Doanh nghiệp đề xuất các địa phương quan tâm về quy hoạch Khu công nghiệp có diện tích lớn
Nam Trung Bộ nỗ lực thu hút khách du lịch quốc tế Phát triển kinh tế biển vùng Nam Trung Bộ |
Toàn cảnh hội nghị được Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì. (Ảnh: CTV) |
Vừa qua, tại thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 3/11/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và xúc tiến đầu tư vùng.
Theo tài liệu Công ty cổ phần ô tô Trường Hải (Thaco) gửi đến Hội nghị, doanh nghiệp kiến nghị các Bộ ngành liên quan tiếp tục hoàn thiện môi trường đầu tư kinh doanh để kêu gọi và thu hút các nhà đầu tư.
Trong đó, trọng tâm là hoàn thiện đồng bộ kết cấu hạ tầng kỹ thuật, giao thông; xây dựng cơ chế, chính sách về đầu tư, sản xuất kinh doanh hấp dẫn và phù hợp với thông lệ quốc tế, hội nhập kinh tế quốc tế, từ đó phát triển Khu công nghiệp, Khu kinh tế ven biển gắn với hình thành và phát triển các trung tâm kinh tế biển mạnh.
Bên cạnh đó, thúc đẩy liên kết phát triển công nghiệp, có các chính sách thu hút, tuyển dụng các chuyên gia và đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật cao, đặc biệt là nguồn nhân lực trong lĩnh vực thiết kế chế tạo, nghiên cứu và phát triển (R&D).
Cũng theo Thaco, các địa phương cần quan tâm về quy hoạch Khu công nghiệp có diện tích lớn để phát triển Khu công nghiệp chuyên ngành Cơ khí và Công nghiệp hỗ trợ thế hệ mới, bao gồm cụm các nhà máy: Gia công cơ bản, sản xuất công nghiệp hỗ trợ, sản xuất linh kiện (chuyên ngành), và các nhà máy lắp ráp sản phẩm hoàn chỉnh,…Qua đó, hình thành Khu công nghiệp quy mô quốc gia tạo đối trọng với các đối tác nước ngoài cung cấp sản phẩm cho các doanh nghiệp FDI, các doanh nghiệp trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu.
Đồng thời, các bộ, ngành, địa phương hỗ trợ triển khai các chương trình kết nối kinh doanh nhằm tăng cường liên kết, liên doanh giữa các doanh nghiệp trong nước với các doanh nghiệp/đối tác lớn trên thế giới để tạo dựng thị trường, tiếp cận, đầu tư đổi mới công nghệ, đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng quốc tế và tham gia chuỗi giá trị với các sản phẩm có lợi thế, đáp ứng nhu cầu trong nước và đủ sức cạnh tranh để xuất khẩu.
Thaco đang triển khai đầu tư mạnh mẽ các dự án hạ tầng giao thông, khu công nghiệp và Khu đô thị tại Chu Lai với tổng giá trị giải ngân trong năm 2023 là hơn 6.500 tỷ đồng. Các dự án này khi được triển khai đầu tư, xây dựng và đưa vào hoạt động sẽ đưa Thaco Chu Lai nói riêng và Khu kinh tế mở Chu Lai (tỉnh Quảng Nam) nói chung được nâng lên một tầm cao mới theo hướng bền vững hơn, tạo động lực phát triển cho vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và đóng góp phát triển kinh tế đất nước.
Một góc dự án Cảng Chu Lai do Thaco đầu tư ở Quảng Nam. (Ảnh: Văn Luận) |
Cũng tham dự hội nghị, ông Christopher Allan Vanloon, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Hoa Kỳ (Amcham) chia sẻ: "Việt Nam đang tích cực tìm kiếm các doanh nghiệp sản xuất công nghệ cao và sự thuận lợi trong việc cấp phép cũng như khuyến khích các công ty lớn nước ngoài chuyển nhà máy hoặc thành lập nhà máy mới tại Việt Nam là điều rất ấn tượng và chúng tôi cảm ơn Chính phủ vì những nỗ lực to lớn này".
Theo vị này, chuỗi cung ứng là một vấn đề mà nhiều thành viên của Hiệp hội trong lĩnh vực sản xuất gặp khó khăn trên khắp đất nước. Hiệp hội hiện đang làm việc trực tiếp với Hội doanh nhân trẻ thành phố Hồ Chí Minh (YBA) để điều phối danh sách các công ty Việt Nam và những sản phẩm mà họ có thể cung cấp, sau đó Hiệp hội có thể chia sẻ với các thành viên và các nhà đầu tư nước ngoài tiềm năng.
