Làm giàu từ ngành game: Vẫn còn nhiều dư địa Làm giàu từ cây mận Mộc Châu Nỗ lực làm giàu từ nghề truyền thống mây tre đan Phú Vinh

Ông Nguyễn Văn Sáu, ngụ xã Phước Bình, thị xã Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh với mô hình trồng khóm (còn có tên gọi khác là quả dứa, quả thơm) cho thu nhập hơn 2 tỉ đồng mỗi năm. Ông Sáu là người được Trung ương hội Nông dân Việt Nam bình chọn là nông dân sản xuất giỏi năm 2021 trong số 63 nông dân Việt Nam.

Tây Ninh: Người nông dân biến vùng đất phèn thành nông trường khóm
Ông Nguyễn Văn Sáu người biến vùng đất phèn, ngập mặn thành nông trường khóm có giá trị kinh tế cao.

Cùng chúng tôi ra thăm nông trường khóm tại xã Phước Bình, thị xã Trảng Bàng vào một ngày đầu tháng 6 năm 2022, ông Sáu chia sẻ: Trước đây khu vực này vốn là một vùng đất phèn, quanh năm ngập nước, do đó chỉ có những cây cỏ dại mới sống được. Người dân địa phương muốn đến khu vực này phải đi bằng thuyền, có khi đi cả ngày không tới. “Hồi đó cũng có rất nhiều người dân địa phương thấy đất đai bị bỏ hoang, muốn cải tạo để chăm nuôi nhưng đều thất bại”, ông Sáu chia sẻ.

Vốn xuất thân từ nhà nông nên ông Sáu được bố mẹ để lại cho diện tích đất phèn khoảng 200 ha. Toàn bộ khu vực từ đường bao quanh nông trường cho đến đường vào nội đồng đều được ông Sáu bỏ tiền túi và vay mượn để đầu tư. Giờ đây tuyến đường đi qua cánh đồng khóm nhà ông Sáu cũng được nhiều người dân sử dụng để đi lại và thu hoạch nông sản.

Tây Ninh: Người nông dân biến vùng đất phèn thành nông trường khóm
Ông Nguyễn Văn Sáu chăm sóc khóm chuẩn bị cho thu hoạch.

Trước khi bén duyên với cây khóm, gia đình ông Sáu cũng đã từng cải tạo một phần đất để trồng lúa và trồng tràm nhưng hiệu quả kinh tế không cao. Năm 2016 tỉnh Tây Ninh có chủ trương phát triển nông nghiệp theo hướng nâng cao chuỗi giá trị nông sản, cùng với đó là nhà máy chế biến nông sản đầu tiên trên địa bàn tỉnh Tây Ninh cũng được xây dựng. Thấy đây là một cơ hội cho nông dân nên ông Sáu đã bàn với gia đình đẩy mạnh chuyển sang trồng khóm giống queen (dứa gai). Tuy nhiên do diện tích đất trước đây chủ yếu trồng lúa và trồng tràm nên ông Sáu phải thuê người và máy móc về san bằng làm thành mương, thành liếp, lắp đặt hệ thống tưới tiêu nhỏ giọt với kinh phí gần 10 tỉ đồng.

“Hiện nhà tôi có khoảng 60 ha đất trồng khóm. Cây khóm rất phù hợp với đất phèn vì không bị sâu bệnh, chịu hạn rất tốt. Đặc biệt thời gian thu hoạch có thể du di nên rất thuận lợi cho người dân”, ông Nguyễn Văn Sáu chia sẻ và cho biết thêm rằng đất phèn ở vùng này cho trái khóm ngọt hơn so với các vùng khác. Hiện mỗi năm vườn khóm của ông cho thu hoạch 4 lần. Trong đó lần đầu tiên thu hoạch là khoảng 15 tháng sau khi trồng, tiếp các vụ sau là 3 tháng đã có thể cho thu hoạch.

Tây Ninh: Người nông dân biến vùng đất phèn thành nông trường khóm
Nông trường khóm của ông Nguyễn Văn Sáu tại xã Phước Bình, thị xã Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh.

“Khóm nhà tôi đang được Công ty Tanifood thu mua với giá 6.000 đồng/kg, nhờ vậy mà đầu ra được đảm bảo. Mỗi đợt ông Sáu có thể thu hoạch khoảng 80 tấn, bình quân khoảng 20 tấn đến 25 tấn/ha”, ông Nguyễn Văn Sáu hồ hơi.

Được biết hiện nay mô hình trồng khóm của ông Nguyễn Văn Sáu đã tạo công ăn việc làm cho khoảng 20 lao động địa phương. Việc trồng khóm bằng hệ thống tưới tiêu tự động đã giảm được chi phí, nhân công. Tuy nhiên người dân muốn trồng khóm thì phải đào mương, lên liếp, cải tạo đồng bộ trên diện tích lớn. Ngoài ra nếu thất bại phải mất từ 2 đến 3 mùa để làm lại đất và trồng mới.