Trong 10 năm tới TP.HCM sẽ xây dựng hơn 100 triệu m2 nhà ở Trong 10 năm tới TP.HCM sẽ xây dựng hơn 100 triệu m2 nhà ở
TP.HCM: Xử phạt các trường hợp tự tách thửa đất nông nghiệp và chuyển nhượng bằng giấy tay TP.HCM: Xử phạt các trường hợp tự tách thửa đất nông nghiệp và chuyển nhượng bằng giấy tay
Doanh nghiệp đầu tư bất động sản Doanh nghiệp đầu tư bất động sản "đói" dự án: Vẫn là câu chuyện thủ tục pháp lý

Dự án nói trên do Công ty Cổ phần Xây dựng Dân dụng Công nghiệp số 1 Đồng Nai làm chủ đầu tư, trên diện tích hơn 22.184 m2, thuộc thửa số 1, tờ bản đồ số 4, phường Tân Tiến, với tổng mức vốn đầu tư dự kiến 679 tỷ đồng, thời gian thực hiện từ năm 2016 đến 2022. Khu đất này được xem là “đất vàng” ở thành phố Biên Hòa hiện nay gồm 2 khu với 2 khối công trình "khủng".

Trong đó khu A là trung tâm hội nghị tổ chức sự kiện có quy mô 4 tầng và 1 tầng hầm, khu B là trung tâm thương mại dịch vụ quy mô 5 tầng và 1 tầng hầm. Vào thời điểm phát hiện xây dựng trái phép thì khu A đã được đưa vào sử dụng còn khu B vẫn đang trong quá trình thi công.

Những ngày cuối tháng 6/2022, phóng viên Báo Lao động Thủ đô trở lại khu vực này và ghi nhận, tình trạng dự án đồ sộ trái phép “con voi chui lọt lỗ kim” này vẫn tồn tại như cũ. Tại khu tổ chức sự kiện, tiệc cưới vẫn hoạt động như từ trước tới nay, rất đông người vào ra. Khu vực công trình nguy nga tráng lệ tọa lạc ngay giữa trung tâm thành phố Biên Hòa, nơi có trục đường lớn nhiều người qua lại nên từ bên ngoài nhìn vào mọi người dễ dàng nhận thấy các hoạt động khá sầm uất diễn ra bên trong. Khoảng một nửa khu vực dự án đã được hoàn thiện chỉn chu, đưa vào sử dụng một phần, phần còn lại thì đang xây dựng dang dở và ngưng thi công từ bấy đến nay. Phía trong, một diện tích rộng lớn ngổn ngang vật liệu và tua tủa những trụ bê tông cốt thép chọc chỉa lên trời.

Trước đó, vào tháng 10/2019, sau khi vụ việc được phanh phui, Phòng Cảnh sát Kinh tế (PC03) - Công an tỉnh Đồng Nai đã yêu cầu các đơn vị liên quan cung cấp hồ sơ, tài liệu liên quan công trình trên, trong đó có tài liệu, hồ sơ pháp lý việc xây dựng và đưa vào sử dụng công trình trung tâm hội nghị tổ chức sự kiện, công trình xây dựng trung tâm thương mại dịch vụ, để tiếp tục điều tra làm rõ.

Cũng vào thời điểm đó, UBND thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai cho biết, vi phạm trên đã được phát hiện từ 2 năm trước và quyết định xử phạt, cưỡng chế trả lại nguyên trạng đồng thời báo cáo UBND tỉnh Đồng Nai để cùng các sở, ngành liên quan có hướng xử lý nhưng vẫn không giải quyết được dứt điểm.

Đồng Nai: Chây ỳ xử lý công trình 'khủng' xây trái phép ở thành phố Biên Hòa
Ngừng thi công do vi phạm trật tự xây dựng, các trụ bê tông với nhiều lõi thép chọc trời vẫn đang "hiên ngang" tồn tại mà chưa bị xử lý dứt điểm.

Theo quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 của thành phố Biên Hòa được UBND tỉnh Đồng Nai phê duyệt tại Quyết định số 4738/QĐ-UBND ngày 27/12/2017, vị trí thửa đất nói trên thuộc đất thương mại dịch vụ, chỉ phù hợp một phần đầu tư trung tâm thương mại, không phù hợp mục tiêu đầu tư căn hộ cao cấp. Ngoài ra, dự án này cũng không nằm trong quy hoạch sử dụng đất năm 2019 của thành phố Biên Hòa (được UBND tỉnh Đồng Nai phê quyệt tại Quyết định 4685/QĐ-UBND ngày 28/12/2018). Tuy nhiên, chủ đầu tư vẫn ngang nhiên cho xây dựng cả khu phức hợp thương mại căn hộ cao cấp, khi không có giấy phép.

Sở Xây dựng tỉnh Đồng Nai ngay sau đó cũng đã có văn bản báo cáo UBND tỉnh Đồng Nai về việc rà soát các thủ tục chấp thuận đầu tư, xây dựng và tình hình xử lý sai phạm đối với dự án. Sở Xây dựng cho biết qua rà soát việc xử lý sai phạm về xử phạt vi phạm hành chính và ra quyết định cưỡng chế buộc thực hiện khắc phục hậu quả của UBND thành phố Biên Hòa đã thực hiện đúng quy định về xử lý vi phạm trong lĩnh vực xây dựng.

