Doanh nghiệp thích ứng nhanh với điều kiện từ Hiệp định CPTPP Doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng

Công nghiệp hỗ trợ là cơ sở để phát triển các ngành công nghiệp trong nước, tạo khả năng tham gia chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu, sản xuất hàng hóa xuất khẩu, tạo công ăn việc làm, thúc đẩy đầu tư nước ngoài, phát triển kinh tế theo hướng tự chủ và tăng trưởng bền vững.

Mặc dù đã có nhiều nỗ lực của Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương trong thời gian dài, nhưng năng lực của lĩnh vực này hiện còn rất hạn chế. Sản xuất công nghiệp của Việt Nam còn phụ thuộc rất lớn vào nguồn cung cấp nguyên phụ liệu, linh kiện đầu vào nhập khẩu. Khả năng tự cung ứng các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ từ các doanh nghiệp (DN) trong nước chiếm tỷ lệ rất thấp.

Theo đó, tỷ lệ nội địa hóa của ngành chế tạo ô tô chỉ đạt khoảng 5-20%, ngành điện tử là 5-10%, ngành da giày và dệt may khoảng 30%, công nghệ cao chỉ 1-2%... dẫn đến việc các doanh nghiệp công nghiệp của Việt Nam phải nhập khẩu hàng chục tỷ USD linh phụ kiện hàng năm về Việt Nam lắp ráp, chế tạo, sản xuất để xuất khẩu.

Doanh nghiệp phụ trợ nhỏ và vừa mới chỉ tham gia được 20% vào chuỗi liên kết
Cần có giải pháp để doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ được tiếp cận nguồn vốn phục vụ cho các hoạt động sản xuất

“Các doanh nghiệp phụ trợ trong nước, các doanh nghiệp nhỏ và vừa mới chỉ tham gia được 20% vào trong các chuỗi liên kết. Hiện các doanh nghiệp FDI cũng có nhu cầu mong muốn được mua hàng từ các doanh nghiệp trong nước. Tuy nhiên, các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật của doanh nghiệp trong nước chúng ta chưa đạt chuẩn.

Cùng với đó, hiện các DN trong nước đang gặp rất nhiều khó khăn, trong đó phải kể đến là vấn đề tiếp cận nguồn vốn cho hoạt động sản xuất”, bà Bùi Thu Thuỷ, Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu thực tế.

Để tạo điều kiện cho công nghiệp hỗ trợ phát triển, các chuyên gia kinh tế cho rằng, các doanh nghiệp trong các ngành công nghiệp, công nghiệp hỗ trợ cần chủ động tìm kiếm giải pháp, tăng cường kết nối, tập trung đầu tư để từng bước chuyển đổi quy trình sản xuất, nâng cấp máy móc thiết bị, đào tạo nguồn nhân lực để đẩy nhanh việc thay đổi quy trình, công nghệ sản xuất theo hướng hiện đại hơn, cải thiện hiệu quả năng suất sản xuất, đổi mới công nghệ và từng bước tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Cùng với đó, các cơ quan quản lý cần có các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ tiếp cận được nguồn tài chính hiệu quả để đầu tư dây chuyền công nghệ, máy móc phục vụ cho quá trình sản xuất.

Doanh nghiệp phụ trợ nhỏ và vừa mới chỉ tham gia được 20% vào chuỗi liên kết
Công nghiệp hỗ trợ là cơ sở để phát triển các ngành công nghiệp trong nước

Ông Nguyễn Vân, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ thành phố Hà Nội đề xuất, cần có giải pháp để doanh nghiệp trong lĩnh vực được tiếp cận nguồn vốn phục vụ cho các hoạt động sản xuất trong thời gian tới.

“Chúng tôi đang rất mong muốn được tiếp cận với các tổ chức ngân hàng trong nước và quốc tế trong tiếp cận nguồn vốn, vấn đề này cần có giải pháp cấp thiết đặc thù về vốn, lãi suất, thời gian, hạn mức vay, tài sản thế chấp và cả hình thức tín chấp. Các doanh nghiệp rất cần các quỹ tài chính, ngân hàng tiếp tục quan tâm và có hình thưc tín chấp, bảo lãnh các hợp đồng của doanh nghiệp”, ông Nguyễn Vân cho biết./.

Theo Nguyễn Hằng/VOV.VN

https://vov.vn/kinh-te/doanh-nghiep-phu-tro-nho-va-vua-moi-chi-tham-gia-duoc-20-vao-chuoi-lien-ket-post967918.vov