Quy định rõ về lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt Quy định rõ về lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt
Các thông tin lựa chọn nhà thầu phải công khai trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia Các thông tin lựa chọn nhà thầu phải công khai trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia

Chiều 5/4, các đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách đã thảo luận, cho ý kiến vào dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi) - dự án Luật có nhiều đề xuất sửa đổi quan trọng, được các doanh nghiệp đặc biệt quan tâm.

Chỉ áp dụng khi thật sự cần thiết, cấp bách

Báo cáo về một số nội dung còn có ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách Nguyễn Phú Cường cho biết, về đấu thầu trước, dự thảo Luật Chính phủ trình Quốc hội quy định một số trường hợp cho phép đấu thầu trước khi dự án, dự toán được phê duyệt để rút ngắn thời gian thực hiện trong một số trường hợp.

Chỉ định thầu chỉ được áp dụng trong trường hợp thật sự cần thiết
Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Quốc hội

Ủy ban Thường vụ Quốc hội và một số đại biểu đề nghị hạn chế sử dụng hình thức này, tránh tạo kẽ hở trong thực thi Luật. Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách tiếp thu ý kiến và chỉnh lý theo hướng quy định đấu thầu trước chỉ áp dụng đối với dự án sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức, vốn vay ưu đãi, đảm bảo quy định thống nhất với quy định của pháp luật.

Về việc chỉ định thầu, nhiều ý kiến cho rằng, dự thảo Luật bổ sung nhiều trường hợp chỉ định thầu, giảm trường hợp đấu thầu là không phù hợp, cần quy định chặt chẽ, chỉ áp dụng chỉ định thầu trong trường hợp thật sự cần thiết, cấp bách và quy định tiêu chí cụ thể, tránh lạm dụng.

Tiếp thu ý kiến đại biểu, dự thảo Luật được chỉnh lý theo hướng giảm một số trường hợp chỉ định thầu, trong đó đã loại bỏ các trường hợp chỉ định thầu đối với “gói thầu tái định cư”; quy định rõ về “Gói thầu thuộc dự án quan trọng quốc gia được áp dụng hình thức chỉ định thầu theo Nghị quyết của Quốc hội khi phê duyệt chủ trương đầu tư dự án”...

Phát biểu tại hội nghị, đại biểu Tạ Văn Hạ (Đoàn Quảng Nam) góp ý về đối tượng điều chỉnh đối với vốn nhà nước tại doanh nghiệp: “Quan điểm của tôi thế này, nguyên tắc đầu tiên là chúng ta phải khuyến khích tất cả đều áp dụng đấu thầu, mà thực tiễn qua theo dõi có nhiều doanh nghiệp ngoài quốc doanh, doanh nghiệp tư nhân cũng vận dụng đấu thầu và rất hiệu quả, mà không có vấn đề gì ồn ào ở đây cả, đấy là một thực tế”, đại biểu nói.

Theo đại biểu Tạ Văn Hạ, tiền, tài sản Nhà nước là của nhân dân, nên phải minh bạch, rõ ràng, cố gắng vận dụng phải làm sao khuyến khích vấn đề là phải áp dụng đấu thầu. Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị cân nhắc kỹ về chỉ định thầu. Thực tế, theo đại biểu, hiện nay đấu thầu chủ yếu ở khu vực công lập nhà nước thì mới vướng mắc và vướng mắc là do tổ chức thực hiện...

Chỉ định thầu chỉ được áp dụng trong trường hợp thật sự cần thiết
Đại biểu Tạ Văn Hạ (Đoàn Quảng Nam) phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Quốc hội

Tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp) đề nghị không nên tổ chức đấu thầu trước. Vì, nếu tổ chức đấu thầu trước mà hồ sơ phê duyệt mời thầu chưa xong, cấp thẩm quyền chưa cho ý kiến hoặc tổ chức đấu thầu rồi, sau đó mới tiến hành giải phóng mặt bằng, mặt bằng chưa có được, thì giá trị xây lắp sau này sẽ tăng lên, nhân công lao động tăng lên sẽ dễ phát sinh tiêu cực và đội vốn.

“Đề nghị xem xét không thể nào cho phép đấu thầu trước được, sau khi các dự án phê duyệt xong hoàn toàn rồi thì chúng ta mới tổ chức đấu thầu”, đại biểu nhấn mạnh.

Đáng quan tâm, đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng việc chỉ định thầu là hết sức cần thiết. Nhưng thực tế hiện nay, theo đại biểu, việc chỉ định thầu phần lớn là các chủ đầu tư không dám chỉ định, vì quy định rất ràng buộc, nếu chỉ định nhà thầu tiềm lực tài chính, năng lực đều tốt nhưng giữa chừng không hoàn thành dự án thì trách nhiệm của chủ đầu tư rất lớn. Do đó, đại biểu đề nghị vấn đề chỉ định thầu cần có sự cân nhắc quy định rõ ràng, cụ thể để các chủ đầu tư dám chỉ định thầu...

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Hữu Toàn thay mặt Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách cho biết sẽ rà soát và tiếp thu tối đa những ý kiến hợp lý và sẽ báo cáo lại với đại biểu Quốc hội để trình ra Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5.

Trong đó, liên quan đến nội dung về chỉ định thầu, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Hữu Toàn cho rằng, hầu hết tất cả các đại biểu cũng thống nhất với phương hướng là cố gắng làm hạn chế thôi, nhưng cũng có ý kiến là nếu chỉ định thầu được giá tốt hơn đấu thầu thì nó tốt hơn đấu thầu, cái này chứng minh rất khó.

“Thực tế khi làm Luật Đấu thầu có nhiều câu hỏi đặt ra nhưng nhiều người chỉ quan tâm đến một vấn đề thôi, tức là lựa chọn được nhà thầu với chất lượng đảm bảo và giá hợp lý, việc đấy đúng rồi, nhưng có lẽ quên mất một vế thứ hai, khi làm Luật Đấu thầu này thì có một việc vô cùng quan trọng là tạo một môi trường cạnh tranh bình đẳng cho các nhà sản xuất, các nhà cung cấp được tham gia vào các gói thầu của khu vực công cũng như khu vực khác ở trong xã hội.

Nếu chúng ta chỉ thông qua con đường chỉ định thầu thì tất cả những dự án đấy sẽ vào những công ty lớn, sau đó công ty lớn chia cho công ty nhỏ và những ông khởi nghiệp sáng tạo không bao giờ tham gia được vào đây cả, đấy là điều chắc chắn”, đại biểu nói.