Khách quốc tế đánh giá cao chất lượng quả vải thiều của Việt Nam
Đưa vải thiều vươn ra thế giới Triển lãm số quảng bá nông sản vải thiều tới thị trường quốc tế Gần 4.000 tấn vải thiều sớm Bắc Giang được xuất khẩu sang thị trường khó tính |
Nhiều đại biểu quốc tế cho biết đây là lần đầu tiên họ được thưởng thức quả vải dù đã đến Việt Nam một thời gian. Các đại biểu thích thú với phần trải nghiệm thú vị này, họ sẽ giới thiệu loại quả đặc sản của Việt Nam cho những người bạn bè, đồng nghiệp, đối tác và cộng đồng doanh nghiệp bán lẻ, nhập khẩu tại đất nước mình.
Đại sứ quán các nước đánh giá cao chất lượng vải thiều của Việt Nam |
Ông Hamid Mosadeghi, Bí thư thứ nhất (phụ trách kinh tế và lãnh sự) Đại sứ quán Iran cho biết ông đã thưởng thức vải thiều Việt Nam ở nước Malaysia, lúc đó ông đã ấn tượng với vị ngon đặc biệt của loại quả này. Lần này ông càng thích thú khi lần đầu tiên được ăn quả vải thiều Bắc Giang đúng mùa, tươi ngon mới hái ngay tại Hà Nội.
“Quả vải thiều ngọt, ngon, tôi sẽ giới thiệu tới bạn bè về loại quả đặc biệt này của Việt Nam. Tỉnh Bắc Giang cách Hà Nội không quá xa, tôi sẽ thu xếp thời gian để tới thăm vùng trồng vải lớn này của Việt Nam trong một ngày gần nhất”, ông Hamid Mosadeghi chia sẻ.
Tương tự, Đại sứ Palestine tại Việt Nam, ông Saadi Salama đã chia sẻ cảm nhận về quả vải thiều Việt Nam và những gợi ý để loại nông sản này có thể đến được với nhiều quốc gia hơn nữa, nhất là thị trường Trung Đông.
“Vải thiều là một loại trái cây đặc sắc, dần thành trở thành niềm tự hào của người nông dân Việt Nam nói riêng và người Việt Nam nói chung. Tôi cũng tự hào khi quả vải Việt Nam đã xuất hiện trên thị trường Palestine với 2 loại vải tươi và vải đóng hộp (chế biến) và mong rằng quả vải Việt Nam không chỉ xuất hiện ở Trung Đông mà còn hướng đến thị trường châu Âu”, ông Saadi Salama cho biết.
Sống ở Việt Nam gần 10 năm, ông Saadi Salama nhận thấy sự thay đổi về chất lượng và số lượng của quả vải Việt Nam. Theo ông điều đó đem đến những thuận lợi và thách thức cho Việt Nam. Thử thách là trong thời gian ngắn 2 tháng Việt Nam có thể xuất khẩu sản phẩm đi khắp nơi trên thế giới trong điều kiện phải tươi.
Vì vậy, theo ông các cơ quan cần có sự chuẩn bị từ trước với đối tác, doanh nhân nước ngoài để có hợp đồng mua vải trước khi tới mùa để thuận lợi trong khâu vận chuyển tới các nước trên thế giới.
Đại sứ Palestine tại Việt Nam, ông Saadi Salama cho rằng vải thiều dần trở thành niềm tự hào của Việt Nam |
Theo ông để vải Việt Nam tìm cho mình một vị trí trên thị trường Trung Đông cần phải thực hiện một số yếu tố quan trọng. Đối với vải tươi, Việt Nam cần phải chuyển vải sang thị trường Trung Đông một cách nhanh chóng. Đối với vải chế biến có một yếu tố tất yếu, đó là cần đạt tiêu chuẩn Hà Lan, đây là điều kiện cần thiết để vải chế biến của Việt Nam có mặt tại thị trường Trung Đông.
Ông George Burchett, nhà báo từ Australia bày tỏ niềm yêu thích với vải thiều. Ông cho biết vải thiều gắn với hình ảnh Việt Nam, là thương hiệu gắn với văn hóa Việt. So với giá bán ở Sydney, giá của vải thiều ở Việt Nam rất rẻ. Quy trình logistics phức tạp khiến giá cả tăng cao. Nếu như Australia có khí hậu nhiệt đới, có các loại quả như chuối, xoài thì Việt Nam lại có một thương hiệu rất đặc biệt, đó là quả vải.
“Ở Australia có cộng đồng người Việt đông đảo. Ẩm thực Việt Nam cũng rất được ưa thích ở quốc gia này. Đây là loại trái cây ưa thích của tôi, giống như món quà được ban xuống từ thiên đường. Vải thiều vừa đảm bảo thẩm mỹ, vừa đẹp, vừa ngon, hợp với khẩu vị mọi người.
Việt Nam cần truyền tải hình ảnh quả vải thiều tới thế giới, đi cùng với sự gia tăng vị thế, văn hoá du lịch của Việt Nam trên trường quốc tế. Qua đó, vải thiều không chỉ góp phần vào xuất khẩu mà còn tăng cường quảng bá hình ảnh của đất nước Việt Nam”, ông George Burchett nhấn mạnh.
Bình luận