Kết quả kiểm tra lúc đó cho thấy, khu A là trung tâm hội nghị tổ chức sự kiện với 4 tầng và 1 tầng hầm diện tích xây dựng khoảng 3.500 m2, đã đưa vào sử dụng từ năm 2017 nhưng vào thời điểm kiểm tra không có giấy phép xây dựng. Còn khu B đã đổ bê tông cốt thép tầng 1 với diện tích xây dựng hơn 4.300 m2.

UBND tỉnh Đồng Nai sau đó đã chỉ đạo giao Sở Tài ngyên và Môi trường rà soát, làm rõ việc chủ đầu tư đang trả tiền hằng năm với mục đích sử dụng đất sản xuất kinh doanh nhưng sau đó lại làm thủ tục đầu tư dự án với mục tiêu xây dựng văn phòng làm việc, cung ứng mặt bằng cho thuê kinh doanh thương mại dịch vụ là có phù hợp hay không, các bước điều chỉnh như thế nào, đồng thời xử lý dứt điểm những vi phạm tại đây.

Đồng Nai: Chây ỳ xử lý công trình 'khủng' xây trái phép ở thành phố Biên Hòa
Mặc dù cơ quan chức năng tỉnh Đồng Nai kết luận vi phạm nhưng không hiểu sao đến nay một phần dự án đã hoàn thành vẫn hoạt động công khai.

Cũng vào thời điểm công trình bị phát hiện và xử phạt, đại diện chủ đầu tư lấy lý do vi phạm là vì “không nắm được thủ tục”, thậm chí thừa nhận sai khi xây cả công trình lớn mà chưa có giấy phép xây dựng nhưng vẫn cho rằng đó là do "nóng vội, không nắm được quy định" (?!).

Theo đại diện chủ đầu tư, khu đất trên vốn được giao cho công ty (30% vốn nhà nước) từ nhiều đời Hội đồng quản trị, giám đốc. Trước đây công ty thuộc quản lý của Sở Xây dựng, sau đó chuyển giao cho Tổng Công ty Phát triển Khu công nghiệp Sonadezi quản lý. Riêng hồ sơ thực hiện công trình trên thì ở mức "gần hoàn thiện", nhưng do… nóng vội và không nắm rõ quy định nên đã cho tiến hành xây dựng công trình. Sau nhiều cuộc họp của cơ quan chức năng nhằm rà soát lại, hồ sơ dự án vẫn thiếu mấu chốt cơ bản là việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất, trước khi có thể được cấp giấy phép xây dựng. Tuy nhiên việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất mặc dù trải qua nhiều năm, các sở - ngành liên quan đã trình lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Nai xem xét nhưng vẫn chưa quyết định được.

Cuối cùng, công trình không phép đồ sộ này vẫn mọc lên giữa trung tâm thành phố Biên Hòa. Điều đáng nói là công trình xây dựng này diễn ra suốt một năm và một phần đã được đưa vào sử dụng, chỉ tạm ngưng khi bị “phát hiện” và dư luận lên tiếng.

“Thật không thể tưởng tượng một công trình đồ sộ bậc nhất giữa trung tâm thành phố Biên Hòa như thế này lại có thể qua mặt cơ quan chức năng, xây dựng không phép, như “con voi chui lọt lỗ kim”, rồi lại để đến mấy năm nay không thể xử lý, thật khó lý giải…”, ông Nguyễn Văn An, người dân ngụ phường Tân Tiến nói.

Đến hiện tại, dư luận trong và ngoài tỉnh Đồng Nai vẫn rất quan tâm đến việc các sở, ngành, địa phương của tỉnh sẽ xử lý công trình xây dựng trái phép này như thế nào, tiếp tục cho tồn tại và hoàn tất hồ sơ hay buộc phải tháo dỡ? Đối với dự án Khu phức hợp thương mại dịch vụ tại số 15 Đồng Khởi, đại diện Sở Xây dựng tỉnh Đổng Nai cho biết: Ngay sau khi vụ việc xảy ra, các bên vẫn đang trong quá trình giải quyết hồ sơ, xác định hướng xử lý.

Tại thời điểm này, Báo Lao động Thủ đô đã liên hệ với các cơ quan chức năng tỉnh Đồng Nai và UBND thành phố Biên Hòa để nắm diễn biến mới nhất vụ việc nhưng các đơn vị đều “né” hoặc thông tin ngắn gọn là… "chưa có gì mới"(!).

Theo UBND tỉnh Đồng Nai, trong 2-3 năm gần đây tỉnh quán triệt việc siết chặt công tác quản lý đất đai và xây dựng, tình trạng phân lô bán nền đất nông nghiệp nên việc xây dựng trái có phép giảm, tuy nhiên tại một số nơi vẫn để xảy ra ở cả những công trình lớn khiến dư luận bức xúc.

Trong khi đó, tại cuộc họp gần đây, ông Quản Minh Cường, Phó Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai nhấn mạnh, để xảy ra một số công trình lớn xây dựng trái phép, các sở, ngành, địa phương phải xem xét lại công tác quản lý, có biện pháp ngăn chặn kịp thời không để xảy ra những sai phạm nghiêm trọng như vừa qua.