Đón xu hướng dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam Các nước trong khu vực rót bao nhiêu vốn FDI đầu tư vào Việt Nam trong 7 tháng đầu năm 2022? Kiểm soát dòng vốn tín dụng vào các lĩnh vực rủi ro cao

ESG là cụm từ viết tắt cho E-Environmental (Môi trường), S-Social (Xã hội) và G-Governance (Quản trị), là một bộ tiêu chuẩn để đo lường các yếu tố liên quan đến phát triển bền vững và ảnh hưởng của doanh nghiệp đến cộng đồng.

Sự gia tăng giám sát từ các nhà đầu tư, thay đổi trong kỳ vọng của người tiêu dùng cũng như những dịch chuyển về chính sách quản trị đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp đang phải đối mặt với áp lực cấp thiết để đo lường, công bố và cải thiện các vấn đề liên quan đến ESG trên ba khía cạnh:

Về môi trường là các vấn đề như phát thải carbon, quản lý nước và chất thải, nguồn cung nguyên liệu thô, và tác động từ biến đổi khí hậu. Về xã hội là sự đa dạng, công bằng và hòa nhập, quản lý lao động, an ninh và bảo mật dữ liệu, và quan hệ cộng đồng. Về quản trị là các vấn đề liên quan tới quản trị công ty, đạo đức kinh doanh, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, cơ chế đãi ngộ và sự đa dạng trong Hội đồng quản trị.

Dòng vốn đang chảy vào các quỹ đầu tư ESG
(Ảnh minh họa: Thanh Hà)

Tại Việt Nam, chỉ số ESG đang trở thành một yếu tố quan trọng thể hiện toàn cảnh bức tranh kinh doanh của doanh nghiệp và tạo điều kiện đưa doanh nghiệp ra thế giới. Một báo cáo về chiến lược ESG tổng quát sẽ truyền tải thông điệp rằng doanh nghiệp đang có những bước đi cần thiết để đảm bảo sự phát triển bền vững trong dài hạn.

Nghiên cứu mới đây của công ty kiểm toán PwC đã khảo sát 325 nhà đầu tư từ khắp nơi trên thế giới, chủ yếu là các nhà quản lý và phân tích tài sản đến từ các công ty đầu tư, ngân hàng đầu tư hoặc công ty môi giới. Hầu hết các nhà đầu tư đều thể hiện sự cam kết với các mục tiêu ESG và coi đây là ưu tiên hàng đầu trong các doanh nghiệp họ đầu tư. Đối với họ, những doanh nghiệp có hiệu suất ESG cao đã được chứng minh là có rủi ro thấp hơn, lợi nhuận cao hơn và có khả năng phục hồi tốt hơn sau khủng hoảng.

Việc dòng vốn chảy vào các quỹ đầu tư ESG là một xu thế tất yếu, khi hàng loạt các cường quốc trên thế giới gồm Mỹ, Nhật, Hàn, châu Âu, Úc đều tập trung thúc đẩy các tiêu chí ESG nhằm cải thiện chất lượng môi trường và cân bằng xã hội.

Tại Việt Nam, việc cam kết và thực hiện các mục tiêu ESG không chỉ đơn giản là giải pháp quản lý rủi ro về thương hiệu cho các doanh nghiệp, mà còn là cơ hội để tạo giá trị cho xã hội và tối ưu hoá mô hình kinh doanh. Từ năm 2021, cam kết của Việt Nam về mục tiêu phát thải ròng bằng 0 (“Net Zero”) đã được Thủ tướng Chính phủ đưa ra tại Hội nghị COP26. Điều này mở đường cho những bước đột phá đầu tiên trong việc biến cam kết thành hành động, thúc đẩy các cấp chính quyền xây dựng chính sách, luật định liên quan tới môi trường cũng như các doanh nghiệp chung tay để hiện thực hóa cam kết quốc gia.

Tại buổi ra mắt Báo cáo về Mức độ sẵn sàng thực hành ESG tại Việt Nam năm 2022, ông Nguyễn Hoàng Nam, Phó Tổng Giám đốc, Lãnh đạo ESG, Dịch vụ Kiểm toán và Đảm bảo PwC Việt Nam cho biết, có đến 80% doanh nghiệp tham gia khảo sát đã đặt ra cam kết hoặc đang lên kế hoạch sớm thực hành ESG trong 2 - 4 năm tới. Đây là một tỷ số rất cao.

