Guồng máy xuất khẩu của Việt Nam đang tăng tốc Chuyên gia: Con tôm Việt Nam có rất nhiều cơ hội xuất khẩu Tìm cơ hội xuất khẩu nông sản sang Bắc Âu
Nhiều nhà vườn ở Bình Phước cơ giới hóa nhằm giảm chi phí, tăng năng suất lao động.
Nhiều nhà vườn ở Bình Phước cơ giới hóa nhằm giảm chi phí, tăng năng suất lao động.

Bình Phước nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm phía nam, có diện tích lớn nhất vùng Đông Nam Bộ; trong đó, đất nông nghiệp khoảng 600 nghìn ha; đất trồng cây lâu năm, cây ăn quả 429 nghìn ha. Bình Phước là mảnh đất nằm cuối dải Trường Sơn hùng vĩ, là địa bàn chuyển tiếp giữa vùng Tây Nguyên và Đông Nam Bộ nên địa hình dốc thoải, phần lớn diện tích là đất đỏ bazan màu mỡ.

Nơi đây có con sông Bé, thượng nguồn sông Đồng Nai và thượng nguồn sông Sài Gòn với lưu vực lớn. Bình Phước cũng đã đầu tư xây dựng hàng trăm hồ, đập lớn nhỏ phân bố trên khắp địa bàn tỉnh... Nhờ đó, nguồn nước phục vụ nông nghiệp khá dồi dào, đáp ứng nhu cầu tưới tiêu cho các vườn cây ăn quả trong mùa khô.

Với ba lợi thế để phát triển nông nghiệp: đất đai, khí hậu, nguồn nước, Bình Phước được biết đến là "thủ phủ" của cây điều với diện tích hơn 140 nghìn ha, chiếm gần 50% diện tích và hơn 54% sản lượng điều của cả nước. Hằng năm, tỉnh xuất khẩu hạt điều đạt gần một tỷ USD sang các thị trường khó tính. Bình Phước còn được biết đến là vùng đất trồng cao-su lâu đời nhất.

Trong lịch sử đấu tranh của dân tộc, Bình Phước được ghi dấu bởi phong trào đấu tranh của công nhân đồn điền cao-su Phú Riềng trong những năm 1930-1931. Hiện diện tích cao-su của tỉnh Bình Phước đạt 246 nghìn ha, đứng tốp đầu cả nước.

Tuy cây công nghiệp của Bình Phước chiếm hơn 90% diện tích đất nông nghiệp nhưng đóng góp cho ngân sách của tỉnh khá thấp. Chính vì vậy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Phước đã nhanh chóng tìm giải pháp và đưa ra định hướng phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp sạch, gắn với công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ. Trong đó, phát triển mạnh nông nghiệp sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nhằm nâng cao năng suất, giá trị sản phẩm nông nghiệp, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và quốc tế.

Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước Nguyễn Mạnh Cường khẳng định: Trước hết các cấp, các ngành cần định hướng xây dựng, phát triển, hướng tới mỗi xã một sản phẩm OCOP, tổ chức hỗ trợ liên kết chuỗi tiêu thụ sản phẩm cho các trang trại, hợp tác xã; bình chọn và tôn vinh sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu, nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, hợp tác xã nông nghiệp tiêu biểu xuất sắc; xây dựng các mô hình "Nông dân bảo vệ môi trường"; mô hình điểm "nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ thông tin trong cán bộ, hội viên nông dân", "phân loại và xử lý rác hữu cơ làm phân bón tại hộ gia đình"…

Hiện nay, tỉnh Bình Phước đang đẩy mạnh phong trào "Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững". Đồng thời, tôn vinh sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu, các sản phẩm có chất lượng, có tiềm năng phát triển để giới thiệu, quảng bá sản phẩm nông sản Bình Phước. Bên cạnh đó, tổ chức cho nông dân tham quan học tập kinh nghiệm và xây dựng các mô hình điểm để nhân rộng; xây dựng và triển khai thực hiện các dự án liên kết phát triển sản xuất theo nhóm hộ.

Tỉnh chú trọng hỗ trợ các mô hình đạt chứng nhận đạt chuẩn VietGAP, GlobalGAP; chứng nhận hữu cơ; hỗ trợ phát triển nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp, chỉ dẫn địa lý; hỗ trợ áp dụng công nghệ mới để nâng cao hiệu quả hoạt động truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm đạt chuẩn. Đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm, kết nối cung cầu.

Trước khi được cấp mã vùng xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc, thương hiệu sầu riêng Bàu Nghé của Hợp tác xã cây ăn quả Bàu Nghé (xã Phước Tín, thị xã Phước Long) khá nổi tiếng và đã có mặt trong các hệ thống siêu thị của Việt Nam. Sầu riêng Bàu Nghé đang được người nông dân "chuyên nghiệp hóa" quy trình bảo quản, vận chuyển, đóng gói.

