Giảm trừ gia cảnh chịu thuế thu nhập cá nhân lạc hậu, không cập nhật giá cả, lạm phát 10 loại thuế thu nhập cá nhân phải nộp

Tại cuộc họp báo thường kỳ quý 1/2024 của Bộ Tài chính chiều 29/3, ông Trương Bá Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí (Bộ Tài chính), cho biết hiện chưa đề xuất điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh khi biến động chỉ số giá tiêu dùng (CPI) chưa đến mức 20%; hoặc chờ sửa toàn diện Luật Thuế thu nhập cá nhân vào năm 2025.

Qua theo dõi chỉ số CPI từ năm 2020 đến nay, mức giảm trừ chưa biến động đến mức 20%. Nên thời gian tới Bộ Tài chính tiếp tục theo dõi diễn biến của chỉ số này để chủ động đề xuất theo quy định.

Chưa điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh, người dân mòn mỏi đợi sửa luật
Dù có nhiều phụ thuộc nhưng vẫn không gánh nổi thuế thu nhập cá nhân. (Ảnh minh họa: Minh Phương)

Liên quan đến việc sửa đổi tổng thể Luật Thuế thu nhập cá nhân, ông Trương Bá Tuấn cho biết: "Lộ trình là năm 2025 như Bộ Tài chính đã báo cáo Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Khi sửa đổi luật này, chúng tôi sẽ sửa tổng thể các nội dung gồm thu nhập chịu thuế, thu nhập tính thuế, giảm trừ gia cảnh".

Trước đó, tại nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1/2024, Chính phủ giao Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất Chính phủ điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh trong tính thuế thu nhập cá nhân để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho đời sống của người dân.

Tại phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 18/3, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, theo quy định hiện nay của thuế thu nhập cá nhân, Bộ Tài chính vẫn phải thực hiện theo quy định của pháp luật. Muốn thay đổi mức giảm trừ gia cảnh thuế thu nhập cá nhân phải sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân.

Trước thông tin chờ sửa luật, chị Bùi Minh Phương, một viên chức sống tại quận Nam Từ Liêm lo lắng nói: "Không biết đến năm 2015 luật đã sửa xong chưa và điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh lên bao nhiêu? Liệu khi luật sửa xong thì có thi hành ngay không? Hiện nay gia đình tôi có tất cả 7 người, có 3 phụ thuộc, phải chi tiêu gần 50 triệu đồng/tháng.

Vì vậy, hai vợ chồng chia nhau, mỗi người gánh 1-2 người phụ thuộc. Bố mẹ già có lương hưu nhưng ốm đau, đi viện suốt nên lương hưu cũng không đủ, hai vợ chồng phải "nai lưng kiếm tiền". Mặc dù chồng được giảm trừ gia cảnh cho 2 con, vợ được giảm trừ 1 con, nhưng lại phân chia ra nên mức giảm trừ gia cảnh cũng không gánh nổi thuế".

Có một thực tế rằng, người làm công ăn lương đang phải đóng thuế cao nhất, cao hơn cả doanh nghiệp và người kinh doanh tự do, bởi họ không có cách nào để "trốn tránh" mức thu nhập của mình. Trong khi đó, nhiều người làm ăn buôn bán có thể có mức thu nhập khá hơn bởi họ chưa chắc đã phải chịu thuế cho khoản thu của mình.

Sau Tết, chị Trần Hiền Lương (Long Biên, Hà Nội) nhận phiếu thông báo quyết toán thuế thu nhập cá nhân từ phòng kế toán. Tổng cộng năm vừa qua, thu nhập của chị được ghi nhận hơn 668 triệu triệu đồng, sau khi được khấu trừ gia cảnh cho bản thân và 1 con nhỏ phụ thuộc, số tiền thuế thu nhập cá nhân chị phải đóng hơn 70 triệu đồng. Chồng chị thu nhập bằng một nửa của chị, có 1 con nhỏ phụ thuộc cũng phải đóng hơn 20 triệu đồng tiền thuế.

Chị Lương cho biết, hai vợ chồng chị luôn nỗ lực, cố gắng làm kinh tế để kiếm thêm thu nhập, mong muốn có khoản tích lũy để dành cho việc ổn định kinh tế, làm giàu, nuôi con ăn học. Thế nhưng mỗi lần "được" nộp thuế, chị lại thấy nản. Thu nhập cao cũng không lại được mức thuế phải đóng, lấy đâu ra tiền tích lũy, còn mơ gì tới việc "làm giàu".

Không những vậy, người làm công ăn lương cũng đang phải đóng thuế thu nhập cá nhân với tỷ lệ cao hơn cả doanh nghiệp. Hiện thuế thu nhập doanh nghiệp là 20% và các doanh nghiệp chỉ nộp thuế trên phần lãi, sau khi đã khấu trừ các chi phí hợp lệ trong quá trình hoạt động, từ tiền lương tiền công của người lao động đến chi phí thuê tài sản, khấu hao tài sản, đào tạo…

Trong khi đó, cá nhân chỉ được khấu trừ duy nhất 11 triệu đồng/tháng cho bao gồm tất cả chi phí tiêu dùng, ốm đau, học hành. Ước tính chi tiêu của một cá nhân ở những thành phố lớn cao hơn rất nhiều so với mức giảm trừ gia cảnh quy định. Điều này tương đương cá nhân phải đóng thuế cả cho phần thu nhập đáng lẽ để đảm bảo đời sống.

Khát khao lao động để cho cuộc sống "dễ thở" hơn, nhưng nhiều người lại sợ đóng thuế. Nhất là những năm qua, giá cả leo thang, chi phí cho học tập của con cái cũng như thuốc men, ốm đau ngày càng nhiều hơn, buộc mỗi người phải kiếm thêm tiền để trang trải cuộc sống. Thế nhưng, mức tiền thuế phải đóng khi thu nhập tăng lên cũng khiến nhiều người lo lắng.

Bảo Thoa