SHB mở rộng quy mô gói tín dụng 16.000 tỷ đồng, lãi suất từ 4,8%/năm Ngành ngân hàng thực thi ESG để phát triển bền vững Người dân không mặn mà với việc vay vốn giá rẻ để mua nhà

Đơn cử báo cáo tài chính của BIDV ghi nhận tăng trưởng tín dụng đến hết quý III/2024 ở mức 9,8% so với đầu năm.

VietinBank cũng có mức dư nợ tín dụng tính hết cuối quý III/2024 tăng trưởng 9% so với đầu năm. Trong khi đó, tính đến hết quý III/2024, Vietcombank tăng trưởng tín dụng đạt 10,2% so với đầu năm, dẫn dắt chính bởi cho vay khách hàng doanh nghiệp.

Tín dụng tăng trưởng mạnh mẽ dịp cuối năm
Tín dụng tăng trưởng mạnh mẽ. (Ảnh minh hoạ)

Trong khi đó, ở khối ngân hàng thương mại cổ phần dường như có sự phân hoá rõ nét hơn về câu chuyện tăng trưởng tín dụng. Nhiều ngân hàng thương mại cổ phần đạt mức tăng trưởng tín dụng sau 9 tháng ở mức khá cao như Techcombank đạt mức 17,6%, VIB đạt 11,7%; TPBank đạt 13,5%...

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 31/10/2024, tín dụng toàn hệ thống tăng 10,08% so với cuối năm 2023. Hoạt động cho vay vẫn là động lực chính mang lại tăng trưởng lợi nhuận cho các ngân hàng.

Trong bối cảnh lợi nhuận sau thuế của ngành ngân hàng trong quý III tăng trưởng xấp xỉ 18% so với cùng kỳ, chậm hơn so với mức tăng trưởng 22% trong quý II, tâm điểm của ngành ngân hàng chủ yếu sẽ xoay quanh câu chuyện tăng trưởng tín dụng.

Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TPHCM cho biết, hoạt động tín dụng trên địa bàn tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng trong những tháng gần đây.

Tháng 10/2024, tín dụng đạt tốc độ tăng trưởng 0,98% so với tháng trước; tháng 9/2024 tăng 1,1%; tháng 8/2024 tăng 0,75%; tháng 7.2024 giảm 0,09% và tháng 6/2024 tăng 2,03%.

Theo ông Lệnh, tín dụng trong 2 tháng còn lại của năm thường tiếp tục thực hiện tốt vai trò hỗ trợ doanh nghiệp và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn trong 10 tháng đạt 3.855 nghìn tỉ đồng, tăng 8,9% so cuối năm (cao hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng), tạo điều kiện thuận lợi để đáp ứng tốt nhất nhu cầu vốn cuối năm. Đồng thời, hoạt động tín dụng cho vay bình ổn thị trường, góp phần đảm bảo giữ ổn định giá cả hàng hóa, nhất là các hàng hóa tiêu dùng thiết yếu dịp cuối năm, tiếp tục được tổ chức thực hiện.

Các con số đó cho thấy, tín dụng đang vào đà tăng tốc. Như vậy, so với mục tiêu tăng trưởng 15%, các ngân hàng còn nhiều dư địa cấp vốn trong 2 tháng cuối năm. Hiện tại, mặt bằng lãi suất cho vay được ngân hàng duy trì ở mức thấp, nhằm kích cầu tiêu dùng cuối năm, đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng của ngành ngân hàng.

Việc đạt được mục tiêu tăng trưởng cả năm mà ngành ngân hàng đặt ra ở mức 15% không phải xa vời. Song theo nhận định của các chuyên gia tài chính - kinh tế, cần phải quan tâm chất lượng tín dụng, nhất là khi nợ xấu có xu hướng tăng trong nửa cuối năm nay.

Khánh An (t/h)