Bộ trưởng Bộ Công Thương khẳng định không thiếu nguồn cung xăng, dầu
Chính phủ cần chỉ đạo xây dựng lại cơ chế điều hành giá bán lẻ xăng, dầu Đảm bảo nguồn cung, điều hành hài hòa giá xăng, dầu |
Ngày 22/10, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước.
Phát biểu tại tổ, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên (đại biểu đoàn thành phố Hải Phòng) đã thông tin về tình hình xăng, dầu và quản lý, vận hành thị trường xăng, dầu thời gian qua.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, cả thế giới điêu đứng trong vấn đề năng lượng, giá tăng cao mà không có hàng để mua. Tại Nga sở hữu khối lượng dầu mỏ lớn, chiếm 30-35% dầu lửa thế giới, Nga khó khăn trong việc bán ra sản phẩm dầu lửa và khí đốt, giá bán lẻ của Nga là 58-60 Rup/lít, so với đồng USD là từ 1-1,2 USD (tương đương trên 30 nghìn đồng/lít),
Trong khi đó, ở Việt Nam duy trì ở ngưỡng từ 21-25 nghìn đồng/lít, cao nhất ở thời điểm này là 23 nghìn đồng/lít. “Giá xăng, dầu của chúng ta thấp nhất trong khu vực và có thể nói thấp nhất trên thế giới, trừ Malaysia trợ cấp trong nước thì không nói, còn người nước ngoài sống ở Malaysia vẫn phải mua giá của khu vực, cao hơn bình quân giá của chúng ta”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết.
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, do ảnh hưởng của tình hình thế giới, cho nên biên độ dao động của giá xăng, dầu rất cao, trong 10 kỳ điều hành liên tiếp (300 ngày) liên tục giảm, nhưng đến thời điểm này bắt đầu lên. Những doanh nghiệp kinh doanh xăng, dầu nhập với giá cao ở kỳ trước nhưng bán giá thấp đương nhiên bị thua lỗ, khủng hoảng.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên thông tin về tình hình nguồn cung xăng, dầu. (Ảnh: Quốc hội) |
Bộ trưởng Bộ Công Thương khẳng định: Về nguồn cung, Việt Nam chưa bao giờ thiếu, cho đến thời điểm này, dư luận cho rằng thiếu nguồn cung trong nước là hoàn toàn không chính xác. Chúng tôi có những cơ sở, số liệu, kiểm tra, đánh giá một cách rất chi tiết.
Đến thời điểm ngày 30/9/2022, chúng ta còn hàng dự trữ thương mại (hàng dự trữ quốc gia không động đến) là 2,5 triệu khối, năng lực sản xuất của hai nhà máy Bình Sơn và Nghi Sơn trong tháng 10 bảo đảm 80% nguồn cung trong nước với 1,3 triệu khối/tháng.
Theo kế hoạch phân giao, 34 doanh nghiệp đầu mối của chúng ta phải nhập trong kỳ tháng 10 là 500 nghìn khối, như vậy chúng ta đã có hơn 3 triệu khối ở thời điểm cuối tháng 9 và giữa tháng 10, hoàn toàn đáp ứng nguồn cung cho đến hết giữa tháng 11. Trong khi sang tháng 11 tiếp tục sản xuất gối đầu và nhập khẩu.
“Nguồn cung không thiếu nhưng bán ra thị trường lại có khó khăn. Doanh nghiệp phải nhập với giá cao kỳ trước nhưng trong kỳ với giá thấp, đương nhiên là lỗ mà đã lỗ thì không dám làm”, Bộ trưởng nói.
Theo Bộ trưởng, hàng loạt chi phí định mức của chúng ta đã lỗi thời, lạc hậu, từ lợi nhuận định mức, chi phí kinh doanh, chi phí đưa xăng, dầu từ nước ngoài về Việt Nam, chi phí đưa xăng, dầu từ nhà máy về kho bãi của doanh nghiệp đầu mối, thương nhân phân phối đều bất cập lạc hậu.
