Bộ Tài chính sẽ điều hành giá cả, thị trường phù hợp với tình hình thực tế
Bộ Tài chính cho biết, do chịu ảnh hưởng tiêu cực của thị trường chứng khoán toàn cầu, áp lực lạm phát gia tăng, tính đến hết ngày 30/6/2022, chỉ số VN-Index đạt 1.197,6 điểm, giảm 20,1% so với cuối năm 2021. Vì vậy, đối với thị trường chứng khoán, sẽ tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý và chính sách phát triển thị trường; tăng cường công tác quản lý các tổ chức kinh doanh chứng khoán, hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp và công ty đại chúng; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra và xử lý vi phạm, nhằm đảm bảo sự phát triển lành mạnh của thị trường.
Đối với thị trường bảo hiểm: Tổng doanh thu phí bảo hiểm 6 tháng đầu năm tăng 14,25% so với cùng kỳ năm 2021; tổng tài sản tăng 21,17%; đầu tư trở lại nền kinh tế tăng 23,24%; chi trả quyền lợi bảo hiểm tăng 10,32% so cùng kỳ năm 2021.
(Ảnh minh họa: BT) |
Bộ Tài chính đã trình Chính phủ trình Quốc hội thông qua Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 3 (tháng 6/2022); trình Chính phủ ban hành Nghị định số 20/2022/NĐ-CP sửa đổi bổ sung quy định bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng; trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định số 13/2022/QĐ-TTg về thực hiện chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp và dự thảo Đề án chiến lược phát triển thị trường bảo hiểm đến năm 2030.
Về công tác quản lý giá cả, thị trường, Bộ Tài chính đã chủ động tính toán, dự báo các yếu tố tác động đến lạm phát, bám sát tình hình thực tế, xây dựng các kịch bản, phối hợp với các Bộ quản lý ngành, địa phương tăng cường quản lý giá chặt chẽ, kiểm soát lạm phát, báo cáo Ban Chỉ đạo điều hành giá các biện pháp điều hành, bình ổn giá để kiểm soát lạm phát mục tiêu. Bên cạnh đó, đã kịp thời trình cấp thẩm quyền ban hành các giải pháp kiểm soát tốc độ tăng giá xăng dầu và một số mặt hàng bình ổn giá.
Đồng thời, để giảm áp lực tăng giá các mặt hàng xăng, dầu, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, ngày 04/7/2022, thừa ủy quyền của Chính phủ, Bộ Tài chính đã có Tờ trình số 244/TTr-CP trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự án Nghị quyết. Trước đề xuất của Chính phủ, sáng ngày 6/7/2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã họp và thông qua Nghị quyết về mức bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn.
Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhóm xăng, dầu, mỡ nhờn xuống mức sàn trong khung thuế đến hết ngày 31/12/2022. Cụ thể, xăng (trừ etanol) giảm từ 2.000 đồng/lít xuống mức sàn 1.000 đồng/lít; nhiên liệu bay giảm từ 1.500 đồng/lít xuống mức sàn 1.000 đồng/lít; dầu diesel giảm từ 1.000 đồng/lít xuống mức sàn 500 đồng/lít; dầu mazut, dầu nhờn giảm từ 1.000 đồng/lít xuống mức sàn 300 đồng/lít; mỡ nhờn giảm từ 1.000 đồng/kg xuống mức sàn 300 đồng/kg; dầu hỏa vẫn giữ mức 300 đồng/lít vì đây là mức sàn trong khung mức thuế.
"Với diễn biến CPI bình quân 4 tháng đầu năm 2022 tăng 2,44%, mặc dù vẫn còn dư địa cho việc kiểm soát lạm phát cả năm theo mục tiêu Quốc hội đề ra (mức 4%). Tuy nhiên, áp lực kiểm soát lạm phát trong thời gian tới là rất lớn", Bộ Tài chính nhận định.
Bộ Tài chính cũng dự báo, trong thời gian tới, bên cạnh những thuận lợi, còn nhiều rủi ro, khó khăn, thách thức, năng lực nội tại của nền kinh tế thấp; áp lực kiểm soát lạm phát gia tăng; rủi ro về biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh diễn biến phức tạp, khó lường. Việc thực hiện có hiệu quả các giải pháp chính sách tài khóa, tiền tệ thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội là nhân tố quan trọng, quyết định tới ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì đà phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong những tháng cuối năm 2022.
Bảo Thoa
Bình luận