Dự báo giá xăng sẽ tăng mạnh trong chiều nay (1/11) Cần xem xét rút ngắn thời gian điều chỉnh giá xăng, dầu

Chiều 2/11, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Giá (sửa đổi).

Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, mặc dù tại dự thảo Luật Giá sửa đổi không quy định điều chỉnh trực tiếp đối với Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, tuy nhiên do những quy định về lập quỹ bình ổn giá tại Luật cũng sẽ có những ảnh hưởng nhất định đến tính pháp lý của Quỹ bình ổn giá xăng, dầu, nên Chính phủ báo cáo cụ thể Quốc hội về vấn đề này.

Theo đó, Quỹ bình ổn giá xăng dầu là quỹ đặc thù, được thành lập trước khi có các quy định về quỹ bình ổn giá tại Luật Giá (được quy định tại Nghị định 84/2009/NĐ-CP ngày 15/10/2009 của Chính phủ về kinh doanh xăng, dầu, sau đó là Nghị định 83/2014/NĐ-CP, nay là Nghị định 95/2021/NĐ-CP).

Chính phủ đề xuất trước mắt chưa bỏ Quỹ bình ổn giá xăng, dầu
Toàn cảnh phiên họp chiều 2/11. (Ảnh: Quốc hội)

Khác với các Quỹ tài chính khác, Quỹ bình ổn giá xăng, dầu được hình thành và quản lý nhằm mục đích duy nhất là góp phần bình ổn giá xăng, dầu; không phát sinh tổ chức bộ máy và không quản lý tập trung. Tổng mức trích lập hàng năm phụ thuộc vào sản lượng tiêu thụ xăng, dầu trong nước; tổng mức sử dụng phụ thuộc vào diễn biến thị trường, mục tiêu kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô từng thời kỳ và từng thời điểm điều hành giá. Thực tế việc quy định tại Luật Giá chỉ có sự ảnh hưởng nhất định, theo hướng tăng cường cơ sở pháp lý của Quỹ bình ổn giá xăng, dầu.

Bộ trưởng cho biết, đến nay cũng có rất nhiều ý kiến khác nhau về Quỹ Bình ổn giá xăng, dầu. Tại Báo cáo số 463-ĐGS ngày 22/10/2019 của Đoàn Giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Quỹ tài chính ngoài Ngân sách Nhà nước, tuy chưa kiến nghị bỏ Quỹ nhưng cũng có nêu về Quỹ bình ổn giá xăng, dầu đã không còn phù hợp.

“Việc thu trước của người tiêu dùng 300 đồng/lít để tạo Quỹ là nguyên nhân gây ra lạm phát thực tế và định kỳ điều chỉnh giá là nguyên nhân gây ra lạm phát kỳ vọng. Về dư luận xã hội thông qua phản ánh từ báo chí, các chuyên gia thì cũng có nêu các cơ quan quản lý cần xem xét, nghiên cứu xóa bỏ Quỹ bình ổn giá xăng, dầu để tăng tính chủ động, linh hoạt trong điều chỉnh giá, để giá xăng, dầu trong nước vận hành theo giá thế giới. Trên cơ sở đó, tại dự thảo gửi lấy ý kiến rộng rãi các đối tượng, có đề nghị rà soát đánh giá để xem xét sự cần thiết của Quỹ bình ổn giá xăng, dầu”, Bộ trưởng Bộ Tài chính nói.

Trong suốt thời gian qua, Quỹ bình ổn giá xăng, dầu được sử dụng nhất quán cho mục tiêu bình ổn giá xăng, dầu theo đúng quy định của pháp luật. Việc sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu đã phát huy tác dụng tích cực và hiệu quả trong việc tạo nên một “bước đệm” nhằm góp phần bình ổn giá (giữ ổn định hoặc giảm mức tăng) trong trường hợp cần thiết, linh hoạt trong việc bình ổn giá nhằm ổn định giá xăng, dầu trong một thời kỳ hoặc không cho giá xăng dầu trong nước tăng sốc, góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng và ổn định an sinh xã hội.

Trên cơ sở đánh giá kỹ cho thấy trong thời gian vừa qua diễn biến giá mặt hàng này phức tạp, khó dự báo nên công cụ Quỹ bình ổn giá vẫn cần thiết. Vì vậy, Chính phủ đã thống nhất đề xuất trước mắt chưa bỏ công cụ Quỹ bình ổn giá xăng, dầu đồng thời củng cố các cơ chế trong triển khai, tổ chức thực hiện nhằm tăng cường tính công khai, minh bạch trong việc sử dụng Quỹ.

Trên cơ sở đó, tại dự thảo Luật quy định 4 biện pháp bình ổn giá có thời hạn gồm: điều hòa, kiểm soát cung cầu; các biện pháp về tài chính, tiền tệ; quy định giá cụ thể, giá tối đa, giá tối thiểu hoặc khung giá; áp dụng biện pháp hỗ trợ về giá phù hợp với quy định của pháp luật và cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên

Qua rà soát, Chính phủ cũng đề xuất đưa ra khỏi Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá 14 hàng hóa, dịch vụ, chuyển sang thực hiện theo cơ chế giá thị trường, như: Dịch vụ hỗ trợ bảo đảm hoạt động bay, dịch vụ soi chiếu an ninh; một số nội dung của thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; thù lao môi giới, dịch vụ đưa người lao động đi nước ngoài làm việc; nhà ở xã hội do cá nhân, hộ gia đình đầu tư, xây dựng...

Còn trong chính sách về danh mục hàng hóa, dịch vụ do nhà nước định giá, Chính phủ đề nghị bổ sung 2 mặt hàng gồm: Sách giáo khoa và hàng hóa, dịch vụ phục vụ nhiệm vụ quốc phòng, an ninh thực hiện đặt hàng, giao nhiệm vụ cho các đơn vị, doanh nghiệp quốc phòng, an ninh.