Doanh nghiệp Ba Lan, Indonesia muốn xuất khẩu trái cây, bánh kẹo sang Việt Nam
TP.HCM đón 123 khách du lịch MICE đến từ Nam Phi Các thương vụ M&A đang tiếp thêm năng lượng cho thị trường bất động sản Đưa vào hoạt động tuyến xe buýt liên tỉnh TP.HCM - Long An - Tiền Giang |
Chuỗi Triển lãm Quốc tế Thực phẩm và Đồ uống Việt Nam lần thứ 26; Triển lãm Quốc tế Thiết bị công nghệ chế biến bao bì Thực phẩm và đồ uống Việt Nam lần thứ 26 (Vietfood & Beverage - Propack 2022) đang được diễn ra từ nay đến hết 13/8, tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn (SECC), quận 7, TP.HCM. Chuỗi triển lãm có sự tham gia của khoảng 350 doanh nghiệp đến từ 18 quốc gia và vùng lãnh thổ với quy mô 400 gian hàng trưng bày quảng bá sản phẩm - thương hiệu,giới thiệu máy móc thiết bị, công nghệ chế biến, đóng gói...
Lần đầu giới thiệu các sản phẩm bánh kẹo đến thị trường Việt Nam, ông Hendra Kurwanto - Giám đốc xuất khẩu cấp cao của Công ty Satoria Agro (công ty thực phẩm Indonesia) cho biết, thị trường Việt Nam có rất nhiều cơ hội cho các sản phẩm bánh kẹo đến từ Indonesia khi từ trước đến nay có rất ít doanh nghiệp về lĩnh vực này của Indonesia thâm nhập vào thị trường Việt Nam.
Bánh kẹo của Indonesia được khách tham quan đánh giá cao. |
"Các sản phẩm chúng tôi đưa đến triển lãm hôm nay là những sản phẩm dự kiến sẽ xuất khẩu sang Việt Nam, các khách tham quan dùng thử đánh giá cao các sản phẩm của chúng tôi. Vì vậy, chúng tôi tự tin có thể đưa nhiều sản phẩm của Indonesia bày bán tại thị trường Việt Nam. Các nhà phân phối như MegaMart, LotteMart... đã liên hệ với chúng tôi để nói về câu chuyện nhập khẩu", ông Hendra Kurwanto cho biết.
Đánh giá về lợi thế của mình, ông Hendra Kurwanto cho rằng có 2 lợi thế khiến các sản phẩm của Indonesia có thể cạnh tranh tại Việt Nam. Thứ nhất, về giá cả, các sản phẩm bánh kẹo của Satoria Agro dự định xuất khẩu tại Việt Nam có giá rẻ hơn so với các sản phẩm bánh kẹo cùng loại đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản hay châu Âu. Thứ hai, khẩu vị của người Việt Nam gần giống với Indonesia và các khách hàng Việt Nam dùng thử đánh giá cao về hương vị bánh kẹo của Satoria Agro, vì vậy, việc xuất khẩu sang thị trường Việt Nam là điều mà công ty rất mong chờ.
Quay lại thị trường Việt Nam sau Covid-19, Galster mong muốn táo của Ba Lan sẽ được người tiêu dùng Việt Nam đón nhận. (Ban lãnh đạo Galster tại triển lãm). |
Quay lại thị trường Việt Nam sau Covid-19, ông Sabastian Szymanowski - CEO Galster (công ty xuất khẩu táo của Ba Lan) cho biết, các sản phẩm táo của công ty đã có mặt ở Việt Nam từ trước dịch Covid-19, tuy nhiên khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, công ty buộc phải dừng các hoạt động xuất khẩu và quảng bá tại Việt Nam. Sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, công ty đã quay lại Việt Nam để tiếp tục nghiên cứu thị trường và tìm các nhà phân phối.
"Thị trường trái cây đặc biệt là táo ở Việt Nam vẫn còn rất nhiều cơ hội phát triển, khi người dân Việt Nam dùng táo vào rất nhiều việc như ăn, biếu tặng, làm nước ép, làm mứt... vì vậy, chúng tôi quyết định tiếp tục quay lại Việt Nam sau Covid-19. Táo của Ba Lan có nhiều lợi thế so với đa số các loại táo ở Việt Nam khi có hương vị ngọt hơn và giòn hơn, phù hợp khẩu vị và sở thích của người Việt Nam", ông Sabastian Szymanowski cho biết.
Các loại sốt, tương của Hàn Quốc được giới thiệu tại triển lãm. |
Chị Kim Sohee, đại diện giới thiệu các sản phẩm của Hiệp hội Hợp tác xã Tương Hàn Quốc tại triễn lãm cho biết, thị trường thực phẩm ở Việt Nam rất phát triển và là một cơ hội cho các doanh nghiệp quốc tế. Đối với các sản phẩm của Hàn Quốc - vốn rất phổ biến trên phim ảnh, hiện đang được rất nhiều người tiêu dùng Việt Nam tin dùng, trong đó có các sản phẩm tương, tương ớt đến từ Hàn Quốc. Vì vậy, Hiệp hội muốn tiếp tục đẩy mạnh quảng bá các sản phẩm và thương hiệu mới đến từ Hàn Quốc đang được nhiều người dân ở nước sở tại tin dùng đến Việt Nam.
"Các sản phẩm chúng tôi đưa đến triễn lãm hôm nay là các sản phẩm truyền thống của Hàn Quốc, đa số các sản phẩm này đều đã có mặt tại thị trường Việt Nam. Chúng tôi muốn quảng bá và đẩy mạnh hơn nữa các sản phẩm sốt, tương của Hàn Quốc tại Việt Nam và kỳ vọng trong tương lai sẽ có được sự quan tâm nhiều hơn của người tiêu dùng", chị Kim Sohee cho biết.
Công ty thực phẩm Dân Ôn ngoài sản xuất và phân phối hạt điều, còn nhận sản xuất ODM theo đơn đặt hàng của các doanh nghiệp nước ngoài. |
Chị Quỳnh Trần - Trưởng phòng kinh doanh Công ty thực thẩm Dân Ôn cho biết, công ty đưa đến triễn lãm nhiều sản phẩm sản xuất tại Việt Nam đang xuất khẩu đến các thị trường quốc tế, nổi bật là hạt điều và các loại hạt khác. Ngoài việc sản xuất và phân phối, công ty còn nhận sản xuất ODM theo đơn đặt hàng của các công ty nước ngoài. Hiện Công ty Dân Ôn đang có 4 nhà máy sản xuất tại Việt Nam và 1 nhà máy tại Mỹ và Canada.
"Các sản phẩm của chúng tôi đều có nguồn nguyên liệu 100% từ Việt Nam, trong đó hạt điều là sản phẩm chủ lực khi được rất nhiều thị trường nước ngoài ưa chuộng. Chúng tôi đang tập trung hướng tới sản xuất các sản phẩm có lợi cho sức khoẻ, vốn ngày càng được người tiêu dùng chú trọng, trong đó việc đẩy mạnh sản xuất thanh năng lượng và các loại hạt đang là mục tiêu của chúng tôi", chị Quỳnh Trần cho biết.
Bình luận