Nhiều sự lựa chọn cho học sinh trượt lớp 10 công lập tại TP.HCM
Không lo thiếu chỗ học
Năm học 2021-2022, TP.HCM có trên 100.000 học sinh tốt nghiệp THCS. Trong khi đó, 114 trường công lập có gần 73.000 chỉ tiêu lớp 10. Theo đăng ký nguyện vọng ban đầu thì có hơn 93.000 thí sinh sẽ dự thi vào lớp 10 công lập. Điều này có nghĩa sẽ có hơn 20.000 học sinh sẽ không có "tấm vé" vào các trường công lập. Vậy nếu không vào được lớp 10 thì con sẽ học ở đâu, đang là vấn đề khiến nhiều phụ huynh quan tâm, lo lắng.
Trả lời Báo Lao động Thủ đô, Chuyên gia tâm lý, Tiến sĩ Huỳnh Anh Bình - Giám đốc Trung tâm Hướng nghiệp TP.HCM cho biết, sau khi tốt nghiệp THCS, học sinh vẫn còn nhiều hướng đi nếu không đậu vào lớp 10 công lập. Điển hình như lựa chọn học tại các trường THPT ngoài công lập, Tiến sỹ Bình đánh giá đây là một lựa chọn phổ biến trong thời điểm hiện nay, do các trường ngoài công lập có chất lượng đào tạo và cơ sở vật chất không thua kém các trường công lập, vì vậy đa số các học sinh sẽ lựa chọn hướng đi này.
Tiến sĩ Huỳnh Anh Bình không khuyến khích học sinh tốt nghiệp THCS tham gia ngay vào thị trường lao động. |
"Chúng ta có thể tự do lựa chọn nhiều trường THPT ngoài công lập phù hợp với khả năng tài chính, chương trình đào tạo, chất lượng phục vụ để theo học. Đây là một điều thuận lợi cho các em sau khi tốt nghiệp THCS trong thời điểm hiện nay, nếu không đậu vào các trường THPT công lập", Tiến sĩ Huỳnh Anh Bình cho biết.
Ngoài ra, có một số lựa chọn khác cho học sinh tốt nghiệp THCS như: Theo học tại các Trung tâm Giáo dục thường xuyên, tham gia "Chương trình 9+" (vừa học văn hoá vừa học nghề), tham gia vào thị trường lao động. Tuy nhiên, Tiến sĩ Huỳnh Anh Bình không khuyến khích học sinh tốt nghiệp THCS ra tham gia ngay thị trường lao động, vì khi đó học sinh vẫn chưa có nghề nghiệp cụ thể.
Tiến sĩ tâm lý Đào Lê Hoà An - sáng lập ứng dụng giúp học sinh chọn ngành, chọn nghề JobWay cho biết, học sinh cuối cấp THCS thường chịu nhiều áp lực từ việc học hành, gia đình... vì vậy mà bỏ quên việc tìm hiểu chính xác thế mạnh của bản thân. Nếu biết được thế mạnh của mình, học sinh hoàn toàn có thể lựa chọn những hướng đi phù hợp với bản thân, không bắt buộc phải học THPT công lập.
Tiến sĩ Đào Lê Hoà An nhận định, việc học tiếp THPT công lập là con đường rất nhiều người lựa chọn, tuy nhiên không phải học sinh nào cũng phù hợp. |
"Ví dụ, những học sinh có thế mạnh về tư duy thì có thể tiếp tục học lên THPT với các môn Toán, Lý, Hoá... như bình thường. Với những học sinh có thế mạnh về thực hành, thì hoàn toàn có thể lựa chọn học nghề, học "Chương trình 9+" ở các trường Cao đẳng", Tiến sĩ Đào Lê Hoà An nói thêm.
Tiến sĩ Đào Lê Hoà An nhận định, việc học tiếp THPT công lập là con đường rất nhiều người lựa chọn, tuy nhiên không phải học sinh nào cũng phù hợp. Trong khi đó, lựa chọn "Chương trình 9+" hiện nay giống như đi trên đường "cao tốc" giúp cho học sinh vừa có kỹ năng về nghề vừa được học một số môn văn hoá phù hợp với ngành nghề đang học.
