Du lịch Việt Nam đang sẵn sàng cho quá trình tăng trưởng mạnh mẽ Du lịch nội địa bùng nổ trong dịp cuối tuần và nghỉ lễ
Bùng nổ du lịch thúc đẩy phục hồi kinh tế Việt Nam sau đại dịch
Bài viết trên tờ The Business Times về du lịch thúc đẩy phục hồi kinh tế Việt Nam sau đại dịch. (Ảnh chụp màn hình)

Doanh thu khả quan

Tờ The Business Times của Singapore hôm 23.8 dẫn báo cáo mới nhất của Fitch Solutions cho biết, lĩnh vực du lịch Việt Nam dự kiến ​​sẽ đạt doanh thu 11,1 tỉ USD vào năm 2024 - vượt mức doanh thu 10,8 tỉ USD năm 2019 - một năm trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát. Con số này dự kiến ​​sẽ tăng lên khoảng 13,2 tỉ USD vào năm 2026, với hơn 22 triệu lượt khách du lịch đến đất nước. Theo Fitch Solutions, đây là triển vọng tốt cho quốc gia phụ thuộc nhiều vào khách du lịch quốc tế và chi tiêu của họ.

Giống như nhiều quốc gia khác trong khu vực, Việt Nam đã đóng cửa hầu hết các đường biên giới trong năm 2020 và 2021, trước khi mở cửa trở lại cho du khách nước ngoài vào tháng 3 năm nay. Theo ông Noemi Perez - Tổng Giám đốc khách sạn Melia Ba Vi Mountain Retreat - chính sách ứng phó linh hoạt của Việt Nam giúp khách du lịch quốc tế có nhiều lợi thế hơn khi nhập cảnh. Du khách quốc tế đánh giá Việt Nam là một trong số các nước có thủ tục nhập cảnh tiện lợi, môi trường an toàn và nhiều điểm đến tham quan.

Sau COVID-19, Việt Nam đang tăng cường các ưu đãi để dần bù đắp những thiệt hại trong đại dịch. Dữ liệu từ Google Destination Insights cho thấy Việt Nam đứng đầu danh sách các điểm đến quốc tế trên toàn thế giới có nhu cầu về lưu trú gia tăng trong năm nay. Khoảng 100 dự án khách sạn đang được xây dựng ở Việt Nam.

Công ty tư vấn và nghiên cứu thị trường Mỹ Technavio dự báo thị trường khách sạn Việt Nam sẽ tăng 2,12 tỉ USD từ năm 2021-2026, đạt tỉ lệ tăng trưởng hằng năm kép (CAGR) là 14,43% trong giai đoạn này. Riêng trong năm 2022, Technavio dự báo thị trường khách sạn Việt Nam sẽ tăng 13,44%.

Các chuỗi khách sạn tại Việt Nam sẽ gia tăng đáng kể thị phần. Việc mở rộng thị trường này sẽ được thúc đẩy bởi sự tăng trưởng ổn định của lĩnh vực du lịch và lữ hành cũng như các khoản đầu tư đáng kể vào các khách sạn 5 và 4 sao khi du lịch đến Việt Nam ngày càng phổ biến.

Các chuỗi khách sạn toàn cầu tại Việt Nam cũng đang ngày càng mở rộng nhờ các yếu tố như khả năng chi trả và thu nhập khả dụng tăng. Điều này có được là nhờ vào tốc độ tăng trưởng kinh tế liên tục của Việt Nam và mức tăng đáng kể của thu nhập khả dụng bình quân đầu người. Ngoài ra, khả năng chi tiêu của người dân sẽ tăng lên khi mức độ bất bình đẳng về thu nhập giữa các tầng lớp giảm dần.

Trong giai đoạn dự báo 2021-2026 của Technavio, việc mở rộng thị trường khách sạn tại Việt Nam sẽ được thúc đẩy hơn nữa nhờ sức mua của người tiêu dùng tăng và dân số tăng. Tuy nhiên, một số trở ngại lớn đối với việc mở rộng lĩnh vực khách sạn toàn cầu tại Việt Nam là biến đổi khí hậu và những diễn biến không lường trước của thời tiết, theo Technavio.

