Định danh tài khoản người dùng khi tham gia mạng xã hội là cần thiết
Việt Nam hiện có hàng trăm triệu tài khoản mạng xã hội đang hoạt động. Mạng xã hội là nơi cung cấp thông tin, giải trí phong phú, là phương tiện giúp cộng đồng có thêm cơ hội giao lưu, chia sẻ, bày tỏ cảm xúc và kết nối dễ dàng hơn.
Tuy nhiên, mạng xã hội cũng là nơi diễn ra nhiều trào lưu phản cảm, những hành vi thiếu lành mạnh, đi ngược thuần phong mỹ tục và các giá trị văn hóa truyền thống; lan truyền thông tin xấu, độc, thiếu kiểm chứng, sai sự thật. Chưa kể, tình trạng lừa đảo, phạm tội trên không gian mạng tại Việt Nam đang ngày càng gia tăng.
Việc bổ sung quy định về định danh, xác thực tài khoản người dùng khi tham gia mạng xã hội góp phần ngăn chặn tội phạm lừa đảo trên không gian mạng. (Ảnh minh họa) |
Một phần nguyên nhân của thực trạng này là do các mạng xã hội đều cho phép các chủ tài khoản ẩn danh, dẫn đến lối hành xử thiếu trách nhiệm như bình luận xúc phạm người khác, chia sẻ các nội dung vi phạm pháp luật.
Để khắc phục hạn chế trên, Bộ Thông tin và Truyền thông đề xuất bổ sung vào dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng là quy định về việc xác thực tài khoản người dùng mạng xã hội qua số điện thoại di động tại Việt Nam.
Chia sẻ về vấn đề này tại buổi họp báo thường kỳ tháng 9 do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức, ông Nguyễn Duy Khiêm, đại diện lãnh đạo Cục An toàn thông tin cho biết, việc bổ sung quy định về định danh, xác thực tài khoản người dùng khi tham gia mạng xã hội là cần thiết và kịp thời để người dùng nâng cao ý thức, trách nhiệm của mình khi cung cấp, sử dụng thông tin lên mạng; ngăn chặn, hạn chế tội phạm lừa đảo trên không gian mạng trước xu hướng gia tăng.
Việc xác thực người dùng sẽ tạo thuận lợi cho các cơ quan chức năng giám sát, phát hiện và xử lý hành vi vi phạm. Việc bổ sung quy định xác thực người dùng bằng số điện thoại di động còn là để phù hợp, đồng bộ với các quy định hiện hành và hiện trạng thực tế triển khai của các mạng xã hội.
Thực tế hiện nay, các mạng xã hội xuyên biên giới cũng như mạng xã hội của Việt Nam đang áp dụng các biện pháp xác thực người dùng bằng số điện thoại, email hay sử dụng tài khoản mạng xã hội khác để xác thực.
Cùng đó, Nghị định 13 của Chính phủ về bảo vệ dữ liệu cá nhân có hiệu lực thi hành từ tháng 7/2023. Nghị định này đã quy định cụ thể về quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của các bên, bao gồm chủ sở hữu thông tin dữ liệu; các tổ chức, cá nhân thu thập, quản lý, xử lý, sử dụng thông tin, dữ liệu cá nhân. Đặc biệt là quy định cụ thể về việc “Chuyển dữ liệu cá nhân ra nước ngoài”.
Thời gian tới, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ phối hợp với Bộ Công an và các đơn vị chức năng có liên quan đẩy mạnh giám sát, thúc đẩy các cơ quan, tổ chức tuân thủ các quy định pháp luật về bảo vệ thông tin, dữ liệu cá nhân, đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, đảm bảo các quy định pháp luật được tuân thủ đầy đủ.
Mới đây nhất, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tiến hành thanh tra toàn diện TikTok, trong đó, bao gồm kiểm tra về việc thu thập, quản lý, lưu trữ, sử dụng dữ liệu của người dùng; bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng.
Bình luận