Áp mức chiết khấu 0 đồng, nhiều doanh nghiệp xăng, dầu kêu lỗ chồng lỗ
Giá dầu có thể giảm đến 2.000 đồng/lít trong chiều nay 21/9 Đảm bảo ổn định nguồn cung xăng dầu trên địa bàn TP.HCM Giá xăng dầu giảm mạnh, chi phí logistics không thể neo cao |
Doanh nghiệp bán lẻ kêu lỗ chồng lỗ
Ông Nguyễn Đức Hạnh - Giám đốc Công ty cổ phần Dầu khí Sơn Hải cho biết, từ tháng 7/2022 đến nay chiết khấu các đầu mối nhập khẩu cho thương nhân phân phối xăng, dầu và các doanh nghiệp bán lẻ xăng, dầu rất thấp, có thời điểm từ 50-100 đồng/lít, thậm chí có những thời điểm chiết khấu 0 đồng/lít tại kho đầu nguồn. Theo ông Hạnh, với chiết khấu trên, thương nhân càng bán càng lỗ, thậm chí lỗ chồng lỗ.
Cùng đó, ông Hải liệt kê một loạt chi phí mà doanh nghiệp phải "gánh" như chi phí tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, kinh phí công đoàn cho người lao động tại cửa hàng; chi phí hao hụt tồn, chứa, nhập, xuất; chi phí khấu hao tài sản cố định, chi phí công cụ dụng cụ tại cửa hàng; chi phí về điện, nước, chi phí trang thiết bị phòng cháy chữa cháy, bảo hiểm cháy nổ; chi phí về quản lý tại cửa hàng; chi phi lãi vay vốn lưu động…
Giá thành thực tế phải chi phí cho 1 lít xăng từ khâu vận chuyển, kho đầu nguồn đến khâu bán lẻ tại cửa hàng là 1.217 - 1.341 đồng/lít; giá thành thực tế phải chi phí cho 1 lít dầu từ khâu vận chuyển, kho đầu nguồn đến khâu bán lẻ tại cửa hàng: 1.130 - 1.254 đồng/lít. Với chi phí này, doanh nghiệp không có lãi.
(Ảnh minh họa: BT) |
Đại diện Dầu khí Sơn Hải đề nghị Bộ Công Thương, Bộ Tài chính kiểm soát chặt chẽ giá thành đầu vào của các doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng, dầu, đảm bảo tính đúng, tính đủ chi phí thực tế cho các đầu mối nhập khẩu. Nhà nước có quy định yêu cầu các đầu mối nhập khẩu cho các tổng đại lý, đại lý chiết khấu hoa hồng mức tối thiểu để đảm bảo đủ chi phí trong kinh doanh.
Bà Nguyễn Thị Sinh - Công ty TNHH MTV xăng, dầu Chiến Thắng (tỉnh Yên Bái) chia sẻ hiện doanh nghiệp đang đối mặt rất nhiều khó khăn do mức chiết khấu xăng, dầu thấp. Doanh nghiệp này nhập khẩu xăng, dầu tại kho Đức Giang (Hà Nội) chiết khấu bằng 0 đồng/lít, có thời điểm cao hơn là 20 - 70 đồng/lít. Trong khi, chi phí vận chuyển xăng dầu từ kho Đức Giang đến các đại lý khoảng 700 đồng/lít. Như vậy, mức chiết khấu doanh nghiệp phải khoảng 1.200-1.300 đồng/lít mới đủ để bù trừ chi phí.
Theo bà Nguyễn Thị Bích Hường - Chủ tịch Chi hội xăng dầu (Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam), việc áp dụng mức chiết khấu bằng 0 là không bình đẳng với các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Các doanh nghiệp đầu mối, thương nhân phân phối,... cần chia sẻ chi phí kinh doanh, lợi nhuận định mức cho doanh nghiệp bán lẻ. Nhà nước xác định rõ và quy định: Xăng chủ yếu phục vụ tiêu dùng, không phải mặt hàng thiết yếu, người dân cần tiết kiệm khi giá tăng cao, hạn chế sử dụng xe cá nhân, tăng sử dụng phương tiện công cộng, bảo vệ môi trường… Vì vậy, mặt hàng xăng cần được "thả" theo cơ chế thị trường.