"Xã hội hiện nay có định kiến học sinh đi theo Chương trình 9+ là học dở, học kém. Thực tế không phải như vậy, các học sinh đó chỉ có kết quả học tập không tốt ở các môn học văn hoá chứ không đồng nghĩa các học sinh đó yếu, không có cơ hội để thành công. Quan trọng là phải phân luồng được thế mạnh của các học sinh là gì để lựa chọn hướng đi phù hợp", Tiến sĩ Đào Lê Hoà An cho biết.
Hướng đi học nghề
Theo ông Hồ Tấn Minh - Chánh Văn phòng Sở Giáo dục vào Đào tạo (GD&ĐT) TP.HCM, học sinh Thành phố có nhiều hướng lựa chọn cho giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp. Vì vậy, việc lựa chọn học tiếp lớp 10 ở các trường THPT công lập chỉ là một trong nhiều hướng đi cho học sinh sau khi tốt nghiệp THCS.
Ngoài học tiếp lớp 10 THPT công lập, các học sinh còn có rất nhiều hướng lựa chọn khác, phù hợp với điều kiện gia đình, năng lực học tập và đặc biệt là định hướng nghề nghiệp. Dù chọn học bất kỳ hướng đi nào, Thành phố đều đảm bảo tính công bằng trong giáo dục, hướng các em đến phát triển.
Học nghề là một trong những hướng đi được nhiều học sinh lựa chọn sau khi tốt nghiệp THCS. |
Hiện nay, hệ thống giáo dục trung học trên địa bàn thành phố rất đa dạng, đáp ứng mọi nhu cầu học tập của học sinh theo hướng phát triển năng lực và định hướng nghề nghiệp. Đặc biệt, hệ thống trường nghề, trung tâm GDNN-GDTX, trung tâm GDTX trên địa bàn thành phố cũng đảm bảo giảng dạy, trang bị cho học sinh về cả văn hoá, định hướng nghề nghiệp, giúp các em có nhiều lựa chọn về nghề nghiệp sau này.
Riêng các cơ sở giáo dục tư thục, ngoài công lập, trường có vốn đầu tư nước ngoài để có thể được giao chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10 thì phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện về cơ sở vật chất, điều kiện giảng dạy…, được Sở GD&ĐT thẩm định, xem xét thì mới được cấp phép hoạt động, do đó đảm bảo chất lượng giáo dục và đào tạo.
Còn theo Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa - Giám đốc Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp, phân luồng sau THCS là chủ trương chung của Chính phủ. Theo lộ trình, đến năm 2025, sẽ có 40% học sinh sau lớp 9 được phân luồng theo định hướng giáo dục nghề nghiệp.
"Không vào được lớp 10 công lập cũng không phải là việc đáng buồn, không phải là bế tắc cho học sinh. Các em sẽ có nhiều lối rẽ cho mình như: theo học tại các trường trung cấp hoặc Cao đẳng có hệ đào tạo (9+), theo học tại các trung tâm GDTX, trường trung cấp và trường CĐ thuộc hệ thống giáo dục nghề nghiệp ", Tiến sĩ Nghĩa cho biết.
Tiến sĩ Đỗ Thanh Vân - Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thị trường lao động TP.HCM cho rằng, học sinh nếu học trung cấp nghề một cách nghiêm túc, thực hành, thực tập đầy đủ thì cơ hội việc làm rất cao. Vì trong quá trình thực tập, trường đã kết nối với các doanh nghiệp trong việc tuyển dụng sau tốt nghiệp, trong khi hiện nay doanh nghiệp cần những người làm được việc chứ không phải bằng cấp.
Theo kết quả khảo sát của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thị trường lao động TP.HCM, trong 6 tháng đầu năm 2022, nhu cầu tuyển dụng lao động đã qua đào tạo chiếm 85,5% tổng nhu cầu nhân lực với 126.472 chỗ làm, tập trung ở một số nhóm nghề như: kỹ thuật điện - điện lạnh - điện công nghiệp - điện tử, công nghệ thông tin, kiến trúc - kỹ thuật công trình xây dựng, ngân hàng, kế toán... Trong đó, nhu cầu nhân lực đối với trình độ đại học trở lên chiếm 20,49%, cao đẳng 19,12%, trung cấp 30,79%, sơ cấp 15,1%.
Bình luận