Từ nay tới cuối năm 2022: Tháo điểm nghẽn, đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công Chỉ thị của Thủ tướng về đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công

Tại công trường thi công tuyến đường liên tỉnh Hà Nội-Hưng Yên kéo dài, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư công trình giao thông-xây dựng tỉnh Hưng Yên Nguyễn Ngọc Sơn cho biết: Dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng tuyến đường liên tỉnh Hà Nội-Hưng Yên kéo dài có tổng mức đầu tư hơn 2.894 tỷ đồng, chiều dài tuyến là 33,5km, chiều rộng mặt đường 21m, được thiết kế theo tiêu chuẩn cấp II đồng bằng. Năm 2022, dự án được bố trí vốn 900 tỷ đồng, đến cuối tháng 11 đã giải ngân được hơn 660 tỷ đồng, dự kiến đến hết tháng 12 sẽ giải ngân hết số tiền ngân sách đã bố trí.

Dự án xây dựng cầu vượt tại nút giao An Dương-đường Thanh Niên (Hà Nội) giai đoạn 2 tiếp tục được triển khai sau thời gian tạm dừng. (Ảnh NGUYÊN TRANG)
Dự án xây dựng cầu vượt tại nút giao An Dương-đường Thanh Niên (Hà Nội) giai đoạn 2 tiếp tục được triển khai sau thời gian tạm dừng. (Ảnh NGUYÊN TRANG)

Nơi hối hả về đích...

Chỉ huy trưởng công trường Công ty TNHH Thịnh Phát, Nguyễn Văn Bắc cho biết, năm nay, công tác giải phóng mặt bằng được tỉnh Hưng Yên chỉ đạo quyết liệt, việc bàn giao mặt bằng tuyến đường liên tỉnh Hà Nội-Hưng Yên kéo dài cơ bản đúng theo kế hoạch. Có mặt bằng, các đơn vị đang nỗ lực huy động nhân lực, máy móc, phương tiện, thiết bị ở mức độ cao nhất để thi công, phấn đấu hoàn thành khối lượng công việc theo tiến độ được đề ra.

Trên công trường thi công tuyến đường nối cao tốc Hà Nội-Hải Phòng với cao tốc Cầu Giẽ-Ninh Bình những ngày này, hơn 60 phương tiện, thiết bị trải dài trên toàn tuyến đang hối hả thi công, Giám đốc Ban Quản lý dự án các công trình giao thông (Sở Giao thông vận tải tỉnh Hưng Yên) Hoàng Hải Bình cho biết: Đơn vị thi công đang huy động nhân lực và thiết bị làm việc cả ngày lẫn đêm, phấn đấu đến ngày 31/12/2022 sẽ cơ bản thông xe kỹ thuật công trình giai đoạn 2 đường nối cao tốc Hà Nội-Hải Phòng với cao tốc Cầu Giẽ-Ninh Bình, sớm hơn một năm so với hợp đồng đã ký.

Tại Thái Bình, kết quả giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh hai năm qua nằm trong tốp đầu của cả nước. Tỷ lệ giải ngân năm 2021 đạt 180,2% và 11 tháng năm 2022 ước đạt 113,4% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao (được Trung ương bổ sung kế hoạch vốn năm 2021 là 500 tỷ đồng, năm 2022 là 320 tỷ đồng), qua đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình, Nguyễn Khắc Thận cho biết, tỉnh có 5 dự án có tỷ lệ giải ngân 11 tháng đạt 100% kế hoạch vốn gồm: Tuyến đường bộ ven biển đoạn qua tỉnh Thái Bình; tuyến đường ĐT454 (đường 223 cũ) từ thành phố Thái Bình đến cầu Sa Cao; dự án đầu tư xây dựng tuyến đường từ thành phố Thái Bình qua cầu Tịnh Xuyên đến huyện Hưng Hà; dự án cải tạo, nâng cấp đường tránh trú bão, cứu hộ cứu nạn phát triển kinh tế biển và bảo đảm an ninh quốc phòng ven biển (đường 221A) và dự án đường vành đai phía nam thành phố Thái Bình, đoạn từ cầu ngang S1 đến đường Chu Văn An kéo dài. Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thái Bình, Vũ Kim Cứ cho biết, có được kết quả nêu trên là do tỉnh thực hiện phân bổ và giao kế hoạch vốn từ đầu năm; ưu tiên bố trí cho các dự án có khả năng hấp thụ vốn và các công trình trọng điểm của tỉnh.

