Ngành thuế đang kiểm soát hơn 8 tỷ lượt giao dịch thương mại điện tử Tích cực kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy thương mại Những điều cần biết về nền tảng thương mại điện tử Temu

Nhờ sự quyết liệt, chủ động kinh tế Thành phố tiếp tục duy trì tăng trưởng, an sinh xã hội được đảm bảo. Theo đó, quý III/2024, khu vực dịch vụ tiếp tục là điểm sáng, đóng vai trò quan trọng trong tăng trưởng chung của Thành phố. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng quý III tăng 11,9% so với cùng kỳ năm trước, tính chung 9 tháng tăng 10,5%.

Trong 9 tháng năm nay, thành phố Hà Nội triển khai công tác phát triển thương mại, dịch vụ văn minh, hiện đại; kết nối về thương mại điện tử với chủ đề “Doanh nghiệp Việt trong kỷ nguyên số”; tiếp tục chỉ đạo công tác bình ổn giá cả hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng; tập trung cung cấp hàng hóa, bảo đảm an toàn thực phẩm, đáp ứng nhu cầu của người dân nhất là trong dịp Quốc khánh 2/9/2024; chỉ đạo kịp thời đảm bảo cân đối cung - cầu hàng hóa; hỗ trợ lương thực, thực phẩm cho nhân dân một số địa phương bị ảnh hưởng của cơn bão số 3 và tình hình mưa, lũ phức tạp sau bão. Công tác liên kết vùng giữa Hà Nội và các tỉnh, thành phố tiếp tục được đặc biệt quan tâm đẩy mạnh và thực sự mang lại rất nhiều kết quả tích cực. Nhiều sự kiện lớn trong và ngoài nước được tổ chức, tham dự đạt hiệu quả cao về kích cầu và quảng bá hình ảnh, sản vật Thủ đô như các hoạt động giao thương đặc sản tỉnh thành phố; kết nối liên kết với 53 tỉnh, thành phố trong cả nước.

Thương mại, dịch vụ và du lịch Thủ đô có nhiều khởi sắc
Các hoạt động giao thương của Thành phố thời gian qua có nhiều khởi sắc. Ảnh: Đinh Luyện

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 9 ước tính đạt 73,5 nghìn tỷ đồng, tăng 2,1% so với tháng trước và tăng 11,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 45,8 nghìn tỷ đồng, tăng 2,5% và tăng 9%; doanh thu khách sạn, nhà hàng đạt 10,7 nghìn tỷ đồng, tăng 1,3% và tăng 8,7%; doanh thu du lịch lữ hành đạt 2,5 nghìn tỷ đồng, tăng 0,9% và tăng 25,8%; doanh thu dịch vụ khác đạt 14,5 nghìn tỷ đồng, tăng 1,7% và tăng 18,3%.

Ước tính quý III/2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 214,3 nghìn tỷ đồng, tăng 4,2% so với quý trước và tăng 11,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó doanh thu bán lẻ hàng hóa tăng 2,9% và tăng 12%; khách sạn, nhà hàng tăng 16,5% và tăng 10,4%; du lịch lữ hành tăng 7,1% và tăng 29,8%; dịch vụ khác giảm 0,4% và tăng 9,7%.

Tính chung 9 tháng năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 619,7 nghìn tỷ đồng, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 391,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 63,2% tổng mức và tăng 10,4% so với cùng kỳ năm trước (đá quý, kim loại quý tăng 38,6%; lương thực, thực phẩm tăng 13,4%; hàng may mặc tăng 9,8%; ô tô tăng 8,3%; xăng dầu tăng 7,3%; đồ dùng, dụng cụ trang thiết bị gia đình tăng 6,8%; hàng hóa khác tăng 12,2%).

Doanh thu khách sạn, nhà hàng đạt 84,1 nghìn tỷ đồng, chiếm 13,6% tổng mức và tăng 11,1% (dịch vụ lưu trú đạt 9,4 nghìn tỷ đồng, chiếm 1,5% và tăng 32,6%; nhà hàng đạt 74,7 nghìn tỷ đồng, chiếm 12,1% và tăng 8,9%). Doanh thu du lịch lữ hành đạt 20,7 nghìn tỷ đồng, chiếm 3,3% và tăng 41,1%. Doanh thu dịch vụ khác đạt 123,4 nghìn tỷ đồng, chiếm 19,9% và tăng 6,3% (giáo dục và đào tạo tăng 10,5%; dịch vụ hành chính và dịch vụ hỗ trợ tăng 8,9%; dịch vụ khác tăng 8,6%; kinh doanh bất động sản tăng 8%; y tế tăng 7,5%).

Đáng chú ý, thời gian qua, bảo vệ người tiêu dùng là một trong những vấn đề thu hút sự quan tâm của toàn xã hội nói chung và Hà Nội nói riêng. Trên địa bàn Hà Nội, dù đã phát hiện và xử lý nhiều vụ việc, nhưng tình trạng sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng vẫn còn phổ biến trên thị trường.

Để xây dựng văn hóa tiêu dùng lành mạnh, Hà Nội đã có các chủ trương, ban hành kế hoạch về triển khai hành động vì quyền lợi người tiêu dùng năm 2024 trên địa bàn. Theo đó, Thành phố định hướng, xác định trách nhiệm của các tổ chức, doanh nghiệp đối với sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cung ứng theo quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Đồng thời xây dựng ý thức chủ động bảo vệ bản thân của người tiêu dùng khi tham gia các giao dịch mua bán hàng hóa, dịch vụ. Tăng cường công tác quản lý và nâng cao trách nhiệm của các cơ quan nhà nước và các tổ chức xã hội liên quan trong lĩnh vực bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Các nội dung hoạt động vì quyền lợi người tiêu dùng được Thành phố tổ chức và thực hiện như: Lễ phát động hưởng ứng “Ngày quyền của người tiêu dùng Việt Nam (15/3)” năm 2024 với chủ đề “Thông tin minh bạch - Tiêu dùng an toàn”, Hội chợ “Hàng hóa, sản phẩm xanh vì người tiêu dùng”...

Mới đây, Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 288/KH-UBND về việc triển khai thực hiện Chương trình “Hành động vì quyền lợi người tiêu dùng” năm 2025 trên địa bàn thành phố Hà Nội với chủ đề "Thông tin minh bạch - Tiêu dùng trách nhiệm".

Trên cơ sở đó, Thành phố giao Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành và UBND các quận, huyện, thị xã, các doanh nghiệp, Hội, Hiệp hội trên địa bàn Thành phố triển khai tổ chức các hoạt động, sự kiện theo Kế hoạch được phê duyệt...

Để công tác bảo vệ quyền lợi được triển khai đồng bộ, thường xuyên, liên tục, Hà Nội cũng yêu cầu các quận, huyện, thị xã và các đơn vị có liên quan của Hà Nội cần đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra (nhất là kinh doanh trên môi trường mạng), hướng dẫn nhận biết hàng thật, hàng giả cho người tiêu dùng, giải đáp kịp thời, chính xác các thắc mắc, hỏi đáp về quyền của người tiêu dùng…

Tuyên truyền để người dân nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, phát huy nét đẹp văn hóa trong tiêu dùng, nhằm thực thi có hiệu quả Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, góp phần xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh.