.

Sự kiện sẽ diễn ra trong hai ngày 9 và 10/11 tại Hội trường Dinh Thống Nhất (TP.HCM), quy tụ 36 dự án từ 26 tỉnh, thành phố trên khắp ba miền Bắc - Trung - Nam như An Giang, Hà Nội, Thanh Hóa, Hà Giang, Đà Nẵng, TP.HCM và nhiều địa phương khác. Đặc biệt, các dự án tham gia đều đến từ những thanh niên khởi nghiệp nông thôn, trong đó có nhiều thành viên thuộc các dân tộc Dao, Mông, Mường, Nùng, Tày, Thái, Raglai.

Cuộc thi năm nay được chia thành hai bảng: Bảng A dành cho các dự án ý tưởng hoặc sản phẩm mẫu, thời gian hoạt động dưới một năm; và Bảng B gồm các tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp có thời gian hoạt động từ một đến năm năm, có sản phẩm thương mại hóa.

Với mục tiêu xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp xanh, cuộc thi tạo cơ hội cho các bạn trẻ, doanh nhân giới thiệu sáng kiến về phát triển bền vững và kết nối với các doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực công nghệ, môi trường. Đây không chỉ là sân chơi để thể hiện sức sáng tạo và sự cam kết đối với phát triển xanh mà còn góp phần vào phát triển kinh tế địa phương, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa.

Sau hơn một thập kỷ triển khai, chương trình “Khởi nghiệp xanh” đã thu hút gần 2.341 thí sinh với 1.560 dự án từ 62 tỉnh, thành trên cả nước, trao hơn 300 giải thưởng và giúp gần 30% số ý tưởng trở thành hiện thực. Nhiều “doanh nông xanh” từ cuộc thi đã vươn ra thị trường quốc tế, tiếp tục nâng cao quy trình sản xuất và phát triển các sản phẩm mới mang giá trị bền vững cho cộng đồng.