Chuyển đổi sinh kế vùng nông thôn thông qua du lịch cộng đồng
Ấn Độ đang gia tăng lượng tìm kiếm thông tin về du lịch Việt Nam Du lịch Hà Nội: Nhiều giải pháp kích cầu phục hồi sau đại dịch Biến thách thức thành cơ hội, du lịch Huế "ghi điểm" giữa khó khăn |
Khu du lịch sinh thái Thái Hải còn được biết đến với một số cái tên như Khu bảo tồn làng nhà sàn sinh thái Thái Hải, bản làng Thái Hải, hay gia đình Thái Hải. Gọi là bản làng vì ở đây ở đây rộng 25 ha bằng cả một bản làng. Mọi người mặc dù đến từ các nơi khác nhau để làm việc tại đây nhưng họ cũng sinh sống, sinh hoạt, làm việc luôn trong trong khu sinh thái như một cộng đồng thôn bản.
Về nguồn gốc ra đời của Khu du lịch Thái Hải, chị Lý Thị Chiên, dân tộc Tày, Phó bản đồng thời là hướng dẫn viên nòng cốt ở đây cho biết, đầu những năm 2000, đồng bào Tày ở nhiều nơi trên địa bàn có xu hướng thay thế nhà sàn bằng những ngôi nhà hiện đại hơn, tiện dụng hơn.
Vì thế, bà Nguyễn Thị Thanh Hải, một người con dân tộc Tày, Định Hóa đã thu mua 30 ngôi nhà sàn và phục dựng nguyên bản ở xóm đồi Mỹ Hào-Thịnh Đức- Thái Nguyên. Những ngôi nhà sàn không chỉ là những khối vật chất khô cứng được vận chuyển từ nơi khác về mà nó như được hồi sinh khi đặt trong một phối cảnh núi rừng thiên nhiên hùng vĩ đầy màu sắc thanh âm của cuộc sống. Chính con người đã tạo dựng nên nó, làm cho nó trở nên có hồn. Họ vừa lao động sản xuất, vừa tham gia phục vụ khách tham quan du lịch. Các em bé ở đây cũng được cha mẹ có ý thức cho mặc trang phục truyền thống như người lớn. Không chỉ tái hiện cuộc sống đời thường mà các dịp sinh hoạt cộng đồng, lễ, tết của dân tộc cũng thường được tổ chức để thu hút du khách.
Khu du lịch Thái Hải, Thái Nguyên. |
Văn hóa tộc người Tày, Nùng trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên rất phong phú, đa dạng trải dài trên nhiều lĩnh vực của cuộc sống từ nhà cửa, trang phục áo truyền thống, ẩm thực, âm nhạc, lễ hội…
Những nét đặc trưng nhất của dân tộc địa phương đã được thu gọn, sắp xếp, tạo dựng trong khu du lịch Thái Hải một cách bài bản thông qua các loại hình được giới thiệu cho khách du lịch. Nhằm tăng tính xác thực, khu du lịch đã thiết kế những dịch vụ hoạt động trải nghiệm gắn liền với đặc trưng văn hóa tộc người.
Dịch vụ nghỉ trọ tại nhà dân là một trong những hình thức tiêu biểu của du lịch cộng đồng. Với loại hình này, du khách có thể trải nghiệm cuộc sống tộc người qua việc cùng tham gia sinh hoạt, ăn ở với người dân địa phương, tăng cường sự hiểu biết cộng đồng.
Ngoài ra, dịch vụ ẩm thực ở đây rất đa dạng món ăn mang đậm bản sắc dân tộc như khâu nhục, thịt treo gác bếp, gà, lợn quay ướp với gia vị địa phương, rau bò khai, rau gai, các loại bánh dân tộc... Không những phục vụ các món ăn tươi sống mang bản sắc của dân tộc, mà ban quản trị của khu du lịch đã rất khéo léo trong việc nâng tầm các sản vật địa phương thành hàng hóa có thương hiệu.
