Chính phủ đề xuất trước mắt chưa bỏ Quỹ bình ổn giá xăng, dầu

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận tại tổ về Dự án Luật Giá (sửa đổi).

Đa số đại biểu đồng tình với sự cần thiết sửa đổi nhằm điều chỉnh nhiều vấn đề mới phát sinh trên thực tế chưa được quy định đầy đủ, rõ ràng trong luật hiện hành; đảm bảo tính đồng bộ của Luật Giá với một số đạo luật liên quan đến quản lý giá.

Đại biểu Vũ Tiến Lộc (Đoàn Hà Nội) nhấn mạnh việc đưa mặt hàng kiểm soát do Nhà nước định giá là cần thiết nhằm bình ổn giá, nhưng điều quan trọng hơn là phải đảm bảo nguồn cung ứng, không để xảy ra đứt gãy. Đại biểu cho rằng trong quá trình quản lý, điều hành phải đảm bảo thực hiện được mục tiêu kép vừa ổn định giá và không đứt gãy nguồn cung, trong đó đảm bảo đủ nguồn cung hàng hóa là ưu tiên số một, tránh tình trạng khan hiếm nguồn xăng dầu như thời gian vừa qua.

Điều hành giá: Cần quy định cụ thể mức trần lợi nhuận trên giá vốn khi khủng hoảng, dịch bệnh
Đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội thảo luận tại tổ. (Ảnh: Quốc hội)

Đại biểu Nguyễn Quang Huân (Đoàn Bình Dương) cho biết, trong số 72 điều luật thì có đến 13 điều luật giao Chính phủ quy định với nhiều nội dung quan trọng như Danh mục hàng hóa bình ổn giá; trường hợp quyết định chủ trương bình ổn giá hàng hóa không thuộc Danh mục bình ổn giá... Theo đại biểu, giao cho Chính phủ quy định chi tiết có vẻ như sẽ thuận lợi, linh hoạt nhưng thực tế khi bắt tay vào thực hiện sẽ phát sinh nhiều vướng mắc, có vấn đề tự Chính phủ không thể quyết định được.

Đại biểu dẫn chứng trong quản lý giá xăng dầu, bình ổn giá thông qua điều hòa cung cầu, xuất nhập khẩu, tài chính tiền tệ…nhưng thực tế việc sử dụng Quỹ bình ổn giá này không thực sự linh hoạt, không theo đúng tinh thần của luật. Từ phân tích trên, đại biểu Nguyễn Quang Huân đề nghị không nên quy định giao Chính phủ quy định về Danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá; Danh mục hàng hóa, dịch vụ kê khai giá và giá tham chiếu.

Đại biểu cho biết thêm, việc quy định cụ thể trong Luật nhằm tạo sự công khai, minh bạch, đặc biệt nhằm tránh việc lạm dụng để mở rộng phạm vi các mặt hàng thuộc diện bình ổn giá, hạn chế sự can thiệp từ cơ quan quản lý nhà nước ảnh hưởng đến quy luật cung-cầu; bảo đảm tính pháp lý chắc chắn, ổn định, giúp doanh nghiệp, người dân có chiến lược kinh doanh phù hợp. Việc quy định rõ danh mục các mặt hàng bình ổn giá trong Luật cũng khắc phục tình trạng “luật khung, luật ống”.

Mặt khác, để bảo đảm tính linh hoạt, kịp thời, Luật giá hiện hành cũng đã quy định trường hợp cần điều chỉnh danh mục các mặt hàng bình ổn giá, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều họp hàng tháng và thậm chí có thể họp bất thường nên đáp ứng được yêu cầu quyết định kịp thời.

Đại biểu Hoàng Hữu Chiến (Đoàn An Giang) chỉ rõ dự thảo Luật quy định trường hợp cơ quan nhà nước quyết định bình ổn giá khi giá của hàng hóa, dịch vụ thuộc Danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá tăng quá cao hoặc giảm quá thấp trong một khoảng thời gian gây ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội, sản xuất kinh doanh, mặt bằng giá thị trường; khi công bố tình trạng khẩn cấp, công bố dịch, thiệt hại do thiên tai.

