Bổ sung đối tượng được vay vốn đi làm việc ở nước ngoài Các ngân hàng phấn đấu giảm 1-2%/năm lãi suất cho vay

Đại biểu Nguyễn Văn Thân (Đoàn tỉnh Thái Bình) nhìn nhận, Việt Nam Airlines là đơn vị của Nhà nước, là “con đẻ” và là thương hiệu của quốc gia, cho nên bây giờ lỗ thì phải đầu tư.

Tuy nhiên, dẫn thông tin cho biết qua kiểm toán, Vietjet lãi 600 tỉ đồng, đại biểu đặt câu hỏi, tại sao Vietnam Airlines cứ lỗ, trước Covid-19 cũng lỗ, trong Covid-19 cũng lỗ, đến bây giờ vẫn lỗ?

“Giả sử như bây giờ chúng ta cấp tiếp tục lỗ thì sao. Câu hỏi dứt khoát phải đặt ra và chúng ta phải căn cơ, thấu đáo để có bài toán, bây giờ báo lỗ xong lại lấy tiền ra đưa xong lại lỗ tiếp thì nguy hiểm quá.

Đại biểu đồng ý gia hạn khoản vay nhưng phải làm rõ vì sao Vietnam Airlines cứ lỗ
Đại biểu Nguyễn Văn Thân (Đoàn tỉnh Thái Bình). (Ảnh: Quốc hội)

Phải nghiên cứu một cách thấu đáo là tại sao lỗ, nguyên nhân từ đâu? Nếu chúng ta không có lời giải này thì rất nguy hiểm và hệ lụy về sau thì không lường được”, đại biểu đoàn Thái Bình phân tích.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV đã đồng ý cho phép Ngân hàng Nhà nước thực hiện tái cấp vốn, gia hạn không quá hai lần.

Tuy nhiên, năm 2021, do ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, Vietnam Airlines tiếp tục lỗ nặng trên 11.800 tỉ đồng và năm 2022 lỗ tiếp 8.841 tỉ đồng. Năm 2023 kế hoạch dự kiến là lãi nhưng cuối cùng tiếp tục lỗ 4.789 tỉ đồng. Như vậy, qua bốn năm Vietnam Airlines lỗ trên 32.000 tỉ đồng.

Với tình hình này, nếu không cho Vietnam Airlines gia hạn nợ thì sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình thanh khoản, đến khả năng duy trì hoạt động cũng như có khả năng phá sản.

Đại biểu đồng ý gia hạn khoản vay nhưng phải làm rõ vì sao Vietnam Airlines cứ lỗ
Đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh). (Ảnh: Quốc hội)

Để bảo vệ thương hiệu quốc gia và đặc biệt là vốn nhà nước tại Vietnam Airlines, đại biểu đề nghị Quốc hội cho gia hạn nợ không quá 3 lần. Đồng thời, đề nghị với Chính phủ, Ủy ban Quản lý vốn cũng như Vietnam Airlines phải tái cơ cấu lại nợ và giảm nợ ngắn hạn.

“Trong ngày hôm nay và ngày hôm qua khi chúng ta thảo luận tổ thì giá cổ phiếu của Vietnam Airlines đã tăng thêm, như vậy vốn hóa của công ty Vietnam Airlines tăng thêm 3 nghìn tỷ đồng và hiện nay vốn hóa đã lên tới 3 tỷ USD, khi chúng ta có giải pháp này và việc phát hành cổ phiếu ở thời điểm này rất thuận lợi. Ngay tại thời điểm này giá cổ phiếu Vietnam Airlines là 34.350 đồng, tức là gấp 3 lần so với mệnh giá.

Thứ hai, chúng ta phải tạo điều kiện cho Vietnam Airlines phát hành trái phiếu doanh nghiệp để thay thế cho nguồn vốn ngắn hạn hiện nay”, đại biểu Trần Hoàng Ngân nói.

Đại biểu Đặng Bích Ngọc (Đoàn tỉnh Hòa Bình) nhất trí nhất trí với đề xuất của Chính phủ về phương án gia hạn trả nợ đối với khoản vay tái cấp vốn. Tuy nhiên, đại biểu nhìn nhận, đây chỉ là giải pháp ngắn hạn giúp cho Vietnam Airlines tạm thời có dòng tiền ổn định, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh trong một thời gian ngắn.

Đại biểu đồng ý gia hạn khoản vay nhưng phải làm rõ vì sao Vietnam Airlines cứ lỗ
Đại biểu Đặng Bích Ngọc (Đoàn tỉnh Hòa Bình). (Ảnh: Quốc hội)

Theo nữ đại biểu, các giải pháp tái cơ cấu tài chính nguồn vốn, tăng vốn điều lệ, thoái vốn tại các doanh nghiệp thành viên mới là các giải pháp căn cơ, giải quyết được hai mục tiêu cho Vietnam Airlines, đó là vừa có dòng tiền để xử lý thâm hụt dòng tiền, vừa có thu nhập để xử lý vấn đề âm vốn chủ sở hữu.

Khi năng lực tài chính được cải thiện, Vietnam Airlines sẽ có nguồn lực dài hạn để khơi thông các dự án đầu tư trọng điểm, tạo nền tảng vững chắc để doanh nghiệp phát triển bền vững.

Tuy nhiên, theo báo cáo của Chính phủ, đề án tổng thể sớm phục hồi và phát triển bền vững của Vietnam Airlines được xây dựng từ đầu năm 2021 đến nay vẫn chưa được phê duyệt, nguyên nhân do nhiều vướng mắc, bất cập giữa một số văn bản quy phạm pháp luật.

Chính vì vậy, đại biểu Đặng Bích Ngọc đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan làm rõ các vướng mắc pháp luật và có đề xuất, kiến nghị với các cấp có thẩm quyền phương án xử lý cụ thể, yêu cầu Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Vietnam Airlines nhanh chóng hoàn thiện báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt đề án tổng thể để làm căn cứ triển khai thực hiện ngay trong năm 2024.

Đồng thời, đề nghị Vietnam Airlines tiếp tục nghiên cứu thực hiện các giải pháp, cơ cấu lại tổ chức doanh nghiệp, rà soát tất cả các quy trình hoạt động của từng khâu để cắt giảm tối đa chi phí nhưng vẫn đảm bảo an toàn bay và tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ hàng không.