Đến nay Hợp tác xã cây ăn quả Bàu Nghé chuyên canh 150ha sầu riêng, hằng năm cung cấp khoảng 1-1,2 nghìn tấn sầu riêng ra thị trường. Đặc biệt, sầu riêng từ vườn được đưa vào dây chuyền chế biến chuyên sâu. Các sản phẩm sầu riêng Bàu Nghé cũng khá đa dạng: sầu riêng đông lạnh nguyên trái, tách vỏ, sấy khô, kem sầu riêng…

Ông Trương Văn Đảo (thành viên Hợp tác xã cây ăn quả Bàu Nghé) là một trong những hộ trồng sầu riêng đầu tiên ở thôn Bàu Nghé giới thiệu chúng tôi đi xem vườn sầu riêng hàng chục năm tuổi vẫn xanh tốt và trĩu quả. Ông Đảo nói: Thiên nhiên khá ưu đãi Bình Phước, đặc biệt là thôn Bàu Nghé. Bởi nơi đây có vùng đất đỏ bazan màu mỡ và chứa một lượng lưu huỳnh cao làm cho thịt sầu riêng rất khác biệt không nơi nào có được. Sầu riêng ở Bình Phước cơm ráo, mầu sắc vàng nhẹ bắt mắt, ngọt bùi ăn mãi không chán.

Hợp tác xã cây ăn quả Nông Thành Phát (ấp Đồng Tiến, xã Phước Tân, huyện Phú Riềng) có 30 thành viên trồng 70ha sầu riêng. Mới đây, sầu riêng của hợp tác xã đã được phê duyệt mã số vùng trồng và xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc. Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Hợp tác xã cây ăn quả Nông Thành Phát Nguyễn Xuân Hòa chia sẻ: "Sau bốn năm nỗ lực xây dựng vùng nguyên liệu sạch, nay đã có kết quả như mong đợi. Thành viên hợp tác xã phấn khởi vì trái sầu riêng mình trồng được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc. Từ nay, toàn bộ sầu riêng của hợp tác xã không còn cảnh bị thương lái ép giá hoặc điệp khúc "được mùa, mất giá" như trước đây. Đây cũng chính là động lực để nông dân cùng nhau cố gắng, quyết tâm duy trì bền vững".

Song song với việc liên kết nông dân trong sản xuất thành những vùng chuyên canh cây ăn quả với số lượng lớn, hướng đến xuất khẩu, nông dân Bình Phước cũng áp dụng công nghệ vào sản xuất nhằm tiết kiệm chi phí. Cụ thể, tại trang trại Thiên Nông (thôn Cây Da, xã Phú Văn, huyện Bù Gia Mập) có diện tích 50ha, phân bổ: 30ha trồng cao-su, 8ha tiêu và 12ha cây bơ, nhưng trang trại rất ít nhân công.

Chủ trang trại Thiên Nông Đặng Dương Minh Hoàng cho biết: Trang trại ít nhân công vì việc tưới nước, bón phân, theo dõi cây trồng đều thao tác trên điện thoại. Anh Hoàng chia sẻ, mình là kỹ sư có 10 năm kinh nghiệm ở Pháp. Khi về Việt Nam đã cùng nhóm bạn nghiên cứu và đưa vào sử dụng app AutoAgri - ứng dụng giúp người nông dân có thể theo dõi toàn bộ vườn của mình thông qua thiết bị thông minh. Gốc cây được bố trí bộ cảm biến cung cấp thông tin về độ ẩm, nhiệt độ, dinh dưỡng của đất để chủ vườn điều chỉnh cho phù hợp.

Cũng qua app AutoAgri, quá trình trồng, chăm sóc và thu hoạch đều được lưu giữ trên hệ thống, giúp khách hàng truy xuất được nguồn gốc nông sản. Đến nay, anh Hoàng đã chuyển giao công nghệ cho nhiều hộ dân trong vùng chuyên canh cây ăn quả với quy mô lớn. Cùng với ứng dụng khoa học-công nghệ vào sản xuất, chế biến nông sản, nhiều nông dân Bình Phước cũng đã ứng dụng các nền tảng số để thúc đẩy trao đổi hàng hóa trên sàn thương mại điện tử, nhằm đáp ứng xu hướng lựa chọn hình thức mua sắm trực tuyến tăng mạnh.

Ông Trần Mạnh Cường (ấp Cầu Rạt, xã Tân Phước, huyện Đồng Phú) cho biết: So với các phương thức tiêu thụ truyền thống, rõ ràng, kênh bán hàng trực tuyến thông qua các sàn thương mại điện tử đã giúp nông dân giới thiệu, quảng bá, tìm kiếm bạn hàng, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm trên khắp mọi miền đất nước một cách nhanh nhất; nhất là bỏ bớt khâu trung gian, tránh được tình trạng bị thương lái ép giá.

Với lợi thế về đất đai, khí hậu, nguồn nước và những định hướng đúng đắn, nền nông nghiệp Bình Phước đã, đang phát triển thuận lợi theo hướng nông nghiệp sạch, gắn với công nghiệp chế biến, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Đến nay Bình Phước đã có năm vùng trồng sầu riêng được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc. Không chỉ sầu riêng, trong tương lai gần, những sản phẩm nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ như bưởi, quýt đường, bơ, chuối… trên địa bàn tỉnh Bình Phước cũng sẽ đi xa hơn, đến những thị trường khó tính hơn, đời sống của người nông dân Bình Phước cũng sẽ không ngừng nâng cao hơn.

Theo Nhất Sơn/nhandan.vn

https://nhandan.vn/day-manh-canh-tac-cay-an-qua-theo-huong-phuc-vu-xuat-khau-post719279.html