Theo đại biểu, quy định cứng này sẽ bó hẹp và khó linh hoạt trong xử lý các vấn đề phát sinh trên thực tế. Bởi nhiều khi có biến động giá lớn về mặt hàng hàng hóa của quốc tế và khu vực nhưng chúng ta chưa lường hết được. Do đó, đại biểu đề nghị nghiên cứu để có quy định mở đối với trường hợp biến động lớn về hàng hóa, giá cả trong nước cũng như quốc tế, khu vực, tác động sâu rộng đến sản xuất kinh doanh và đời sống người dân. Ngoài ra, đại biểu đề nghị rà soát để bảo đảm nguyên tắc phân cấp, phân quyền mạnh cho địa phương chịu trách nhiệm trong vấn đề bình ổn giá.

Điều hành giá: Cần quy định cụ thể mức trần lợi nhuận trên giá vốn khi khủng hoảng, dịch bệnh
Đại biểu Trần Thị Nhị Hà (Đoàn Hà Nội) thảo luận tại tổ. (Ảnh: Quốc hội)

Đại biểu Trần Thị Nhị Hà (Đoàn Hà Nội) dẫn chứng tình hình giá cả trang thiết bị, vật tư tiêu hao y tế trong thời gian dịch Covid-19 tăng rất nhanh, thậm chí tăng 5-7 lần do nguồn cung bị đứt gãy. Theo đại biểu, cần quy định cụ thể mức trần lợi nhuận trên giá vốn hoặc giá thành toàn bộ đối với một số mặt hàng trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế, thiên tai, dịch bệnh…

Đồng thời, Chính phủ cần cân nhắc các hoạt động mua sắm, các hoạt động xác định giá mua sắm các loại mặt hàng, trang thiết bị y tế, thuốc cần đưa lên một sàn giao dịch điện tử để mua bán, cập nhật theo thời gian thực, giao dịch công khai, minh bạch, tránh những sai phạm có thể xảy ra.

Một số đại biểu cũng đề nghị cần tiếp tục rà soát các quy định về tiêu chí xác định hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá. Quy định như Dự thảo Luật là chưa cụ thể, thiên về định tính, khó áp dụng trên thực tế. Vì vậy, các đại biểu đề nghị Cơ quan soạn thảo lượng hóa tối đa nội dung này, nhằm bảo đảm tính khả thi, chặt chẽ, tạo cơ sở pháp lý cho tổ chức thực hiện.

Liên quan đến với vấn đề giá sách giáo khoa, theo các đại biểu đây là mặt hàng thiết yếu, tác động trực tiếp đến người dân, nhất là người có người thu nhập thấp. Vì vậy, Nhà nước cần quy định giá bán tối đa; không ấn định giá chi tiết, các đơn vị phát hành sách tự quyết định giá bán cụ thể nhằm đảm bảo tính cạnh tranh, góp phần hạ giá bán, bảo đảm lợi ích của người dân.

Trong Tờ trình, Chính phủ đề xuất đưa ra khỏi Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá 14 hàng hóa, dịch vụ, chuyển sang thực hiện theo cơ chế giá thị trường, như: Dịch vụ hỗ trợ bảo đảm hoạt động bay, dịch vụ soi chiếu an ninh; một số nội dung của thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; thù lao môi giới, dịch vụ đưa người lao động đi nước ngoài làm việc; nhà ở xã hội do cá nhân, hộ gia đình đầu tư, xây dựng...

Trong danh mục hàng hóa, dịch vụ do nhà nước định giá, Chính phủ đề nghị bổ sung 2 mặt hàng gồm: Sách giáo khoa và hàng hóa, dịch vụ phục vụ nhiệm vụ quốc phòng, an ninh thực hiện đặt hàng, giao nhiệm vụ cho các đơn vị, doanh nghiệp quốc phòng, an ninh.