Lãnh đạo tỉnh thường xuyên kiểm tra thực tế, nắm tiến độ, khó khăn, vướng mắc và kịp thời đề ra các giải pháp chỉ đạo, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án. Hội đồng nhân dân tỉnh tổ chức các kỳ họp đột xuất để xem xét, giải quyết kịp thời thủ tục đầu tư các dự án.

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hưng Yên, Trịnh Văn Diễn chia sẻ, năm nay tỉnh có nhiều dự án có khối lượng xây lắp lớn nhưng tiến độ thi công và giải ngân tốt, đang hoàn thiện các thủ tục thanh toán. Tổng nguồn vốn ngân sách đầu tư của tỉnh năm 2022 là hơn 10.800 tỷ đồng, trong đó kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao hơn 4.570 tỷ đồng; kế hoạch vốn địa phương giao bổ sung là hơn 6.238 tỷ đồng. Đến ngày 30/11/2022, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh Hưng Yên đạt khoảng 6.000 tỷ đồng, đạt hơn 120% so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, đạt khoảng 51% kế hoạch vốn địa phương giao. Dự kiến, đến cuối tháng 1/2023, Hưng Yên sẽ giải ngân đạt 189% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, khoảng 80% kế hoạch vốn tỉnh giao.

... chỗ xin lùi thời hạn

Bên cạnh những tỉnh đạt tỷ lệ giải ngân đạt cao như Hưng Yên, Thái Bình, vẫn còn những tỉnh, thành phố mặc dù đã đề ra nhiều giải pháp quyết liệt nhưng kết quả giải ngân vẫn đạt thấp. Thí dụ như tỉnh Bắc Kạn, tính đến ngày 12/12/2022, tỷ lệ giải ngân vốn xây dựng cơ bản mới chỉ đạt hơn 42%, thuộc diện thấp nhất cả nước. Vì thế, đường từ thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể, kết nối sang Na Hang (Tuyên Quang)-một dự án trọng điểm của tỉnh có tổng mức đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng, nhiều khả năng không hoàn thành giải ngân kế hoạch vốn năm 2022, do có ba gói thầu có tiến độ giải ngân chậm. Đáng chú ý nhất là gói thầu số 20 có tổng trị giá hơn 140 tỷ đồng, lớn nhất trong số các gói thầu thuộc dự án, nhưng có tỷ lệ thi công, giải ngân thấp nhất, mới đạt khoảng 6% mặc dù thời gian thi công đã kéo dài gần một năm nay.

Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của thành phố Hà Nội năm 2022 cũng đạt thấp so mục tiêu đề ra, thậm chí thấp hơn bình quân chung cả nước. Đến đầu tháng 12, thành phố mới giải ngân được hơn 25.020 tỷ đồng, đạt 49% kế hoạch năm 2022. Ngoài ra, vốn đầu tư công của thành phố năm 2021 kéo dài sang năm 2022 cũng mới thực hiện được 1.222 tỷ đồng, đạt 41,3% kế hoạch.

