Nhiều sự lựa chọn cho học sinh trượt lớp 10 công lập tại TP.HCM Kết nối doanh nghiệp và thanh niên trong hướng nghiệp gắn với chuyển đổi số Hơn 5.000 chỉ tiêu tuyển dụng tại Ngày hội việc làm đến với lao động nữ

Ngày 13/4, tại Trường Trung học phổ thông (THPT) Lý Thường Kiệt (quận Long Biên), Báo Tuổi trẻ Thủ đô phối hợp với Trường Đại học Thành Đô và một số đơn vị, trường học tổ chức chương trình “Đối thoại, tư vấn, hướng nghiệp về khối ngành Công nghệ”.

Chương trình có sự tham gia của đại diện Vụ Giáo dục Đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT)) cùng đại diện các trường đại học, doanh nghiệp, doanh nhân và hơn 1.000 học sinh THPT tham gia trực tiếp.

Hơn 1.000 học sinh Thủ đô tham gia đối thoại, tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp
Phó Tổng Biên tập Báo Tuổi trẻ Thủ đô Ngô Vương Tuấn tặng hoa cảm ơn các chuyên gia, diễn giả tham dự chương trình.

Theo Ban Tổ chức, năm 2024 là năm cuối cùng kỳ thi tốt nghiệp THPT diễn ra theo Chương trình giáo dục phổ thông 2006. Kể từ năm 2025, kỳ thi sẽ có nhiều điều chỉnh theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Công tác tuyển sinh của các trường đại học dự kiến sẽ có một số thay đổi. Bởi vậy, việc giúp học sinh định hướng đúng ngành, nghề để có lựa chọn chính xác cho bản thân trong năm nay là vô cùng quan trọng.

Chương trình “Đối thoại, tư vấn, hướng nghiệp về khối ngành Công nghệ” là một trong những hoạt động nằm trong chuỗi chương trình “Đối thoại trực tiếp, giao lưu trực tuyến về tư vấn hướng nghiệp năm 2024” do Báo Tuổi trẻ Thủ đô phối hợp với Trường Đại học Thành Đô và các đơn vị, trường học tổ chức nhằm kịp thời cung cấp cho các học sinh THPT những thông tin hữu ích, thiết thực về các ngành học, tư vấn chọn trường, chọn nghề cũng như gặp gỡ trực tiếp với những người thành công trong ngành để giúp các em hiểu và có động lực theo đuổi ước mơ.

Tại chương trình, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT) Nguyễn Thu Thủy đã cung cấp những thông tin liên quan đến công tác tuyển sinh, trong đó lưu ý học sinh quy định về xét tuyển sớm… Theo Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, năm 2024, Bộ GD&ĐT vẫn giữ ổn định quy chế tuyển sinh như hai mùa tuyển sinh gần nhất. Điều này tạo tâm lý ổn định và vững tâm cho học sinh. Tuy nhiên, có một số điểm quan trọng học sinh cần nắm vững để tránh xảy ra sai sót không đáng có, ảnh hưởng đến cơ hội của các em khi ứng tuyển.

Hơn 1.000 học sinh Thủ đô tham gia đối thoại, tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp
Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT) Nguyễn Thu Thuỷ thông tin tại chương trình.

Đó là toàn bộ quy trình xét tuyển, từ đăng ký xét tuyển, đăng ký nguyện vọng, thay đổi nguyện vọng, nộp lệ phí tuyển sinh và xác nhận nhập học đều tiến hành trực tuyến. Chính vì thế, học sinh không được bỏ lỡ những cột mốc quan trọng, bởi toàn hệ thống không thể chỉ vì chờ đợi một vài học sinh mà quay ngược trở lại những khâu trước đó.

Một điểm nữa các học sinh cũng cần đặc biệt lưu ý đó là việc tham gia vào các phương thức xét tuyển sớm của các trường đại học. Các em cần nghiên cứu rất kỹ đề án tuyển sinh của trường đại học đã công bố trên website, để bám sát về hồ sơ, thủ tục, giấy tờ và các thời hạn, không được bỏ lỡ các thời hạn đó. Khi các em được thông báo rằng đã trúng tuyển xét tuyển sớm thì vẫn chưa phải là trúng tuyển đại học bởi các em chưa dự thi tốt nghiệp THPT, chưa tốt nghiệp THPT, do đó chưa trúng tuyển chính thức.

Bên cạnh đó, tất cả nguyện vọng của các em dù trúng tuyển sớm hay sau khi có điểm thi tốt nghiệp THPT đều phải đăng ký trên hệ thống hỗ trợ xét tuyển chung của Bộ GD&ĐT. Điều này vô cùng quan trọng. Nếu không nhập các nguyện vọng của mình lên hệ thống, các em sẽ không được ghi nhận, không thể chính thức trúng tuyển và nhập học, dù đã trúng tuyển theo phương thức xét tuyển sớm ở vài trường đi chăng nữa. Các em cần nhập nguyện vọng của mình lên hệ thống, sắp xếp theo thứ tự ưu tiên từ nguyện vọng một là cao nhất, sau đó đến nguyện vọng tiếp theo.

