Độc đáo nghề làm hương của người Nùng An ở Cao Bằng
(LG) Tận dụng những nguyên liệu mà thiên nhiên ban tặng, người Nùng An ở Cao Bằng đã cần cù, tỉ mỉ làm ra những que hương ngào ngạt mùi thơm, mang lại giá trị kinh tế, giúp họ từng bước cải thiện cuộc sống.
Chiêm ngưỡng vẻ đẹp độc đáo của cây cầu Ngói hơn 500 tuổi Nét đẹp kỳ lạ nơi động Ngườm Ngao Chiêm ngưỡng vẻ đẹp non nước Cao Bằng |
Nghề làm hương của người Nùng An, ở làng Phia Thắp (xã Phúc Sen, huyện Quảng Hòa, tỉnh Cao Bằng) đã xuất hiện từ rất lâu và được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Đến nay, người Nùng An vẫn giữ nguyên quy trình làm hương bằng những dụng cụ thủ công, chủ yếu sử dụng sức người. |
Theo bà Nông Thị Lý (67 tuổi) - một trong những người làm hương lâu năm ở làng Phia Thắp, toàn bộ nguyên liệu làm hương của người Nùng An đều được lấy từ tự nhiên, gồm: Cây mai, vỏ cây gạo, mùn cưa, lá cây bầu hắt. |
Để có một que hương thành phẩm phải trải qua nhiều công đoạn: Cây mai được cắt thành từng khúc dài khoảng 40cm, rồi chẻ thành từng thanh nhỏ như đầu đũa, vót sạch. |
Lá cây bầu hắt, vỏ cây gạo sau khi được phơi khoảng 3 đợt nắng sẽ đem xát nhỏ, trộn với mùn cưa. Nhúng que mai vào nước pha với bột lá cây bầu hắt để tạo chất kết dính. |
Sau đó, tẩm 4 lần hỗn hợp bột lá cây bầu hắt, vỏ cây gạo, mùn cưa để được que hương. |
Người Nùng An thường dùng những ống trụ được làm từ ống đá hoặc tre, để làm dụng cụ phơi hương. |
Que hương sau khi phơi khô sẽ được nhuộm chân màu đỏ và tiếp tục được phơi khô tự nhiên. Sau khi hoàn thành các công đoạn, hương sẽ được buộc thành từng bó và được người dân đem bán ở các phiên chợ với giá dao động từ 20.000 đồng - 30.000 đồng. |
Những năm trở lại đây, làng Phia Thắp đã trở thành địa điểm tham quan du lịch cộng đồng. Nơi đây thu hút nhiều du khách thập phương bởi những trải nghiệm làm hương truyền thống vô cùng độc đáo. |
Ngọc Ánh
Bình luận