Doanh nghiệp Việt Nam đã tận dụng “cao tốc EVFTA”
Tạo thêm nhiều việc làm từ Hiệp định EVFTA DN Việt ứng phó ra sao khi phải áp dụng cơ chế thuế quan theo EVFTA? Rào cản từ EVFTA - Động lực đưa Việt Nam hòa nhập “sân chơi” EU |
Theo đó, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang hầu hết các thị trường trong EU đều ghi nhận tăng trưởng tốt và chứng kiến sự chuyển dịch tích cực. Đáng chú ý, cơ cấu các mặt hàng xuất khẩu vào EU cũng có xu hướng mở rộng và đa dạng hóa hơn nữa.
Tại tọa đàm “Xuất khẩu hàng hóa với thương hiệu Việt sang các thị trường trong EVFTA”, bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Phó Giám đốc Trung tâm hỗ trợ xuất khẩu, Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương cho biết, EU là thị trường xúc tiến xuất khẩu trọng điểm của Việt Nam và các sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam nếu có thương hiệu tại thị trường EU không chỉ giúp cho doanh nghiệp phát triển bền vững tại thị trường EU mà còn có các điều kiện và cơ hội để lan tỏa thương hiệu cũng như lan tỏa sản phẩm của doanh nghiệp ở đa dạng các thị trường khác trên thế giới.
Chính vì vậy, trong thời gian qua Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương đã ưu tiên rất nhiều các hoạt động trọng tâm với thị trường EU để giúp cho doanh nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ thương hiệu tại thị trường EU.
Đơn cử, một số những hoạt động mà Cục Xúc tiến thương mại đã tập trung làm rất tích cực trong thời gian vừa qua như tổ chức hàng loạt các phiên tư vấn xuất khẩu sang thị trường EU để giúp cho các doanh nghiệp nhận biết được nhu cầu, xu hướng thị trường, các quy định, chính sách cập nhật của thị trường EU để có thể điều chỉnh sản phẩm phù hợp với nhu cầu tiêu thụ của thị trường EU và có những chiến lược, kế hoạch phát triển thương hiệu sản phẩm phù hợp với thị trường EU.
Mặt hàng nông sản, thực phẩm còn nhiều tiềm năng khai thác ở thị trường EU. (Ảnh minh họa: Quang Linh) |
Bên cạnh các phiên tư vấn về thị trường thì Cục Xúc tiến thương mại cũng rất ưu tiên thực hiện các hoạt động nhằm hỗ trợ nâng tầm nhận thức cho doanh nghiệp trong vấn đề xây dựng, phát triển và bảo vệ thương hiệu tại thị trường EU thông qua hàng loạt các chương trình, hội nghị, hội thảo, đào tạo và tập huấn.
Cục Xúc tiến thương mại cũng phối hợp rất chặt chẽ với hệ thống thương vụ Việt Nam tại khu vực EU để xây dựng và phát triển các showroom trưng bày hàng hóa cho doanh nghiệp tại trụ sở của các thương vụ Việt Nam tại EU. Thông qua các hoạt động nêu trên, doanh nghiệp đã được hỗ trợ và xây dựng được hình ảnh thương hiệu của mình một cách chuyên nghiệp hơn, tạo được lòng tin cao hơn đối với các nhà nhập khẩu và người tiêu dùng EU và từ đó là tạo một đòn bẩy giúp cho doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh lâu bền ở thị trường EU.
Chia sẻ về những lợi thế của các doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu hàng hóa sang EU, bà Đào Thu Trang, Trưởng Bộ phận Tư vấn Chiến lược phát triển thị trường, Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam cho biết, Việt Nam cùng với Singapore là hai nước duy nhất trong khối Đông Nam Á kí được hiệp định thương mại tự do với Châu Âu. Đấy là một lợi thế mà doanh nghiệp, sản phẩm cũng như thương hiệu của Việt Nam cần phải tận dụng để có thể đẩy mạnh hơn nữa việc xuất nhập khẩu sang thị trường châu Âu.
Không chỉ nói về vấn đề xóa bỏ thuế quan, giảm thuế quan đến mức sâu mà Việt Nam còn có rất nhiều những lợi thế như được giảm bớt những hàng rào về kỹ thuật, nhận được những quy tắc xuất xứ và cũng như nhiều lợi ích cho doanh nghiệp của Việt Nam khi xuất hàng sang châu Âu.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia đánh giá, mặc dù có nhiều lợi thế, gia tăng về số lượng và giá trị xuất khẩu, nhưng số lượng hàng hóa thương hiệu Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này còn khá khiêm tốn. Nhiều sản phẩm hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang EU vẫn mang thương hiệu nước ngoài.
Theo ông Lê Anh Tuấn, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Thương mại Hà Nội - CTCP (Hapro), trong khối thị trường ngách, EU là một trong những thị trường chiến lược của Hapro khi chiếm tới trên 30% thị phần. Tuy nhiên, hàng hóa có thương hiệu của Việt Nam khi chinh phục thị trường EU còn nhiều rào cản, không chỉ đồi với hàng Việt Nam mà đối với tất cả các nước khi muốn đưa hàng vào châu Âu.
Ông Vũ Anh Sơn, Phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Pháp cho biết, hàng hóa Việt Nam rất đa dạng và có vị trí cao tại Pháp, tuy nhiên là vẫn còn tập trung nhiều vào một số các mặt hàng chủ đạo, những mặt hàng tưởng chừng như thế mạnh như hàng nông sản, thực phẩm vẫn chưa có nhiều vì vậy tiềm năng còn nhiều điểm để khai thác.
Các chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp phải tiếp cận được những kênh phân phối ở EU, phải hiểu được văn hóa tiêu dùng của họ để từ đó có thể chinh phục được thị trường. Bên cạnh đó cần phải làm rõ khái niệm và tập trung xây dựng thương hiệu theo từng ngành hàng cụ thể. Ví dụ như quần áo và giày dép rất khó cạnh tranh bằng thương hiệu Việt Nam, cho nên chỉ hướng đến những ngành có thế mạnh có thể khai thác được như nông nghiệp, thủy sản mới có sức cạnh tranh ở EU.
Việc gia tăng số lượng hàng hóa xuất khẩu bằng thương hiệu Việt Nam sang EU không chỉ là nhiệm vụ của các cơ quan chức năng, các cơ quan xúc tiến thương mại mà còn có vai trò quan trọng của các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng. Để tạo lập giá trị bền vững, các doanh nghiệp cần tạo sự khác biệt và nâng cao giá trị thương hiệu, qua đó nâng cao giá trị hàng hóa Việt Nam sang các thị trường trong EVFTA và tận dụng tối đa cơ hội từ EVFTA.
Bảo Thoa
Bình luận