Tín hiệu tích cực

Du lịch Việt Nam đã đón nhận những tín hiệu tích cực từ thị trường khách quốc tế, theo trang Breaking Travel News. Trong 7 tháng đầu năm 2022, Việt Nam đã đón 954.000 lượt khách quốc tế, tăng gần 9 lần so với một năm trước đó. Tốc độ tăng trưởng lượt khách hàng tháng đạt trung bình 62%.

Trong số 10 thị trường có nhiều du khách đến Việt Nam nhất, 9 thị trường nằm ở Châu Á - Thái Bình Dương và thị trường còn lại là Mỹ.

Hàn Quốc đứng đầu với 196.200 lượt, tăng 903,7% so với cùng kỳ năm ngoái, tiếp theo là Mỹ với 102.900 lượt, tăng 5.382%. Những nước khác bao gồm Nhật Bản (46.000 - 794,6%) và Trung Quốc (53.000 - 34,5%).

Mặc dù có lượng khách khiêm tốn nhưng các quốc gia Châu Âu vẫn có lượng khách đến Việt Nam tăng mạnh, bao gồm Anh (26.400 - 2.958,6%), Pháp (23.400 - 2.963,7%) và Đức (23.600 - 3.897,1%).

Kể từ đầu năm, Việt Nam liên tục nằm trong số những nước có tốc độ tìm kiếm nhanh nhất trên thế giới, từ 50 - 75%, theo dữ liệu của Google Destination Insights.

Lượng tìm kiếm toàn cầu cho các cơ sở lưu trú du lịch trong nước đạt 100 điểm trong tháng 7, gấp 5,9 lần so với đầu tháng 3 (17 điểm). Tìm kiếm các chuyến bay quốc tế đến Việt Nam trong tháng 7 cũng tăng gấp 3 lần so với đầu tháng 3.

So với cùng kỳ năm ngoái, các lượt tìm kiếm quốc tế về du lịch của Việt Nam tăng hơn 1.200% trong tháng 7. Các lượt tìm kiếm lớn nhất đến từ Mỹ, Australia, Singapore, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Anh, Malaysia, Đức và Thái Lan. Trong khi đó, các điểm đến Việt Nam được tìm kiếm nhiều nhất là Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Phú Quốc, Hội An, Nha Trang, Đà Lạt, Phan Thiết, Huế và Vũng Tàu.

CNN mới đây có bài viết giới thiệu những địa điểm hấp dẫn khắp thế giới vào mùa thu, trong đó có Hà Nội. Scott Keyes - nhà sáng lập website tư vấn du lịch Scott's Cheap Flights của Mỹ - nhận định, trong bối cảnh du lịch Châu Á phục hồi chậm nhất thì Việt Nam "là điểm sáng thực sự ngay lúc này”.

Theo Keyes, mùa thu ở Hà Nội khô ráo và mát mẻ hơn sau khi kết thúc những cơn mưa mùa hè. Có rất nhiều thứ để các tín đồ ẩm thực thưởng thức khi đến Hà Nội. Chả cá Hà Nội nổi tiếng đến mức có riêng một con phố được đặt tên theo món ăn này. Bánh tôm Hà Nội cũng là món không thể bỏ qua khi du khách đến với thủ đô của Việt Nam.

Liệt kê 50 món ăn đường phố ngon nhất Châu Á, cây viết Kate Springer của CNN cho hay, ẩm thực đường phố Châu Á mang đến sự đa dạng và rất nhiều hương vị. Trong đó, du khách tới Việt Nam không thể bỏ lỡ cơ hội thưởng thức 3 món ăn đặc biệt gồm: Bánh mì Việt Nam, cà phê đá và phở.

Theo Song Minh/laodong.vn

https://laodong.vn/kinh-doanh/bung-no-du-lich-thuc-day-phuc-hoi-kinh-te-viet-nam-sau-dai-dich-1084725.ldo