Đan Phượng đẩy mạnh mô hình kinh tế tổ hợp tác, hợp tác xã kiểu mới
Đan Phượng tăng tốc chuyển đổi mô hình kinh tế, xây dựng nông thôn mới Bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế và phát triển bền vững |
PV: Xin ông cho biết thực trạng tình hình hoạt động của các mô hình kinh tế tập thể, tổ hợp tác, hợp tác xã tại huyện Đan Phượng hiện nay?
Ông Thiều Văn Son - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đan Phượng |
Ông Thiều Văn Son: Hiện nay hoạt động của các mô hình kinh tế tập thể (KTTT), tổ hợp tác (THT), hợp tác xã (HTX) cơ bản đáp ứng được yêu cầu phục vụ sản xuất. Nhiều mô hình trên địa bàn huyện đã tạo sức cạnh tranh với các thành phần kinh tế khác, làm tốt công tác chỉ đạo sản xuất nông nghiệp, bảo đảm về thời vụ, bố trí cây trồng hợp lý,
Các đơn vị đã mở rộng thêm các dịch vụ bao tiêu sản phẩm, chú trọng cải tạo nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất như giao thông nội đồng, hệ thống tưới tiêu, thủy lợi, điện, đầu tư trang thiết bị máy móc công cụ làm dịch vụ sản xuất để nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm từng bước mở rộng sản xuất kinh doanh tăng thu nhập cho các thành viên THT, HTX.
Các THT, HTX cũng thực hiện tốt việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, điều hành sản xuất, tổ chức tập huấn, trình diễn mô hình về quy trình kỹ thuật thâm canh cây trồng, phòng trừ dịch bệnh tổng hợp, bảo vệ đồng ruộng, tu sửa kiên cố hóa kênh mương nội đồng, đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp. Đặc biệt trong thời gian qua, hoạt động của mô hình liên kết 4 nhà trong sản xuất nông nghiệp phần nào đã giúp cho các mô hình KTTT, THT, HTX nông nghiệp trên địa bàn huyện vượt qua những khó khăn trong sản xuất, thực hiện tốt việc chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật và tiêu thụ sản phẩm.
Đồng thời cũng thực hiện tốt việc dồn điền đổi thửa, quy hoạch các vùng sản xuất theo hướng chuyên canh, đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm nâng cao đời sống cho các thành viên. Nhiều mô hình THT, HTX đã thực hiện đăng ký nhãn hiệu, thương hiệu tập thể như: Bưởi tôm vàng Đan Phượng; Rau hữu cơ công nghệ cao xã Đan Phượng; Chăn nuôi xa khu dân cư xã Trung Châu, Phương Đình…
Trên địa bàn huyện đã hình thành các chuỗi sản xuất được phân phối trên thị trường, một số mô hình HTX đã mạnh dạn thay đổi phương thức sản xuất, chuyển đổi phương pháp canh tác theo hướng bền vững, an toàn, một số sản phẩm được dán tem truy xuất nguồn gốc xuất xứ. Nhờ đó sản phẩm của THT, HTX đã có mặt trong các hệ thống siêu thị, chuỗi cửa hàng thực phẩm trên địa bàn trong huyện và thành phố.
PV: Hiện nay, việc thực hiện các mô hình còn có những khó khăn, tồn tại gì? Thưa ông?
Ông Thiều Văn Son: Quá trình thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển các mô hình trong thời gian qua còn nhiều hạn chế, mặc dù có nhiều chính sách mới ưu đãi, hỗ trợ, đổi mới, phát triển HTX nhưng kinh phí hỗ trợ rất ít hoặc chưa được bố trí, chưa đồng đều giữa các khâu sản xuất, sơ chế, chế biến, tiêu thụ, chưa có nhiều hỗ trợ trực tiếp cho các HTX.
Nhiều mô hình trên địa bàn huyện đã tạo sức cạnh tranh với các thành phần kinh tế khác. |
Chính sách về hỗ trợ liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm đã có nhưng số HTX có liên kết với doanh nghiệp còn rất ít do hoạt động của THT, HTX yếu kém, khó thực hiện được hợp đồng liên kết. Việc tiếp cận các chính sách hỗ trợ cho HTX về vốn, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật còn phức tạp, rườm rà về thủ tục. Một số HTX hoạt động với quy mô nhỏ, phương thức canh tác truyền thống, công nghệ sản xuất lạc hậu, các sản phẩm đầu ra chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường, giá cả không ổn định nên hiệu quả kinh doanh thấp.
Ngoài ra còn có khó khăn về đất đai. Muốn vào chuỗi liên kết và áp dụng công nghệ cao vào sản xuất thì phải được thuê đất ổn định lâu dài mới đầu tư được. Khó khăn nữa hiện nay là diện tích đất sản xuất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp do quá trình phát triển đô thị hóa nên bị mất dần đi tư liệu sản xuất quan trọng, nhiều nơi do nằm trong vùng quy hoạch, nhiều HTX chưa được giao đất, thuê đất ổn định, lâu dài, nên chưa thực sự yên tâm đầu tư sản xuất.
PV: Trong thời gian tới, Hội có các chủ trương gì để phát huy giá trị của các mô hình kinh tế này?
Ông Thiều Văn Son: Chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về phát triển KTTT, THT, HTX đúng đắn, rõ ràng, ngày càng hoàn thiện, tạo sự nhất quán trong nhận thức của cán bộ đảng viên và nhân dân đối với thành phần kinh tế này. Một số cơ chế chính sách khuyến khích đối với thành phần KTTT, THT, HTX đã dần phát huy tác dụng, tạo động lực cho sự phát triển mô hình hiện nay.
Ban Thường vụ Hội Nông dân huyện trong những năm qua đã tập trung, tích cực chỉ đạo tuyên truyền vận động Hội Nông dân các xã, thị trấn triển khai xây dựng các mô hình, bước đầu đã đạt được những kết quả nhất định. Một số mô hình đã dần thích nghi với cơ chế thị trường do có sự năng động, sáng tạo trong sản xuất, kinh doanh của đội ngũ cán bộ lãnh đạo của THT, HTX. Ban quản lý chủ chốt của các THT, HTX đã linh động trong việc quản lý điều hành, ký kết hợp đồng với các đối tác, tiếp thị quảng bá thương hiệu sản phẩm phát huy được vai trò sức mạnh của đơn vị góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Các mô hình KTTT, THT, HTX hoạt động với nhiều loại hình sản xuất kinh doanh đa dạng, phong phú góp phần hỗ trợ kinh tế hộ phát triển. Nhiều ban quản lý THT, HTX, cùng với thành viên và người lao động luôn chủ động phát triển sản xuất, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất kinh doanh mang lại hiệu quả kinh tế cao. Bên cạnh đó giải quyết được số lượng lớn lao động nhàn rỗi ở nông thôn, tạo được công ăn việc làm, nâng cao thu nhập, chất lượng đời sống người dân ngày càng ổn định.
Trong thời gian tới, Hội tiếp tục tổ chức các lớp tuyên truyền vận động nông dân tham gia xây dựng THT, HTX và nâng cao trình độ quản lý chuyên môn cho cán bộ quản lý nhà nước về kinh tế THT, HTX kiểu mới; tổ chức các hội nghị tọa đàm trao đổi kinh nghiệm tại huyện.
PV: Xin cảm ơn ông!
Bảo Thoa (thực hiện)
Bình luận