Doanh nghiệp bảo hiểm không được đầu tư kinh doanh bất động sản
Nhiều quy định siết chặt việc cho vay mua bất động sản Thị trường mất thanh khoản, giá nhà có kéo giảm? |
Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022 vừa được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 3 vừa qua, gồm 7 chương, 157 điều, với nhiều điểm mới quan trọng.
Tổ chức, cá nhân tại Việt Nam có nhu cầu tham gia bảo hiểm chỉ được tham gia bảo hiểm tại doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô được cấp giấy phép thành lập và hoạt động tại Việt Nam, trừ trường hợp sử dụng dịch vụ bảo hiểm qua biên giới theo điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Chính phủ quy định chi tiết việc cung cấp và sử dụng dịch vụ bảo hiểm qua biên giới, dịch vụ môi giới bảo hiểm qua biên giới, dịch vụ phụ trợ bảo hiểm qua biên giới phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Để thực hiện cam kết quốc tế của Việt Nam, Luật đã bổ sung quy định về việc thành lập chi nhánh doanh nghiệp tái bảo hiểm nước ngoài tại Việt Nam; bổ sung quy định khẳng định nhà đầu tư nước ngoài được sở hữu cổ phần, phần vốn góp đến 100% vốn điều lệ của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm (theo cam kết của Việt Nam tại WTO và các hiệp định thương mại khác trong lĩnh vực dịch vụ bảo hiểm, Việt Nam không hạn chế về tỷ lệ vốn góp của bên nước ngoài).
Ảnh minh họa. (ảnh: VGP) |
Luật quy định rõ các hành vi bị nghiêm cấm bao gồm: Hoạt động kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh tái bảo hiểm, nhượng tái bảo hiểm, môi giới bảo hiểm khi không có giấy phép thành lập và hoạt động; Hoạt động kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh tái bảo hiểm, nhượng tái bảo hiểm, môi giới bảo hiểm không đúng phạm vi được cấp phép; Hoạt động đại lý bảo hiểm, hoạt động dịch vụ phụ trợ bảo hiểm khi không đáp ứng điều kiện hoạt động theo quy định của pháp luật.
Nghiêm cấm thực hiện các hành vi gian lận bao gồm: Thông đồng với người thụ hưởng để giải quyết bồi thường, trả tiền bảo hiểm trái pháp luật; Giả mạo tài liệu, cố ý làm sai lệch thông tin trong hồ sơ yêu cầu bồi thường, trả tiền bảo hiểm; Giả mạo tài liệu, cố ý làm sai lệch thông tin để từ chối bồi thường, trả tiền bảo hiểm khi sự kiện bảo hiểm đã xảy ra; Tự gây thiệt hại về tài sản, sức khỏe của mình để hưởng quyền lợi bảo hiểm.
Theo Luật mới, doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài không phải bồi thường, trả tiền bảo hiểm trong năm trường hợp gồm:
Thứ nhất, người được bảo hiểm chết do tự tử trong thời hạn hai năm kể từ ngày nộp khoản phí bảo hiểm đầu tiên hoặc kể từ ngày hợp đồng bảo hiểm khôi phục hiệu lực.
Thứ hai, người được bảo hiểm chết do lỗi cố ý của bên mua bảo hiểm hoặc lỗi cố ý của người thụ hưởng.
Thứ ba, người được bảo hiểm bị thương tật vĩnh viễn do lỗi cố ý của chính bản thân người được bảo hiểm hoặc bên mua bảo hiểm hoặc người thụ hưởng.
Thứ tư, người được bảo hiểm chết do bị thi hành án tử hình.
Luật cũng cho phép các bên thỏa thuận các trường hợp không phải bồi thường, trả tiền bảo hiểm trong hợp đồng bảo hiểm.
Trong đó, trường hợp một hoặc một số người thụ hưởng cố ý gây ra cái chết hay thương tật vĩnh viễn cho người được bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm vẫn phải trả tiền bảo hiểm cho những người thụ hưởng khác theo thoả thuận trong hợp đồng bảo hiểm.
Điểm mới quan trọng khác là Luật quy định doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam bị cấm đầu tư kinh doanh bất động sản, trừ các trường hợp như mua cổ phiếu của doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, chứng chỉ quỹ của quỹ đại chúng… Việc quy định như vậy để đảm bảo doanh nghiệp bảo hiểm có đủ khả năng chi trả, đảm bảo quyền lợi của người tham gia bảo hiểm.
Ngoài ra, Luật mới cũng quy định doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm khi đầu tư ra nước ngoài phải tách biệt việc đầu tư và không được dùng tiền, tài sản của bên mua bảo hiểm trong nước để bù đắp lỗ, thiếu hụt tiền của hoạt động đầu tư nước ngoài.
Luật Kinh doanh bảo hiểm chính thức có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2023. Trường hợp luật khác ban hành sau ngày Luật này có hiệu lực thi hành cần quy định khác với quy định của Luật này về hợp đồng bảo hiểm, thành lập, tổ chức hoạt động, hoạt động nghiệp vụ, tài chính, hạch toán kế toán và báo cáo tài chính, khả năng thanh toán và biện pháp can thiệp đối với doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam, tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm thì phải xác định cụ thể nội dung thực hiện hoặc không thực hiện theo quy định của Luật này.
Các bên tham gia hợp đồng bảo hiểm, tái bảo hiểm, môi giới bảo hiểm có thể thỏa thuận áp dụng tập quán quốc tế trong trường hợp có ít nhất một trong các bên tham gia là tổ chức, cá nhân nước ngoài hoặc các bên tham gia là tổ chức Việt Nam, công dân Việt Nam nhưng đối tượng bảo hiểm hoặc việc thực hiện hợp đồng ở nước ngoài. Nếu hậu quả của việc áp dụng tập quán quốc tế trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam thì pháp luật Việt Nam được áp dụng.
Bình luận