Lý giải tại sao lại không xảy ra việc đóng cửa cửa hàng bán lẻ xăng, dầu trên phạm vi cả nước mà chỉ tập trung ở Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng, ở khu vực này có lượng đáng kể xăng, dầu trôi nổi, kể cả xăng dầu lậu, giả. Hồi tháng 8, chúng ta tiếp tục bắt giữ, triệt phá những vụ làm giả xăng, dầu mấy trăm triệu lít. Đấy là tảng băng nổi thôi, còn chìm là bao nhiêu thì phải có thời gian mới giải quyết được.
Đáng quan tâm, Bộ trưởng cho hay, thông thường những doanh nghiệp làm xăng, dầu đều có tham gia ít nhiều vào lĩnh vực bất động sản, chứng khoán. Cho nên khi tham gia vào lĩnh vực này, nguồn tiền cũng bị vơi đi. Cho nên đến kỳ nhập (bối cảnh nhập cao, bán thấp) thì người ta không còn tiền và không hấp dẫn.
Ảnh minh họa. (Ảnh: VGP) |
Bộ trưởng Bộ Công Thương cũng chia sẻ, xăng, dầu là mặt hàng chiến lược, ngoài Bộ Công Thương, hiện có 6 Bộ ngành cùng quản lý. Bộ Công Thương là cơ quan được giao nhiệm vụ bảo đảm nguồn cung - tức là nguồn cung xăng dầu ra thị trường và quản lý hệ thống phân phối từ doanh nghiệp đầu mối cho tới thương nhân phân phối.
“Thuế, chi phí định mức, chi phí kinh doanh xăng, dầu... trong giá xăng, dầu là Bộ Tài chính; Bộ Giao thông Vận tải đảm bảo lưu thông mặt hàng này; quản lý chất lượng xăng, dầu là Bộ Khoa học và Công nghệ; quản lý môi trường là Bộ Tài nguyên và Môi trường; Bộ Quốc phòng và các địa phương cũng được giao trách nhiệm này”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho hay.
Bộ trưởng Bộ Công Thương cũng cho biết, trong hệ thống kinh doanh xăng, dầu có 4 tầng lớp: Doanh nghiệp nhập khẩu (tức doanh nghiệp đầu mối) - Thương nhân phân phối (doanh nghiệp nhận hàng từ đầu mối/ từ các nhà máy sản xuất trong nước) - Tổng Đại lý/ Đại lý - Cửa hàng bán lẻ.
Với cấp Tổng Đại lý/ Đại lý và cửa hàng bán lẻ, theo Bộ trưởng hiện có khoảng 17.000 cửa hàng. Đây là hệ thống do chính quyền các tỉnh, thành phố cấp phép và quản lý trực tiếp. Cho nên, trong việc phân phối thì ngoài việc quản lý kiểm soát, điều tiết doanh nghiệp đầu mối thì rất cần các địa phương vào cuộc kiểm soát và quản lý, xử lý đối với hai cấp độ này. Có như vậy mới đồng bộ, hiệu quả.
Liên quan đến vấn đề giá xăng, dầu, đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn thành phố Hồ Chí Minh) đề nghị rút ngắn thời gian điều chỉnh giá xăng, dầu, nhằm tránh tình trạng thiếu xăng, dầu cục bộ mỗi lần điều chỉnh giá. Đồng thời, các cơ quan cần xem xét, tính toán sao cho hiệu quả, đảm bảo cung cầu, giá cả, chi phí. “Đây là bài toán mà Chính phủ cần tập trung nhiều hơn để tháo gỡ, vì người dân rất bức xúc”, đại biểu nói.
Đại biểu Nguyễn Anh Tuấn (Đoàn thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, Bộ Tài chính, Công Thương cần phối hợp điều hành nhịp nhàng hơn. Nếu chưa khắc phục được về giá cả và các vấn đề có liên quan, trong bối cảnh thiếu hụt nguồn cung, nhà nước cần phải huy động nguồn lực từ các doanh nghiệp lọc dầu lớn trong nước để bình ổn thị trường.
Bình luận