Bộ Tài chính hợp tác cùng WB đánh giá hiệu quả công tác quản lý nợ công
Quảng Nam: Kiểm tra hoạt động kinh doanh casino ở Công ty Phát triển Nam Hội An Cần có cơ quan chuyên trách quản lý nợ công Đến năm 2030, GDP bình quân đầu người đạt khoảng 7.500 USD |
Bộ Tài chính vừa có buổi việc với Đoàn chuyên gia Ngân hàng Thế giới (WB) nhằm tổng kết đợt đánh giá hiệu quả công tác quản lý nợ của cơ quan này.
Công cụ Đánh giá hiệu quả công tác quản lý nợ (DeMPA) bao gồm một bộ 14 chỉ số về hiệu quả quản lý nợ nhằm mục đích đánh giá tổng quát tất cả các hoạt động quản lý nợ của Chính phủ, cũng như môi trường tổng thể mà trong đó những hoạt động này được thực hiện.
Đánh giá DeMPA là đánh giá độc lập của các chuyên gia WB. Báo cáo DeMPA sẽ là cơ sở để Việt Nam tiếp tục triển khai các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật về quản lý nợ công với WB và các đối tác.
Trước đó, nhóm chuyên gia của WB cũng đã thực hiện Báo cáo Đánh giá hiệu quả công tác quản lý nợ (DeMPA) của Việt Nam năm 2011. Chiến lược nợ công đến năm 2030 (được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 460/QĐ-TTg ngày 14/4/2022) đã đặt ra nhiệm vụ hoàn thiện thể chế, chính sách và công cụ quản lý nợ; trong giai đoạn 2021 - 2025 tổ chức rà soát, đánh giá tình hình triển khai Luật Quản lý nợ công 2017.
Toàn cảnh buổi làm việc |
Để hỗ trợ triển khai các hoạt động đánh giá tổng thể tình hình triển khai Luật Quản lý nợ công 2017, đo lường các kết quả, tiến bộ trong công tác quản lý nợ so với đánh giá năm 2011 và đề xuất các lĩnh vực cần tiếp tục cải thiện, việc cập nhật đánh giá DeMPA sẽ rất hữu ích.
Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Võ Thành Hưng đánh giá cao việc WB đã thực hiện Báo cáo DeMPA 2011. Bộ Tài chính và các cơ quan có tham gia quản lý nợ đã tiếp thu khuyến nghị và cải thiện các chức năng quản lý nợ, theo đó công tác quản lý nợ công thời gian qua đã có nhiều cải thiện cả về khuôn khổ pháp lý và nghiệp vụ quản lý.
Công tác quản lý nợ công của Việt Nam trong những năm qua đã có nhiều bước chuyển lớn: Nợ công so với GDP có xu hướng giảm, đảm bảo các chỉ tiêu an toàn nợ công dưới mức trần, ngưỡng được Quốc hội phê duyệt; cơ cấu nợ tích cực, dư nợ trong nước tăng lên, góp phần giảm thiểu rủi ro tỷ giá; kỳ hạn phát hành bình quân và kỳ hạn còn lại bình quân của danh mục trái phiếu Chính phủ có xu hướng tăng so với giai đoạn trước năm 2016. Lãi suất phát hành trái phiếu Chính phủ được điều hành thận trọng, phối hợp hài hòa với điều hành chính sách tiền tệ.
Cũng tại buổi làm việc, các chuyên gia WB đã trình bày báo cáo đánh giá và chấm điểm sơ bộ sau khi kết thúc đợt làm việc trực tiếp với các cơ quan, đơn vị phía Việt Nam. Phía các đơn vị của Bộ Tài chính và các chuyên gia của WB cũng trao đổi, làm rõ về các nội dung liên quan đến báo cáo đánh giá và chấm điểm của WB về nội dung này.
Kết luận buổi làm việc, thay mặt Bộ Tài chính và các đơn vị có liên quan của Chính phủ Việt Nam, Thứ trưởng Võ Thành Hưng bày tỏ cảm ơn ông Lars Jessen, Chuyên gia trưởng về quản lý nợ của WB và các thành viên của đoàn đã nỗ lực cùng Bộ Tài chính làm việc, trao đổi để xây dựng Báo cáo đánh giá sơ bộ về công tác quản lý nợ công.
Theo Thứ trưởng, sau buổi làm việc này, Bộ Tài chính sẽ phân công các cơ quan, đơn vị liên quan tiếp tục nghiên cứu, cung cấp thêm thông tin cho đoàn trong trường hợp cần thiết để cập nhật, hoàn thiện Báo cáo. Sau khi có Báo cáo chính thức, Bộ Tài chính cũng sẽ trình các cấp có thẩm quyền về nội dung báo cáo, các bước cần triển khai để tiếp tục cải thiện công tác quản lý nợ công của Việt Nam trong thời gian tới.
“Chúng tôi mong đoàn tiếp tục quan tâm hỗ trợ Bộ Tài chính, Chính phủ Việt Nam trong việc cải thiện công tác quản lý nợ công, quản lý tài chính công để Việt Nam có nền tài chính công ngày càng bền vững, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô", Thứ trưởng Võ Thành Hưng bày tỏ.
Bảo Thoa
Bình luận