Đâu là nguyên nhân khiến giá thịt lợn trên thị trường giảm mạnh?
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dẫn số liệu của Tổng cục Hải quan cho hay, trong tháng 1/2023, Việt Nam nhập khẩu 35,44 nghìn tấn thịt và các sản phẩm từ thịt, trị giá 74,13 triệu USD, giảm 45,7% về lượng và giảm 45,4% về trị giá so với tháng 12/2022; so với tháng 1/2022 giảm 34% về lượng và giảm 35% về trị giá.
Riêng mặt hàng thịt lợn, trong tháng 1/2023, Việt Nam nhập khẩu 4,91 nghìn tấn thịt lợn tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh, trị giá 11,57 triệu USD, giảm 65,2% về lượng và giảm 66,5% về trị giá so với tháng 12/2022; so với tháng 1/2022 giảm 54,1% về lượng và giảm 50,9% về trị giá.
![]() |
Giá thịt lợn trong nước giảm mạnh một phần là do nguồn cung trong nước ổn định. |
Ghi nhận của phóng viên trong tháng 2/2023, giá lợn hơi tại các tỉnh, thành phố trên cả nước vẫn khá trầm lắng, giá dao động trong khoảng 48.000 - 53.000 đồng/kg, giảm từ 1.000 - 3.000 đồng/kg so với cuối tháng 1/2023.
Thời điểm hiện tại, giá thịt lợn hơi tại khu vực miền Bắc dao động trong khoảng 48.000 - 49.000 đồng/kg; tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên, giá lợn hơi dao động trong khoảng 47.000 - 52.000 đồng/kg; tại khu vực miền Nam, giá lợn hơi dạo động trong khoảng từ 50.000 - 53.000 đồng/kg.
Trong bối cảnh nguồn cung trong nước dồi dào, giá thịt lợn trong nước vẫn đứng ở mức thấp trong một thời gian dài. Nhiều ý kiến cho rằng, thịt lợn nhập khẩu là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến giá thịt lợn tại thị trường trong nước.
Đề cập đến vấn đề này, ông Vũ Vinh Phú, nguyên Phó Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội cho rằng, lượng nhập khẩu thịt lợn trung bình chỉ rơi vào khoảng 3 - 4% và thời kỳ cao điểm nhất là khoảng 7% so với tổng sản lượng sản xuất thịt lợn cả nước.
Đây là con số khá nhỏ và không đủ sức để tác động lên giá lợn hơi và giá thịt lợn thành phầm trong nước. Bên cạnh đó, thịt lợn nhập khẩu phần lớn không bán ngoài thị trường mà chủ yếu nhập về để chế biến. Do đó, quan điểm nhập khẩu thịt lợn về đã tác động phá giá thịt lợn ở Việt Nam là hoàn toàn sai. Việc này cũng tương tự đối với thịt gà và các loại thịt khác.
Mặt khác, thị trường bây giờ đã mở, chúng ta cũng không thể can thiệp bằng các biện pháp hành chính như cấm nhập khẩu vì những sản phẩm này không có hạn ngạch. Thậm chí, có thời điểm khi giá lợn hơi trong nước lên 100.000 đồng/kg, nhập khẩu thịt lợn là giải pháp để chúng ta hạ nhiệt giá lợn trong nước.
Cũng đồng quan điểm trên, các chuyên gia kinh tế cho rằng, nguyên nhân giá lợn hơi giảm thời gian gần đây đến từ nguồn cung trong nước vẫn ổn định; tỷ lệ thất nghiệp gia tăng đã ảnh hưởng đến thu nhập của người dân, dẫn đến thắt chặt chi tiêu; dịch tả lợn châu Phi bùng phát gần đây khiến hộ chăn nuôi nhỏ lẻ phải bán tháo lợn với số lượng lớn gây dư thừa nguồn cung trên thị trường.
Ngoài ra, sau dịch Covid-19 xu hướng người tiêu dùng quan tâm đến sức khỏe ngày càng tăng cao. Đặc biệt, người tiêu dùng cho rằng, sức khoẻ tốt bắt nguồn từ thực phẩm tốt nên nhiều người đã có sự thay đổi trong lựa chọn loại đạm tiêu thụ. Do đó, thịt chứa nhiều cholesterol dần không còn là lựa chọn hàng đầu.
Theo báo cáo của Công ty Nghiên cứu thị trường Ipsos Việt Nam, những năm gần đây thịt gà được người dân tiêu thụ nhiều hơn. Năm 2021, lượng thịt gà tiêu thụ là 17,8 kg/người, năm 2022 tăng lên 18,3kg. Trong khi đó, lượng tiêu thụ thịt lợn ở mức 24,5 kg/người, thấp hơn nhiều so với năm 2018 là 31,4 kg.
Câu hỏi đặt ra là, bao giờ giá lợn trong nước phục hồi trở lại? Theo dự báo, chăn nuôi lợn trong năm 2023 sẽ tiếp tục gặp khó khăn. Các doanh nghiệp chăn nuôi lớn cho rằng, phải đến đầu quý II/2023, nền kinh tế mới phục hồi dần và tăng tốc trở lại từ quý III/2023. Khi đó, hoạt động của các doanh nghiệp đi vào ổn định, việc làm và thu nhập của người lao động mới được cải thiện trở lại giúp sức tiêu thụ bật tăng trở lại.
Bình luận