Đảm bảo quyền lợi của doanh nghiệp, người tiêu dùng
Thời điểm dịch Covid-19 và cuộc xung đột giữa Nga - Ukraine đã ảnh hưởng đến nguồn cung ứng trên toàn thế giới, trong đó có mặt hàng xăng, dầu là mặt hàng rất quan trọng. Đáng chú ý, không chỉ Việt Nam và các nước trên thế giới, đặc biệt là châu Âu đang đối diện với nguy cơ về khủng hoảng năng lượng cho mùa đông sắp tới.
Theo ông Bùi Ngọc Bảo - Chủ tịch Hiệp hội Xăng, dầu Việt Nam, diễn biến thị trường xăn,g dầu năm 2022 mang tính dị biệt, đây là năm đầu tiên có khái niệm chiết khấu âm, chiết khấu bằng 0. Từ trước đến nay, không có một cơ chế nào dẫn tới việc áp dụng chiết khấu bằng 0. Nếu căn cứ vào số liệu từ tháng 7/2022 trở lại đây, các doanh nghiệp kinh doanh xăng, dầu hoạt động rất khó khăn.
"Xăng, dầu là mặt hàng chịu sự quản lý của Nhà nước và phải đảm bảo mục tiêu hài hòa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Với chiết khấu 0 đồng như hiện nay thì không có doanh nghiệp nào tồn tại được, doanh nghiệp không thể bỏ tiền túi ra duy trì hoạt động trong thời gian dài. Câu chuyện chiết khấu là thỏa thuận giữa các doanh nghiệp và trong hợp đồng không có quy định cụ thể", ông Bảo nêu thực tế.
Từ phản ánh của các doanh nghiệp, ông Bảo cho biết sẽ tập hợp tất cả các ý kiến, phối hợp với Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa đưa kiến nghị lên các cơ quan quản lý Nhà nước để từng bước tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đồng thời đưa hoạt động kinh doanh mặt hàng chiến lược này khởi sắc trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Đức Lê - Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ, Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho biết: "Chúng tôi cũng báo cáo ngay cho Bộ trưởng Bộ Công Thương qua kiểm tra đó là tình hình thực tế. Chính vì vậy, trong thời gian vừa qua Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ban hành 3 quyết định thành lập 3 đoàn công tác đặc biệt do các đồng chí là lãnh đạo Bộ làm trưởng đoàn, đoàn kiểm tra, giám sát, có trách nhiệm đôn đốc để kinh doanh xăng, dầu được ổn định”.
Hiện, Bộ Công Thương cũng thường xuyên có những chỉ đạo sát sao đối với Tổng cục Quản lý thị trường và Tổng cục đã thường xuyên có các văn bản chỉ đạo cho 63 tỉnh, thành cả nước làm sao bảo đảm được quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp nhưng cũng đảm bảo quyền của người tiêu dùng và đảm bảo an sinh xã hội.
"Cơ quan quản lý thị trường tiếp thu ý kiến đóng góp của các doanh nghiệp, hiệp hội. Chúng tôi sẽ tổng hợp, báo cáo lại với lãnh đạo Bộ cũng như từ đó sẽ đưa ra các giải pháp làm sao để trong thời gian ngắn nhất có thể hỗ trợ cho các doanh nghiệp bán lẻ yên tâm kinh doanh xăng, dầu, đảm bảo quyền của người tiêu dùng và đảm bảo an sinh xã hội", ông Nguyễn Đức Lê nhấn mạnh.
Bảo Thoa
Bình luận