Ngoài ra, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học cũng lưu ý các thí sinh nếu quan tâm đến công tác xét tuyển sớm của các trường đại học, cao đẳng cần thường xuyên cập nhật thông tin từ các nhà trường về phương thức, điều kiện xét tuyển. Hiện nay, các trường đại học sử dụng rất nhiều phương thức xét tuyển (theo thống kê của Bộ GD&ĐT có khoảng 20 phương thức). Trong đó, ngoài xét tuyển thẳng theo quy chế của Bộ GD&ĐT và xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT, những phương thức còn lại được xem là xét tuyển sớm.

Hơn 1.000 học sinh Thủ đô tham gia đối thoại, tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp
Chương trình thu hút sự tham gia của đông đảo học sinh.

Tại chương trình, chuyên gia từ các trường đại học đã trả lời câu hỏi của học sinh về định hướng nghề nghiệp, chọn ngành, chọn trường; đồng thời đưa lời khuyên cho học sinh trong việc lựa chọn ngành nghề để vừa phù hợp với năng lực bản thân vừa đúng ngành nghề yêu thích.

“Đứng trước nhiều ngành nghề khối ngành Công nghệ, vừa muốn trở thành doanh nhân, bác sĩ, vừa muốn là kỹ sư công nghệ thông tin, các em cần lựa chọn dựa trên một số yếu tố. Trước hết là phải dựa trên năng lực bản thân. Các em cần tự động kiểm tra về mặt kiến thức có đủ điều kiện để xét tuyển rồi sau đó tới nhu cầu tuyển dụng của xã hội hiện nay như thế nào. Nếu đã lựa chọn ngành nghề, nhưng hoàn cảnh gia đình không phù hợp thì cũng cần lưu ý”, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Thành Đô Nguyễn Thúy Vân chia sẻ.

Theo Trưởng phòng hợp tác, Trường Đại học Anh quốc Việt Nam Đặng Thị Ngọc Quyên, chọn một ngành học như chọn người bạn đời. Các học sinh cần thực hiện theo các bước: Hiểu mình (hiểu về bản thân, có những điểm mạnh yếu như thế nào, điều kiện hoàn cảnh, vấn đề xung quanh); hiểu ngành, hiểu trường mà mình theo học trong tương lai như thế nào, chương trình dạy ra sao…; trải nghiệm, gặp gỡ những người mình quan tâm, đến thực tế tham quan, tìm hiểu các trường dự kiến thi vào, các ngành nghề định chọn; thu thập tất cả thông tin các bước trên, lập bảng kế hoạch và ra quyết định.

Trong khuôn khổ chương trình cũng diễn ra Ngày hội tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp năm 2024 thu hút sự tham gia của các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn Thành phố. Tại đây, các cơ sở đào tạo sẽ giới thiệu đến các em học sinh phương án tuyển sinh, chỉ tiêu xét tuyển, mức học phí cũng như giới thiệu các ngành nghề đào tạo của nhà trường…

Phát biểu khai mạc chương trình, Phó Tổng Biên tập Báo Tuổi trẻ Thủ đô Ngô Vương Tuấn cho rằng: Công tác tư vấn hướng nghiệp, đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho thanh niên là một vấn đề quan trọng, có ý nghĩa to lớn đối với sự phát triển của Thủ đô và đất nước.

Hơn 1.000 học sinh Thủ đô tham gia đối thoại, tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp
Phó Tổng Biên tập Báo Tuổi trẻ Thủ đô Ngô Vương Tuấn phát biểu khai mạc chương trình.

Thời gian qua, Nhà nước đã quan tâm và có nhiều chính sách, chương trình nhằm nâng cao hiệu quả công tác này. Tuy nhiên, nhận thức của học sinh, thanh niên về nghề nghiệp vẫn còn nhiều hạn chế. Sự mất cân bằng trong phân bổ nguồn nhân lực như hiện nay gây lãng phí chất lượng nhân lực. Nhiều thanh niên không được định hướng tốt nhất cho tương lai của mình hoặc chọn sai ngành nghề hoặc chọn không trúng các ngành mà mình yêu thích.

“Nhận thức được tầm quan trọng của công tác này, báo Tuổi trẻ Thủ đô phối hợp cùng các đơn vị liên quan tổ chức chuỗi chương trình “Đối thoại trực tiếp, giao lưu về tư vấn hướng nghiệp năm 2024”. Trong đó, hôm nay, tại Trường THPT Lý Thường Kiệt, chúng ta tập trung sâu hơn với khối ngành Công nghệ… Từ buổi tư vấn này, các em còn có thể lan truyền về những hiểu biết nghề nghiệp của mình cho bạn bè, người thân, những người chưa có dịp tham dự buổi tư vấn trực tiếp này”, Phó Tổng Biên tập Báo Tuổi trẻ Thủ đô chia sẻ.

Từ tháng 4 đến tháng 5/2024, hoạt động tư vấn, định hướng nghề sẽ tiếp tục được báo Tuổi trẻ Thủ đô phối hợp với các đơn vị tổ chức tại các trường THPT thuộc các huyện ngoại thành của Thành phố như Phú Xuyên, Chương Mỹ.

T.P