Ông Christopher Allan Vanloon cho rằng, đó chỉ là một bước nhỏ. Ông tin rằng, nếu chính quyền địa phương tạo ra một cổng thông tin bằng tiếng Anh trên trang web của mình có thể liệt kê các công ty và nhà sản xuất địa phương thì đây sẽ là một tài sản tuyệt vời để các công ty nước ngoài tìm thấy các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại địa phương có thể đáp ứng yêu cầu của họ để hỗ trợ chuỗi cung ứng.
"Điều này sẽ mang lại lợi ích cho cả nhà đầu tư nước ngoài và còn mang lại lợi ích cho nền kinh tế địa phương cũng như giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ địa phương này có thể cải thiện chất lượng sản phẩm và dịch vụ của họ", ông Christopher Allan Vanloon nhấn mạnh.
Cũng theo vị Chủ tịch Amcham, ông đã sống ở Việt Nam hơn 20 năm và thấy rõ sự cải thiện vượt bậc về cơ sở hạ tầng trên cả nước. Ông thường xuyên đọc về tất cả các dự án cơ sở hạ tầng đã được chính quyền trung ương phê duyệt. Tuy nhiên, theo ông đánh giá, tốc độ thực hiện các dự án quy mô lớn này khá chậm.
"Các nhà đầu tư nước ngoài hiện đang xem xét toàn bộ Khu vực Đông Nam Á để di dời các nhà máy của họ và một yếu tố quan trọng để họ quyết định là cơ sở hạ tầng hiện tại và tương lai của từng quốc gia. Như tôi đã nói trước đây, Việt Nam đã đi được một chặng đường dài trong 20 năm, tuy nhiên đây là thời điểm vàng để di dời sản xuất trên toàn thế giới và sẽ rất tiếc nếu các công ty chọn Malaysia, Indonesia hoặc thậm chí là Thái Lan thay vì Việt Nam dựa trên cơ sở hạ tầng hoặc thậm chí là sự thuận lợi trong chuỗi cung ứng.
Chúng tôi khuyến nghị rằng Việt Nam cần hợp lý hóa các mục tiêu riêng lẻ của cấp thành phố và cấp tỉnh trong tương lai ngắn hạn và dài hạn. Ví dụ, nếu tôi tham gia một cuộc họp về phát triển với một tỉnh, họ sẽ quảng cáo rằng họ tập trung vào sản xuất công nghệ cao, công nghệ thông tin, trở thành Trung tâm tài chính,...và trong một số trường hợp là cảng biển mới. Sau đó, tôi gặp các tỉnh khác và họ lặp lại các mục tiêu tương tự.
Theo chúng tôi, năng lực cạnh tranh liên tỉnh trên cùng một mục tiêu này đang làm giảm năng lực cạnh tranh toàn cầu và khu vực của Việt Nam", ông Christopher Allan Vanloon nêu ý kiến.
Tại hội nghị, Thủ tướng đã yêu cầu các bộ, ngành và các địa phương quán triệt tinh thần luôn sát cánh, chia sẻ, động viên, lắng nghe, giải quyết khó khăn, vướng mắc, tạo mọi thuận lợi cho doanh nghiệp. Khó khăn ở đâu thì tháo gỡ ở đó, vướng mắc ở cấp nào thì cấp đó giải quyết, không đùn đẩy, né tránh, coi công việc của doanh nghiệp như công việc của mình.
Đối với các nhà đầu tư, doanh nghiệp, đối tác phát triển, Thủ tướng đề nghị tiếp tục giữ vững niềm tin, nêu cao tinh thần đối thoại, chia sẻ, hợp tác cùng có lợi, khắc phục khó khăn, vượt qua thử thách, tiếp tục đồng hành với Việt Nam nói chung và vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ nói riêng.
Đồng thời, có chiến lược kinh doanh lâu dài, bền vững, thực hiện đúng cam kết đầu tư, thoả thuận hợp tác, tuân thủ luật pháp Việt Nam. Thực hiện tốt văn hóa doanh nhân, chế độ, chính sách đối với người lao động và đồng hành với chính quyền các cấp.
Thủ tướng mong muốn các doanh nghiệp, nhà đầu tư với tinh thần "Đã nói là phải làm. Đã cam kết phải thực hiện hiệu quả", bằng năng lực, trí tuệ, kinh nghiệm để chuyển hóa những tiềm năng, lợi thế của vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung thành những sản phẩm, công trình cụ thể, giá trị cụ thể, đo lường được, tạo động lực phát triển.
Bình luận