Chè xanh Thái Hải được đóng gói trong những bao bì rất sang trọng, là quà lưu niệm mà ai đã từng đến đây khó lòng có thể không mua về. Thuốc nam Thái Hải cũng được bày bán trong khu du lịch tạo niềm phấn khích, tò mò với khách tham quan. Thương hiệu rượu Thái Hải được ủ từ nếp cái hoa vàng theo phương thức của người dân tộc, được cất trữ trong bình sành lớn, hạ thổ với thời gian dài đưới gầm các nhà sàn, nước đóng chai Thái Hải được khai thác từ mạch nước ngầm vùng đồi trong khu du lịch.
Như vậy, việc làm du lịch ở đây đã nâng tầm chuyên nghiệp bằng những sản vật địa phương nhưng đã gán thương hiệu, tạo nên giá trị tiêu dùng, đồng thời là một cách quảng bá sản phẩm du lịch một cách hiệu quả.
Để hiểu rõ hơn về bản sắc dân tộc vùng núi Tây Bắc, khu du lịch thường xuyên tổ chức buổi giao lưu văn hóa, biểu diễn văn nghệ. Một sản phẩm văn hóa thành công không chỉ thỏa mãn nhu cầu du khách mà còn tượng trưng cho ý nghĩa văn hóa và giá trị của dân tộc họ.
Bên cạnh đó, để tăng cảm giác tính chân thực cho du khách về bản sắc dân tộc, khu du lịch cũng tổ chức các buổi giao lưu trải nghiệm đời sống văn hóa sinh hoạt của bà con dân tộc. Đó là trải nghiệm làm một số món ăn đặc trưng dân tộc Tày, trải nghiệm tự tay làm các loại bánh như bánh gai, bánh cốm, bánh bánh dày…, làm một số đồ thủ công từ mây tre đan…. Việc tham gia vào công việc bếp núc khiến cho du khách có những trải nghiệm thú vị khi chính tay mình làm ra.
Hoạt động du lịch dựa vào cộng đồng tại khu du lịch Thái Hải đã làm tăng thêm thu nhập, cải thiện đời sống, thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương. Việc kết hợp du lịch với bảo tồn giá trị văn hóa là một mô hình rất phù hợp với xu thế của thế giới.
TS. Lê Thị Việt Hà, giảng viên khoa Ngôn ngữ và Văn hoá Hàn Quốc, ĐH Ngoại ngữ (ĐH Quốc gia Hà Nội); đồng sáng lập (Co-Founder) của SCOPUSIAN- Tổ chức Phi lợi nhuận của giới trẻ Việt Nam về nghiên cứu khoa học. |
TS. Lê Thị Việt Hà, giảng viên khoa Ngôn ngữ và Văn hoá Hàn Quốc, ĐH Ngoại ngữ (ĐH Quốc gia Hà Nội); đồng sáng lập (Co-Founder) của SCOPUSIAN- Tổ chức Phi lợi nhuận của giới trẻ Việt Nam về nghiên cứu khoa học cho biết: "Ở Hàn Quốc, phong trào Saemaul Undong (hay còn gọi là phong trào nông thôn mới, phong trào làng mới) là một sáng kiến chính trị được đưa ra bởi tổng thống Park Chung-hee nhằm hiện đại hóa kinh tế nông thôn. Mặc dù đã suy thoái vào thập niên 1980 nhưng những biện pháp tích cực của phong trào này hiện vẫn đang được đúc kết để giới thiệu và áp dụng tạo một số quốc gia đang phát triển trên thế giới trong đó có Việt Nam.
Khát vọng hiện đại hóa thông qua việc làm du lịch cộng đồng chính là một cách cộng đồng thể hiện bản sắc của mình theo một cách sáng tạo hơn, đổi mới hơn, bắt kịp thời đại hơn. Du lịch cộng đồng đã thực sự mang lại lợi ích kinh tế hữu hiệu cho người dân, kết nối họ với nền kinh tế thị trường, mở rộng không gian giao lưu với xã hội bên ngoài; cùng với nó là sự sáng tạo truyền thống, đem đến những điều mới mẻ, hiện đại cho du khách".
Bình luận