Cần xem xét rút ngắn thời gian điều chỉnh giá xăng, dầu
Bộ trưởng Bộ Công Thương khẳng định không thiếu nguồn cung xăng, dầu Chính phủ cần chỉ đạo xây dựng lại cơ chế điều hành giá bán lẻ xăng, dầu |
Phát biểu thảo luận, đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn TP Hồ Chí Minh) cho rằng, những kết quả chúng ta đạt được trong thời gian vừa qua là hết sức trân quý: Tăng trưởng kinh tế cao, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế ngày càng được tăng cường, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, cán cân thương mại tiếp tục, thặng dư xuất siêu, nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài được đảm bảo…
Bên cạnh những kết quả đạt được, đại biểu đề cập đến thị trường xăng, dầu bị đứt gãy chuỗi cung ứng. Vừa qua, mặc dù Bộ Công Thương đã tích cực vào cuộc nhưng cần sớm khắc phục, rút ra các bài học kinh nghiệm để không xảy ra tình trạng tương tự trong thời gian tới. Cần xem xét rút ngắn thời gian điều chỉnh giá xăng, dầu.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn TP Hồ Chí Minh) phát biểu thảo luận. (Ảnh: Quốc hội) |
“Giá cả xăng, dầu trong thời gian tới có thể tiếp tục diễn biến phức tạp, Quốc hội cần ủy quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định cắt giảm các loại thuế, phí liên quan đến xăng, dầu, như thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt để chúng ta kiểm soát lạm phát một cách nhanh nhạy nhất”, đại biểu Trần Hoàng Ngân đề nghị.
Theo đại biểu Tô Ái Vang (Đoàn Sóc Trăng), để khắc phục tình trạng thiếu xăng, dầu cục bộ, Chính phủ cần chỉ đạo Bộ Công Thương phối hợp với các bộ, ngành nghiên cứu, tính toán lại giá cơ bản cho phù hợp với thực tế, đảm bảo hài hòa lợi ích của thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối, doanh nghiệp bán lẻ và người dân.
Đối với các công ty là thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối xăng, dầu trước mắt cần tăng sản lượng phân bổ cho thị trường để đảm bảo nhu cầu tiêu thụ đến cuối năm 2022 và những tháng đầu năm 2023, trong đó, riêng nhu cầu trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng là 75.000 m3…
Cùng quan tâm đến nguồn cung xăng, dầu, đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Đoàn Kiên Giang) cho rằng, vừa rồi tình hình thiếu hụt xăng, dầu xảy ra ở nước ta, nhất là ở khu vực phía Nam đã cho thấy sự lúng túng trong xử lý tình huống của các bộ, ngành liên quan trong trách nhiệm quản lý nhà nước.
Từ việc quy định tính đúng, tính đủ đối với giá xăng, dầu, đến việc điều tiết nguồn cung của các doanh nghiệp đầu mối để xử lý kịp thời sự thiếu hụt như thời gian vừa qua… đã làm cho nhân dân, doanh nghiệp bức xúc khi gặp khó khăn xảy ra trong cuộc sống, ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh và hiện nay hiện tượng này vẫn còn xảy ra cục bộ ở một số địa phương chưa được giải quyết dứt điểm.
Toàn cảnh phiên họp. (Ảnh: Quốc hội) |
Đại biểu Bố Thị Xuân Linh (Đoàn Bình Thuận) cho rằng, dù Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo kịp thời, điều chỉnh giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, trích lập quỹ bình ổn xăng dầu phù hợp và làm giảm đáng kể áp lực đầu vào, hỗ trợ tiêu dùng, nhưng ngư dân hiện nay ra khơi bám biển còn cầm chừng hoặc là nằm bờ, do giá dầu tăng hoặc thu không đủ để bù chi vào đầu vào. Do đó, đại biểu Bố Thị Xuân Linh đề nghị Chính phủ có chính sách hỗ trợ an sinh xã hội cho ngư dân.
Đại biểu Bố Thị Xuân Linh cũng thống nhất cao với báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 của Chính phủ.
“Tôi đánh giá cao sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành. Thời gian qua dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự giám sát của Quốc hội và sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị nhiều chỉ tiêu về phát triển kinh tế - xã hội tăng trưởng khá và công tác điều hành giá từ đầu năm cho đến nay đạt được nhiều kết quả tích cực, với nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt để kiềm chế lạm phát, góp phần giảm đáng kể áp lực đối với người tiêu dùng”, đai biểu nói.
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, cơ bản nền kinh tế nước ta vẫn còn đứng trước những khó khăn, thách thức lớn. Đó là tình hình thế giới có nhiều phức tạp, khó lường, sức ép lạm phát lớn, nguyên vật liệu đầu vào, giá cả xăng, dầu biến động rất mạnh.
Việc giải ngân đầu tư công và nhất là 3 chương trình mục tiêu quốc gia cũng còn chậm. Công tác bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững vẫn còn nhiều thách thức. Đời sống một bộ phận nhân dân cũng còn nhiều khó khăn và tiền lương, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức cũng còn thấp…
Vì vậy, đại biểu đề nghị Chính phủ cần phải phân tích đầy đủ và làm rõ nguyên nhân chủ quan, nguyên nhân khách quan, trên cơ sở đó nhìn nhận thấu đáo các vấn đề và từ đó rút ra những kinh nghiệm, đề ra các giải pháp hữu hiệu trong chỉ đạo, điều hành, quản lý.
Bình luận