Nhiều dự án trọng điểm của thành phố có tổng vốn đầu tư lớn, đều bị chậm tiến độ như dự án Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá khởi công từ tháng 10/2016, dự kiến hoàn thành vào quý II/2022, nhưng đến nay, một số gói thầu mới hoàn thành gần 20% khối lượng hợp đồng. Vì vậy, chủ đầu tư đã đề xuất điều chỉnh thời gian hoàn thiện dự án đến hết năm 2025, chậm ba năm so với kế hoạch ban đầu. Hay dự án xây dựng cầu vượt tại nút giao An Dương-đường Thanh Niên giai đoạn 2 (còn gọi là dự án mở rộng đường đê Âu Cơ) được khởi công tháng 12/2019, có chiều dài 3,7km với tổng mức đầu tư hơn 815 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách thành phố, kế hoạch hoàn thành cuối năm 2020, nhưng nay chủ đầu tư lại xin lùi mốc thời gian hoàn thành tới năm 2024.

Lãnh đạo Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội thừa nhận, nguyên nhân tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp chủ yếu do những hạn chế trong công tác quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện, cũng như vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu tại các đơn vị, địa phương.

Trước thực trạng này, lãnh đạo các địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp đều chỉ đạo các ngành tập trung rà soát lại từng dự án, từng chủ đầu tư để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và tham mưu điều chỉnh vốn từ dự án khó giải ngân sang các dự án có khối lượng hoặc có thể giải ngân từ nay đến cuối năm. Tỉnh Bắc Kạn phấn đấu giải ngân từ 75-80% số vốn năm 2022, số chưa giải ngân được sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép gia hạn thời gian thực hiện. Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, Trần Sỹ Thanh yêu cầu thủ trưởng các đơn vị, chủ tịch ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã phải cam kết bằng văn bản với thành phố về tỷ lệ giải ngân và chịu trách nhiệm trước thành phố nếu không đạt tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công theo cam kết.

Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công

Để duy trì kết quả giải ngân vốn đầu tư công cao như năm 2022, trong năm 2023, tỉnh Hưng Yên sẽ tiếp tục tập trung vào công tác giải phóng mặt bằng; tăng cường quản lý đất đai, nhất là nguồn gốc đất, quy hoạch sử dụng các loại đất... Tỉnh yêu cầu các đơn vị hạn chế việc điều chỉnh phương án đền bù, bảo đảm tiến độ thực hiện; khẩn trương hoàn thiện hồ sơ, thanh toán ngay với Kho bạc Nhà nước khi có khối lượng nghiệm thu, không để dồn vào cuối năm, không gây nợ đọng xây dựng cơ bản.

Lãnh đạo tỉnh tăng cường kiểm tra hiện trường để kịp thời chấn chỉnh các bất cập; xử lý nghiêm, kịp thời các nhà thầu vi phạm tiến độ xây dựng, chất lượng công trình, phấn đấu đến hết năm 2023, tỉnh hoàn thành 100% kế hoạch vốn đầu tư công nguồn ngân sách Trung ương và phấn đấu cơ bản hoàn thành vốn đầu tư công ngân sách địa phương.

Với quyết tâm không để tái diễn tình trạng chậm giải ngân trong năm 2023, ngay từ cuối năm 2022, lãnh đạo tỉnh Bắc Kạn cũng yêu cầu đối với các dự án dự kiến khởi công trong năm tới phải tập trung làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị thực hiện dự án để triển khai thực hiện, giải ngân vốn của dự án ngay sau khi được giao kế hoạch.

Chính quyền các huyện, thành phố và các chủ đầu tư tập trung chỉ đạo, có các giải pháp giải quyết dứt điểm các vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, tạo thuận lợi cho thi công các công trình. Trong khi đó, từ ngày 1/1/2023, thành phố Hà Nội sẽ chính thức thực hiện phân cấp, phân quyền, đưa quyền tự chủ, tự quyết nhiều hơn cho cấp cơ sở, để cải cách hành chính hiệu quả hơn, đơn giản hóa quy trình thực hiện các thủ tục đầu tư, không để tái diễn tình trạng “Đầu năm thong thả, cuối năm vất vả nhưng kết quả không cao”.

Theo Hương Trang và Hà Sơn Tú/nhandan.vn

https://nhandan.vn/chay-nuoc-rut-giai-ngan-von-dau-tu-cong-post732063.html