Chính phủ quyết định cho vay đặc biệt đối với những khoản vay không có bảo đảm
Nhiều ngân hàng giảm lãi suất cho vay mua nhà Lãi suất cho vay sẽ giảm theo sự phục hồi của nền kinh tế Những dự án đầy đủ pháp lý đều được vay vốn |
Đổi mới hoạt động ngân hàng
Ngân hàng Nhà nước đang lấy ý kiến của nhân dân đối với dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), với nhiều chính sách mới quan trọng.
Theo cơ quan soạn thảo, qua hơn 12 năm thực hiện, Luật Các tổ chức tín dụng (TCTD) đã có những đóng góp quan trọng trong công tác quản lý cũng như tạo môi trường pháp lý ổn định cho hoạt động của hệ thống ngân hàng.
Luật các TCTD và các văn bản hướng dẫn, quy định chi tiết đã góp phần lành mạnh hóa hoạt động của các tổ chức tín dụng, hoàn thiện cơ sở pháp lý để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội cũng như tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý cho hoạt động thanh tra, giám sát hệ thống các TCTD.
Tuy nhiên, quá trình thực hiện cơ cấu lại các TCTD, cùng với việc phát triển, thay đổi mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Luật các TCTD tiếp tục bộc lộ một số hạn chế, cần nghiên cứu bổ sung, chỉnh sửa cho phù hợp với thực tiễn hoạt động của TCTD và thực tiễn quản lý của cơ quan nhà nước.
Ảnh minh họa. Ảnh: Hà Phong |
Ngoài ra, Luật các TCTD còn một số tồn tại, hạn chế khác như các hoạt động của TCTD cần tiếp tục được hoàn thiện để phù hợp với thực tế và thông lệ quốc tế, ví dụ: quy định về thư tín dụng (L/C); quy định về nhận tiền gửi giữa các TCTD…
Bên cạnh đó, còn một số vấn đề mới phát sinh hiện nay chưa được pháp luật quy định như hoạt động mua bán các loại chứng khoán khác không phải là cổ phiếu, trái phiếu; hoạt động cung cấp thông tin của chi nhánh ngân hàng nước ngoài cho ngân hàng mẹ…
Do đó, theo Ngân hàng Nhà nước, việc xây dựng Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) là cần thiết và có ý nghĩa quan trọng trong việc đảm bảo an toàn của hệ thống TCTD, phát triển kinh tế, đổi mới hoạt động ngân hàng theo nội dung nhiệm vụ trọng tâm cơ cấu lại nền kinh tế theo định hướng, quan điểm, mục tiêu của Đảng, Quốc hội và Chính phủ.
Điều chỉnh đối với hoạt động ngân hàng bằng phương tiện điện tử
Dự thảo Luật đã bổ sung quy định điều chỉnh đối với hoạt động ngân hàng bằng phương tiện điện tử, bao gồm: bổ sung nguyên tắc TCTD được thực hiện hoạt động kinh doanh bằng phương tiện điện tử theo quy định của Ngân hàng nhà nước về các hoạt động ngân hàng, hoạt động kinh doanh khác của TCTD và quy định của pháp luật về giao dịch điện tử.
Bổ sung quy định điều chỉnh hoạt động cấp tín dụng bằng phương tiện điện tử tại các quy định về quy định nội bộ, quy định về xét duyệt cấp tín dụng, quy định về lưu trữ hồ sơ tín dụng. Đồng thời, giao Chính phủ quy định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng.
Dự thảo cũng bổ sung quy định áp dụng riêng cho các khoản vay tiêu dùng, phục vụ nhu cầu đời sống có mức giá trị nhỏ, cấp tín dụng qua thẻ theo hướng đơn giản, thuận tiện hơn.
Về hoạt động của ngân hàng thương mại, Dự thảo Luật bổ sung thư tín dụng vào hoạt động cấp tín dụng để phản ánh đúng bản chất hoạt động này, đồng thời lược bỏ hoạt động phát hành "kỳ phiếu, tín phiếu" do thực tế quá trình thực hiện không phát sinh. Bổ sung hoạt động "giao đại lý" trong lĩnh vực thanh toán và điều chỉnh kỹ thuật một số quy định để đảm bảo rõ ràng...
Đáng quan tâm, Dự thảo Luật sửa dổi, bổ sung quy định về trường hợp TCTD được vay đặc biệt của Ngân hàng Nhà nước, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam, Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam và các tổ chức tín dụng khác trong các trường hợp ngay cả khi chưa được kiểm soát đặc biệt để giải quyết, xử lý sự cố khách hàng gửi rút tiền hàng loạt tại TCTD thời gian qua.
Theo đó, Điều 151 Dự thảo đã sửa đổi về thẩm quyền quyết định cho vay đặc biệt. Cụ thể, Chính phủ sẽ là cấp có thẩm quyền quyết định cho vay đặc biệt đối với những khoản vay không có bảo đảm, Ngân hàng Nhà nước có thẩm quyền quyết định cho vay đặc biệt đối với những khoản vay có bảo đảm. Đối với những khoản cho vay đặc biệt có tài sản bảo đảm nhưng có tổng mức dư nợ vay lớn, Ngân hàng Nhà nước trình Chính phủ quyết định chủ trương trước khi thực hiện cho vay.
Về việc đánh giá tổng thể thực trạng tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt, Dự thảo Luật sửa đổi quy định trường hợp không thuê được tổ chức kiểm toán độc lập thực hiện, Kiểm toán Nhà nước thực hiện theo đề nghị của Ngân hàng Nhà nước...
Theo cơ quan soạn thảo, việc sửa Luật sẽ góp phần giúp cơ quan quản lý nhà nước tăng cường công tác quản lý hoạt động, xử lý các TCTD yếu kém. Bên cạnh đó, với việc sửa đổi, bổ sung các quy định phòng ngừa rủi ro sẽ góp phần tăng cường hơn nữa việc tự kiểm tra, kiểm soát nội bộ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức tín dụng; phát hiện sớm vi phạm và xử lý kịp thời trách nhiệm của các cá nhân quản trị, điều hành tổ chức tín dụng...
Bình luận