Công nhân mất việc dịp giáp Tết: Cần giải quyết quyền lợi, tạo việc làm mới
Đề xuất tăng giá điện: Gia đình công nhân lo lắng vì phát sinh chi phí Doanh nghiệp “khát” đơn hàng, công nhân lâm vào cảnh mất việc |
Hàng nghìn công nhân Công ty TNHH An Giang Samho đang đứng trước nguy cơ mất việc djp giáp Tết. Trong ảnh là buổi khám sức khoẻ cho người lao động Công ty TNHH An Giang Samho do LĐLĐ tỉnh An Giang hỗ trợ. Ảnh: L.T |
Khó càng thêm khó
Với người lao động (NLĐ) làm việc tại các Khu công nghiệp, bị mất việc vào thời điểm năm hết, Tết đến là sự khó khăn không gì đong đếm được. Mất việc, gánh nặng cơm áo càng nặng trĩu hơn.
Vợ chồng anh L.T.T (huyện Châu Thành) cùng nhận thông báo nghỉ việc từ 1.12.2022. Vậy là, chỉ chưa đầy 1 tháng nữa, gia đình bị mất nguồn thu nhập chính, tích lũy gần như không có. “Vợ chồng tôi trước đây làm công nhân ở Bình Dương. Sau thời gian bị ảnh hưởng của dịch COVID-19 phải về quê rồi vào làm tại Công ty TNHH An Giang Samho nên chưa tích luỹ được nhiều” - anh T. chia sẻ.
Đáng lo hơn, đây không phải là trường hợp cá biệt. Ông Nguyễn Hữu Giang, Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh An Giang cho biết, tại buổi làm việc mới đây giữa đại diện cơ quan chức năng tỉnh, địa phương và lãnh đạo công ty, đại diện NLĐ đã phản ánh có trường hợp 2 chị em ruột cùng nhận được nhận thông báo nghỉ việc. Nhiều NLĐ thuộc hộ nghèo, mẹ đơn thân phải nuôi con nhỏ… cũng đang chới với vì nhận tin mất việc.
Trước tình hình cùng lúc đó đến trên 5.300 NLĐ bị mất việc làm vào thời điểm cuối năm, theo chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh An Giang, các cơ quan chức năng vận động, hướng dẫn lãnh đạo công ty áp dụng các chính sách hỗ trợ NLĐ đã gắn bó, trong đó có NLĐ thuộc diện đặc biệt, như: Giữ lại 1 LĐ khi gia đình có vợ (chồng), hoặc anh (chị, em ruột) cùng trong diện xét cho nghỉ việc và hoãn áp dụng nghỉ việc với NLĐ thuộc gia đình có Sổ hộ nghèo, có chính sách hỗ trợ NLĐ làm việc chưa đủ 12 tháng… Tuy nhiên, theo lãnh đạo công ty, do tình tài chính rất khó khăn nên rất khó áp dụng hỗ trợ ngoài quy định pháp luật.
Cơ quan chức năng tỉnh An Giang cho rằng, vấn đề đáng lo hơn là NLĐ mất việc khó được hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp. Theo Bảo hiểm xã hội tỉnh An Giang, đến nay, Công ty TNHH An Giang Samho đang nợ trên 33 tỉ đồng nên nhiều NLĐ không được chốt sổ bảo hiểm.
Hơn 4.000 công nhân mất việc, giảm giờ làm
Theo số liệu tổng hợp chưa đầy đủ của Công đoàn Các khu công nghiệp tỉnh Long An, đã có hơn 4.100 công nhân lao động (CNLĐ) tại hơn 17 doanh nghiệp trong các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Long An bị chấm dứt hợp đồng lao động hoặc giảm giờ làm việc. Nguyên nhân do đơn vị bị giảm đơn hàng trong thời điểm năm cũ sắp đến, năm mới gần kề. Trong đó có hơn 1.000 CNLĐ bị chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn và hơn 3.100 người bị giảm thời gian làm việc.
Doanh nghiệp có số CNLĐ bị chấm dứt hợp đồng lao động nhiều nhất là Công ty Cổ phần Del Tech (khu công nghiệp Phúc Long, huyện Bến Lức) với hơn 700 người. Đơn vị có CNLĐ bị giảm giờ làm nhiều nhất là Công ty TNHH Yujin Kreves (khu công nghiệp Hòa Bình, huyện Thủ Thừa) với hơn 720 người. Có gần 170 CNLĐ bị mất việc hoặc giảm giờ làm là CNLĐ nữ đang có thai hoặc nuôi con nhỏ. Trong số những CNLĐ bị mất việc làm nói trên, có 760 người đang bị doanh nghiệp nợ tiền bảo hiểm xã hội tổng cộng khoảng 3,6 tỉ đồng.
Bà Bùi Thị Ngọc Trang - Chủ tịch Công đoàn Các khu công nghiệp tỉnh Long An - cho biết, tổ chức Công đoàn đang phối hợp cùng các ngành chức năng và các địa phương hướng dẫn cho doanh nghiệp làm phương án sử dụng lao động và thanh toán đầy đủ các chế độ cho CNLĐ bị mất việc theo quy định khi cắt giảm lao động. Đồng thời Công đoàn Các khu công nghiệp cũng dành nguồn kinh phí hoạt động và vận động xã hội hóa để lo cho số CNLĐ không may bị mất việc sao cho họ cũng có Tết trong dịp năm mới sắp đến.
Ông Nguyễn Văn Quí - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Long An - thông tin thêm, sau thời gian sản xuất bị gián đoạn do dịch bệnh COVID-19 ở tỉnh Long An, các doanh nghiệp đã nhanh chóng phục hồi sản xuất trong điều kiện bình thường mới và hầu hết đang hoạt động ổn định, CNLĐ có việc làm bình thường. Số CNLĐ bị ảnh hưởng việc làm vào dịp cuối năm không nhiều, chỉ chiếm hơn 1% tổng số CNLĐ trong tỉnh. Ngoài phần chăm lo của Công đoàn Các khu công nghiệp, LĐLĐ tỉnh Long An cũng đã chuẩn bị 30 nghìn phần quà cho người lao động khó khăn trong dịp Tết sắp tới, mỗi phần quà 800 nghìn đồng, trong đó ưu tiên cho hơn 4 nghìn CNLĐ bị mất việc hoặc ảnh hưởng việc làm do các doanh nghiệp không có đơn hàng trong năm 2022. Bên cạnh đó, LĐLĐ tỉnh cũng chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng giám sát, hướng dẫn lãnh đạo công ty áp dụng các chính sách hỗ trợ CNLĐ bị nghỉ việc một cách thấu tình, đạt lý.
Theo báo cáo của các CĐCS, việc chốt bảo hiểm thất nghiệp của CNLĐ bị mất việc vẫn còn vướng do một số doanh nghiệp còn nợ bảo hiểm xã hội. Tuy nhiên, số này không nhiều và các doanh nghiệp đều cam kết sẽ đóng đủ số tiền đã nợ bảo hiểm xã hội để người lao động bị mất việc bớt khó khăn.
Theo
/laodong.vn
Bình luận