Đề xuất tách bạch thị trường trái phiếu doanh nghiệp
Các nhà đầu tư cần đánh giá kỹ rủi ro trước khi mua trái phiếu doanh nghiệp Tiếp tục ổn định và phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp Thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang phục hồi trở lại |
Tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Quốc hội sẽ dành phần lớn thời gian cho công tác xây dựng pháp luật, giám sát tối cao, xem xét, quyết định các vấn đề kinh tế - xã hội và một số vấn đề quan trọng khác. Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 15 dự án luật, trong đó có Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán. Đây là nội dung đang thu hút sự quan tâm rất lớn của cộng đồng nhà đầu tư. Bởi đề cập tới một loạt những vấn đề liên quan đến nhà đầu tư cũng như giao dịch trên thị trường như: Siết điều kiện về nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp hay nâng cao tiêu chuẩn công ty đại chúng.
Trong đó nội dung chào bán chứng khoán ra công chúng, cụ thể là phát hành trái phiếu riêng lẻ được đưa vào dự thảo theo hướng chặt chẽ hơn. Theo các chuyên gia, về lâu dài sẽ giúp thị trường trái phiếu doanh nghiệp minh bạch hơn.
Theo Dự thảo, điều kiện để trở thành nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp tăng lên. Nhưng cũng sẽ không được tham gia các đợt chào bán trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ. Hoạt động này chỉ cho phép nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là tổ chức. Điều này dấy lên lo ngại, sẽ làm hạn chế đáng kể vai trò của nhà đầu tư cá nhân, vốn đang nắm giữ gần 27% lượng trái phiếu doanh nghiệp trên thị trường và cũng làm cho việc huy động vốn của doanh nghiệp qua kênh trái phiếu trở nên khó khăn hơn.
Theo các chuyên gia, thị trường trái phiếu doanh nghiệp là thị trường của khẩu vị rủi ro. |
Ông Phùng Xuân Minh - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Saigon Ratings cho biết: "Những điều mà Bộ Tài chính đang quy định, chúng tôi cho rằng phù hợp về mặt trung và dài hạn. Còn trong ngắn hạn, chúng tôi nghĩ rằng những điều kiện hiện nay có phần khắt khe. Và nó cũng làm ảnh hưởng đến vấn đề các nhà đầu tư chuyên nghiệp hiện nay cũng là một trong những nhân tố chính thúc đẩy thị trường trái phiếu Việt Nam".
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, việc sàng lọc lại nhà đầu tư tham gia giao dịch trái phiếu riêng lẻ là phù hợp với thông lệ quốc tế, quy định này giống như việc điều tiết lại dòng chảy đầu tư.
Ông Bùi Văn Huy - Giám đốc chi nhánh CTCK DSC tại Thành phố Hồ Chí Minh nêu ý kiến: "Không nhiều nhà đầu tư cá nhân đủ khả năng thẩm định được khả năng trả nợ gốc cũng như lãi hoặc rủi ro khi việc phát hành các trái phiếu riêng lẻ. Do đó, chúng ta có thể tách bạch khâu phát hành này".
Điều kiện để chào bán trái phiếu ra công chúng cũng siết chặt hơn. Bên cạnh những yêu cầu được đánh giá là rất chặt chẽ theo Luật Chứng khoán hiện hành, dự thảo Luật sẽ thêm yêu cầu về tài sản đảm bảo hoặc phải có bảo lãnh ngân hàng.
Luật sư Trần Minh Hải - Giám đốc Công ty Luật BASICO nhận định: "Với yêu cầu phải có bảo lãnh ngân hàng , thực sự chúng ta đã vắt ngược từ thị trường chứng khoán quay ngược trở về thị trường tài chính ngân hàng. Ở đó, các ngân hàng sẽ đặt ra một trình tự thủ tục xét duyệt rất mất thời gian. Chưa kể đến vấn đề nhu cầu của ngân hàng, hạn mức tín dụng cung cấp, rồi khẩu vị rủi ro họ có đồng ý hay không. Và như vậy, chúng ta giảm mất tính chất tích cực của việc kêu gọi vốn đại chúng trên thị trường trái phiếu".
Theo các chuyên gia, thị trường trái phiếu doanh nghiệp là thị trường của khẩu vị rủi ro. Và người tham gia thị trường này, tùy theo mức độ chấp nhận rủi ro, sẽ đưa ra các quyết định đầu tư.
Theo số liệu của Bộ Tài chính, nửa đầu năm nay, chỉ có 14,5% trái phiếu doanh nghiệp phát hành ra có tài sản đảm bảo.
Ông Huỳnh Duy Sang - Giám đốc Khối Thị trường Tài chính - Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) đưa ra quan điểm: "Trên thế giới, thông lệ thị trường, thường trái phiếu doanh nghiệp là thị trường của khẩu vị rủi ro. Có những mặt hàng phù hợp với từng khẩu vị rủi ro. Tôi nghĩ về lâu dài thị trường nên là một thị trường rất đa dạng về sản phẩm. Lợi ích mang lại phù hợp với khẩu vị rủi ro mà từng nhà đầu tư chấp nhận. Dĩ nhiên chúng ta phải có thông tin rất minh bạch để tất cả các nhà đầu tư đều có thể tiếp cận".
Quy mô trái phiếu doanh nghiệp ở Việt Nam hiện chỉ bằng 10-11% GDP. Trong khi, tỷ lệ bình quân của các nước Đông Nam Á là 25-50%. Giới đầu tư mong muốn thị trường trái phiếu sẽ được hỗ trợ để phát triển, thay vì thêm nút thắt. Và minh bạch thông tin nên là chìa khóa để nhà đầu tư tự đưa ra quyết định với đồng tiền đầu tư của chính mình.
Bình luận