Thúc đẩy chuyển đổi số trong triển khai hoạt động đối ngoại Cần thay đổi tư duy, nhận thức về chuyển đổi số Đổi mới sáng tạo vì một Việt Nam thịnh vượng

Trong đó, công tác truyền thông, quảng bá du lịch Việt Nam trên nền tảng số cũng có những bước tiến, tạo sự chú ý, đổi mới trong cách mọi người nhận thức và nắm bắt thông tin, dịch vụ mà ngành Du lịch cung cấp.

Theo trang similarweb.com (chuyên trang đánh giá, xếp hạng website trên toàn thế giới), tháng 9/2022, website vietnam.travel của Tổng cục Du lịch tăng hạng mạnh trên thế giới, xếp hạng #166.985 trên toàn cầu. Đây là website chính thức của Tổng cục Du lịch quảng bá du lịch Việt Nam ra thế giới.

Đây là bước tiến đột phá so với thời điểm cách đây 1 năm, xếp hạng của website vào tháng 9/2021 là #458.550. Mức tăng hạng trong 1 năm qua là 291.565 bậc.

Đẩy mạnh chuyển đổi số trong quảng bá du lịch Việt Nam
Vietnam.travel, website chính thức của Tổng cục Du lịch quảng bá du lịch Việt Nam ra thế giới.

Tại khu vực Đông Nam Á, website vietnam.travel của Việt Nam hiện xếp thứ 4, sau website du lịch Singapore (hạng #77.424), Indonesia (hạng #90.622) và Thái Lan (hạng #140.545); cao hơn rất nhiều so với Philippines (hạng #547.764) và Malaysia (hạng #985.532).

Về mức tăng hạng trong 1 năm qua, website vietnam.travel của Việt Nam có mức tăng tốt nhất (tăng 291.565 bậc), lớn hơn rất nhiều so với Indonesia (tăng 87.225 bậc), Singapore (tăng 80.016 bậc), Thái Lan (giảm 7.570 bậc). Điều này cho thấy sức hấp dẫn của du lịch Việt Nam trong mắt du khách quốc tế, cũng như bước tiến mới trong công tác truyền thông trên nền tảng số của du lịch Việt Nam.

Bên cạnh đó, hoạt động chuyển đổi số diễn ra sôi nổi trong ngành Du lịch với tâm điểm là kỷ niệm ngày Chuyển đổi số quốc gia 10/10 và nhiều hoạt động đa dạng như Hội nghị - Hội thảo “Chuyển đổi số ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch” và Hội thảo khoa học “Tuyển sinh và đào tạo lĩnh vực Văn hóa nghệ thuật, Thể dục thể thao và Du lịch năm học 2022-2023” của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Tọa đàm “Thị trường du lịch giải trí và Chuyển đổi số trong du lịch” của Đại học Kinh tế quốc dân; Hội thảo “Giải pháp phát triển thị trường khách du lịch quốc tế đến Khánh Hòa và các tỉnh khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên” do Sở Du lịch Khánh Hòa tổ chức...

Các hội nghị, hội thảo đều nhấn mạnh tầm quan trọng của thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành Du lịch góp phần thúc đẩy du lịch phục hồi và phát triển, hỗ trợ nâng cao công tác quản lý và đào tạo nhân lực, nâng cao hiệu quả công tác quản lý và vận hành khu, điểm du lịch, gia tăng trải nghiệm cho du khách…

Với vai trò là cơ quan quản lý du lịch quốc gia, Tổng cục Du lịch đã tập trung vào các giải pháp để chuyển đổi số ở Việt Nam như: Xây dựng các nền tảng số phục vụ quản lý và phát triển ngành như hệ thống Cơ sở dữ liệu Du lịch Việt Nam, hệ thống kết nối thông tin giữa cơ quan quản lý ở trung ương, địa phương và doanh nghiệp, ứng dụng Quản trị và Kinh doanh du lịch;

Ứng dụng công nghệ số hỗ trợ khách du lịch, phát triển điểm đến du lịch thông minh, trong đó tập trung phát triển ứng dụng Du lịch Việt Nam - Vietnam Travel, Thẻ Việt - Thẻ du lịch thông minh, hệ thống vé điện tử, Trang vàng du lịch Việt Nam, cùng hệ sinh thái các tiện ích công nghệ hỗ trợ hoạt động du lịch;

Đẩy mạnh truyền thông, xúc tiến, quảng bá du lịch Việt Nam trong và ngoài nước trên các nền tảng số; Chuyển đổi số gắn kết với hướng dẫn thực hiện Tiêu chuẩn du lịch ASEAN; Hỗ trợ các địa phương triển khai chuyển đổi số trong công tác quản lý và phát triển du lịch, xúc tiến quảng bá, thống kê du lịch; Hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo…

Về kết quả đón khách du lịch, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong tháng 10/2022, Việt Nam đón 484,4 nghìn lượt khách quốc tế, tăng 12,1% so với tháng trước. Tính chung 10 tháng đầu năm 2022 có trên 2,3 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam.

Trong đó, khách đến từ Hàn Quốc nhiều nhất với 619,6 nghìn lượt, tương đương 26,3%, tiếp theo là Mỹ với 218,2 nghìn lượt, chiếm 9,3%. Đặc biệt, thị trường Ấn Độ có mức tăng ấn tượng: tháng 10/2022, Việt Nam đón 20.681 khách từ Ấn Độ, tăng 38% so với tháng trước và cao hơn 25,8% so với cùng kỳ năm 2019. Từ tháng 7/2022, lượng khách Ấn Độ đến Việt Nam hàng tháng đã vượt mức năm 2019.

Theo số liệu của Tổng cục Du lịch, lượng khách nội địa tháng 10/2022 ước đạt 5 triệu khách. Tính chung 10 tháng, tổng số khách nội địa đạt 91,8 triệu, cao hơn số khách cả năm 2019. Tổng thu từ khách du lịch đạt 425 nghìn tỷ đồng, tương đương 74% so với cùng kỳ năm 2019.