Cổ phiếu ngành bán lẻ được kỳ vọng sẽ có diễn biến khả quan
VN-Index kỳ vọng tạo đáy, nhà đầu tư có thể giải ngân từng phần Mùa công bố lợi nhuận có thể nhấn chìm chứng khoán toàn cầu |
Đóng cửa phiên giao dịch 11/7, VN-Index giảm 16,02 điểm, âm 1,37% xuống còn 1.155,29 điểm. Sàn HOSE có 131 mã tăng, 7 mã trần, 65 mã đứng ở tham chiếu, 319 mã giảm và 11 mã giảm sàn. Giao dịch phục hồi nhẹ, 538,7 triệu đơn vị, tương đương 11.445,1 tỷ đồng.
Thị trường ngày 11/7, số mã giảm gấp rưỡi số mã tăng. |
Rổ VN30 chỉ còn 2 mã giữ được sắc xanh là SSI và PLX, trong đó SSI tăng 1,2%, PLX tăng 0,4%. Điểm đáng chú ý tạo nên sự bật hồi của thị trường là VIC và VHM giúp VN-Index hãm đà rơi, lấy lại được ngưỡng 1.155 điểm, dù có lúc đã về dưới 1.145 điểm.
Tuy nhiên, VN-Index không tránh khỏi phiên giảm điểm khi nhóm sức ép từ nhóm ngân hàng còn rất lớn, phần lớn lùi về vùng giá thấp nhất trong ngày. Cụ thể, TCB giảm 5,2%, TPB giảm 4,1%, VPB giảm 3,8%, HDB giảm 3,4%, VCB giảm 2,7%…
Nhóm cổ phiếu chứng khoán phần lớn đều giao dịch dưới mốc tham chiếu, thậm chí FTS giảm sàn, HCM giảm sát sàn. Tuy nhiên, SSI là điểm sáng đi ngược xu hướng chung thành công khi kết phiên tăng 1,2% và là mã giao dịch sôi động nhất thị trường với hơn 26 triệu đơn vị khớp lệnh.
Nhóm cổ phiếu thép cũng chìm trong sắc đỏ, với HPG giảm 1,8%, HSG giảm 2,2%, NKG giảm 1,1%, TLH giảm 2,1%... Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, HAG ấn tượng trong sắc tím, một số mã khác như TNI, TSC, VPH, DBC, JVC, DAT cũng đóng cửa tăng kịch trần…
Sàn HNX có 68 mã tăng và 116 mã giảm, HNX-Index giảm 0,87 điểm, âm 0,31% xuống còn 276,93 điểm. Thanh khoản đạt 56,37 triệu đơn vị, giá trị 1.092,16 tỷ đồng. UpCoM-Index giảm 0,71 điểm, âm 0,82%, xuống 86,25 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 26,3 triệu đơn vị, giá trị 467,76 tỷ đồng.
Tại Talkshow Chọn danh mục kỳ 11, chuyên gia cao cấp Chiến lược đầu tư Trung tâm Phân tích và Tư vấn đầu tư, Công ty Chứng khoán SSI (SSI Research) Nguyễn Trọng Đình Tâm, đã phân tích câu chuyện lạm phát cũng cần phân tích hành vi của người tiêu dùng.
Khi lạm phát bắt đầu ảnh hưởng nhiều đến rổ hàng hoá của người tiêu dùng thì họ thường có xu hướng kiểm soát chi tiêu. Đầu tiên, ở cấp độ 1 là săn hàng khuyến mãi nhiều hơn. Cấp độ 2 là xu hướng chuyển từ tiêu dùng hàng cao cấp và trung cấp sang hàng hoá vừa túi tiền. Cấp độ 3 là bắt đầu cắt giảm chi tiêu hàng hoá nếu giá tăng mạnh, nhưng sự cắt giảm này sẽ phụ thuộc vào mức độ thiết yếu của hàng hoá.
Tất nhiên, lạm phát sẽ gây nên những nhịp chững lại về mặt tăng trưởng của tiêu dùng nội địa, nhưng kinh tế đang dần hồi phục sẽ bù đắp lại ảnh hưởng này. Ông Nguyễn Trọng Đình Tâm nhìn nhận: “Cổ phiếu bán lẻ vẫn sẽ có những câu chuyện rất hay về mặt tăng trưởng dài hạn trong 2 - 3 năm tới”. Theo đó, nhà đầu tư nên tập trung vào những doanh nghiệp đầu ngành, có khả năng duy trì tốc độ tăng trưởng trong cả năm 2022 và 2023.
Cổ phiếu ngành bán lẻ được kỳ vọng sẽ tăng trong dài hạn. (Ảnh minh họa) |
Cũng tại Talkshow, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Thế giới số (Digiworld) Đoàn Hồng Việt, cho biết, nửa đầu năm 2022, Digiworld đạt doanh thu 11.810 tỷ đồng, tăng 28% và lãi sau thuế 351 tỷ đồng, tăng 57% so với cùng kỳ năm trước.
So với kế hoạch cả năm, Công ty đã thực hiện được 45% chỉ tiêu đề ra. Thông thường, kết quả đạt được nửa đầu năm chiếm dưới 40% kế hoạch cả năm nên Digiworld tự tin sẽ đạt được mục tiêu kinh doanh năm 2022 là doanh thu 26.300 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 800 tỷ đồng…
Ông Đoàn Hồng Việt tin rằng, nhu cầu tiêu dùng nội địa giai đoạn cuối năm nay sẽ tốt hơn, kinh tế vĩ mô dần tốt hơn với mức tăng trưởng GDP cao và việc làm quay trở lại, giúp thu nhập của người dân cao hơn.
Lãnh đạo Digiworld đánh giá, lạm phát ở Việt Nam hiện không cao, chỉ khoảng 2 - 3%, nên không ảnh hưởng nhiều đến sức cầu tiêu dùng trong nước, các ngành hàng mà Công ty đang kinh doanh không có sự thay đổi đáng kể. Đối với các ngành kinh doanh khác, lạm phát có tác động rõ nét hơn thì nhu cầu tiêu dùng sẽ ít đi.
Bên cạnh đó, Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDS) Nguyễn Thị Phương Lam nhận định, những ngành sẽ có triển vọng tăng trưởng lợi nhuận cao trong quý II/2022 được liệt kê như hàng tiêu dùng (thủy sản, F&B), dịch vụ tiêu dùng (bán lẻ), công nghệ thông tin, tiện ích (điện, nước), nguyên vật liệu (hóa chất), công nghiệp (logistics) sẽ tiếp tục thu hút dòng tiền.
Mặc dù, xu hướng tích cực về giá của những cổ phiếu thuộc các ngành trên có thể tiếp diễn cho tới khi những con số về lợi nhuận quý II/2022 được công bố, nhưng VDS cũng nhận thấy áp lực chốt lời ngắn hạn tăng lên đáng kể.
Do đó, nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu nên cân nhắc thời điểm chốt lời phù hợp đối với các mã đã có đà tăng giá mạnh mà không được hỗ trợ một cách chắc chắn bởi triển vọng lợi nhuận các quý tiếp theo, hoặc các cổ phiếu có mặt bằng định giá cao hơn đáng kể so với trung bình trong quá khứ.
Bình luận