Tuy nhiên, cũng có đến 44% cho rằng đã lên kế hoạch và đưa ra cam kết ESG; 36% doanh nghiệp đang trong giai đoạn lập kế hoạch thực hiện trong vòng 2 - 4 năm tới và 20% không đặt ra cam kết ESG hoặc chưa xác định kế hoạch cụ thể trong vòng 2 - 4 năm tới.

Kết quả khảo sát cũng cho thấy, 82% người tham gia khảo sát từ các ngành khác nhau chọn hình ảnh thương hiệu và danh tiếng là lý do hàng đầu thúc đẩy doanh nghiệp theo đuổi ESG; 68% duy trì tính cạnh tranh của thương hiệu; 44% thu hút nhân tài; 40% là áp lực từ nhà đầu tư và cổ đông và 37% áp lực từ Chính phủ.

Ở góc nhìn của một nhà đầu tư, bà Nguyễn Hoài Thu, Thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc điều hành khối đầu tư VinaCapital cho rằng, đối với các công ty chủ động áp dụng những chuẩn mực ESG cao thì họ chứng tỏ được tầm nhìn dài hạn của chủ doanh nghiệp, đồng thời chứng tỏ được việc tập trung nhiều vào phát triển bền vững. Trong quá trình thực hành ESG, các doanh nghiệp này cũng sẽ tối ưu hóa chi phí sản xuất thông qua việc cắt giảm chi phí về nguyên liệu, hay sử dụng các nguồn nguyên liệu sạch.

Bà Thu cho biết, VinaCapital cũng đã xây dựng được một chiến lược về ESG để áp dụng cho quy trình đầu tư. Trong đó, bao gồm việc đánh giá ESG cho tất cả các doanh nghiệp. Đối với các doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán, VinaCapital cũng đang trong lộ trình đánh giá ESG cho các doanh nghiệp mà Vinacapital sẽ đầu tư vào.

Nói về thể chế và chính sách đối với các doanh nghiệp khi đầu tư vào ESG, bà Nguyễn Thiên Hương, Lãnh đạo chương trình ESG, Tổ chức tài chính quốc tế (IFC) cho rằng, sau cam kết mạnh mẽ Chính phủ Việt Nam tại Hội nghị COP26 liên quan đến khí hậu, thời gian tới chắc chắn sẽ có những thay đổi liên quan đến chiến lược đầu tư ở các lĩnh vực.

Theo đó, Chính phủ sẽ khuyến khích đầu tư vào các ngành xanh, các ngành có đóng góp hỗ trợ về giảm thiểu biến đổi khí hậu. Nhưng đồng thời, Chính phủ cũng sẽ có những thay đổi về mặt chính sách đối với việc đầu tư vào các ngành có nguy cơ ô nhiễm và gây phát thải nhà kính cao.

Bà Hương cho rằng, sự chuyển dịch về cơ chế chính sách liên quan đến việc định hướng đầu tư vào các ngành theo cam kết của Chính phủ là tất yếu. Việc của các doanh nghiệp là phải chuẩn bị như thế nào để đón đầu cũng như đáp ứng những chuyển dịch đó. Đó cũng là yếu tố ảnh hưởng rất nhiều đến cách mà các doanh nghiệp áp dụng thông lệ về ESG.

Có thể thời gian đầu, doanh nghiệp thực hành ESG là nhằm tuân thủ các quy định của pháp luật, tuân thủ một số các quy định của nhà đầu tư nhưng nếu các doanh nghiệp có một tầm nhìn nhất định thì sẽ nhìn thấy đây là một cơ hội tốt để đầu tư cũng như xây dựng lại quy trình về quản trị và đầu tư thêm về nguồn lực để từ đó có thể đón đầu được một số chuyển dịch về mặt chính sách.

Về các chính sách ưu đãi cho các doanh nghiệp thực hành ESG, bà Hương cho biết, hiện nay, Chính phủ cũng đang nghiên cứu các chính sách ưu đãi như chính sách liên quan đến tín dụng xanh, trái phiếu xanh và đã có một số chính sách liên quan đến phí. Đồng thời, đang trong quá trình nghiên cứu việc có nên có những chính sách ưu đãi về thuế cho các doanh nghiệp này hay không. Chính sách ưu đãi sẽ là yếu tố mà các doanh nghiệp muốn đón nhận, nhưng cũng chỉ là đà để giúp doanh nghiệp nhìn lại và làm gì để bước những bước đi tiếp theo.

Bảo Thoa