Du khách thập phương đổ về dâng lễ đền Bảo Hà trong dịp đầu Xuân
Người dân Thủ đô đến xin chữ lấy may, cầu sức khỏe trong ngày đầu năm mới Chiêm ngưỡng bộ tác phẩm 2.023 mèo sơn mài của nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát ở Sơn Tây |
Đền Bảo Hà được xây dựng vào cuối đời Lê Cảnh Hưng, thờ danh tướng Hoàng Bảy họ Nguyễn, người có công bảo vệ và xây dựng Tổ quốc ở cửa ải Lào Cai. Vào cuối triều Lê (1740 - 1786), các châu: Thuỷ Vĩ, Văn Bàn và nhiều nơi khác thuộc phủ Quy Hóa luôn bị giặc tràn sang cướp phá. Trước tình hình đó, triều đình cử danh tướng họ Nguyễn đưa đội quân tiến dọc sông Thao đánh đuổi bọn giặc, giải phóng Khau Bàn và xây dựng Bảo Hà thành căn cứ lớn.
Đông đảo người dân về xin lộc đền Bảo Hà trong dịp đầu năm. |
Tại đây, danh tướng Hoàng Bảy đã tổ chức các thổ ty, tù trưởng luyện tập binh sỹ, sau đó thống lĩnh quân thủy và quân bộ tiến đánh giặc ở Lào Cai, giải phóng các châu thuộc phủ Quy Hóa (Yên Bái, Lào Cai ngày nay). Trong một trận đánh không cân sức với quân giặc, danh tướng Hoàng Bảy đã anh dũng hy sinh. Giặc bỏ xác ông xuống sông Hồng. Xác ông trôi đến Bảo Hà, nhân dân trong vùng vớt xác ông lên chôn cất và lập đền thờ.
Để ghi nhớ công lao của ông, các vua Minh Mạng, Thiệu Trị (triều Nguyễn) đã tặng ông danh hiệu "Trấn an hiển liệt" và đền thờ ông được các vua triều Nguyễn cấp sắc phong là "Thần Vệ Quốc". Còn đồng bào các dân tộc địa phương thì tôn thờ ông là vị nhân thần.
Những mâm lễ ngọt, mặn được người dân bày bán phục vụ nhu cầu dâng lễ của du khách thập phương. |
Cũng bởi nổi tiếng vì linh thiêng, ngay trong những ngày đầu năm mới, người dân địa phương cùng du khách thập phương đã tìm về đền Bảo Hà để xin lộc đầu năm. Chia sẻ với phóng viên, chị Nguyễn Thị Lan (huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai) cho biết, năm nào chị cũng đi đền Bảo Hà cùng gia đình để xin lộc ông Hoàng Bảy đầu năm. Theo chị Lan, việc đi lễ đầu năm là nét đẹp văn hóa, một nhu cầu không thể thiếu được trong tâm thức và tín ngưỡng tâm linh của mỗi người Việt. Do đó, chị thường đi lễ đền trong dịp Tết trước khi đi làm để cầu bình an, sức khỏe, tài lộc cho mình và các thành viên trong gia đình.
Nắm bắt nhu cầu của du khách thập phương khi về dâng lễ tại đền Bảo Hà, những năm gần đây, dịch vụ sắm lễ tại đền đã trở nên phổ biến. Tại đây, người dân có chuẩn bị sẵn lễ mặn gồm có xôi, gà, vàng mã, hương; lễ chay có rượu, bia, nước ngọt, nước khoáng, hoa tươi, quả, bánh, kẹo, trà, thuốc lá; vàng lá, hương, nến, tiền trần, cau trầu,… Bên cạnh đó, người dân còn bán thêm cỗ ngựa tím, quần áo, hia, mũ... cho du khách nếu có nhu cầu.
Chia sẻ về dịch vụ sắm lễ tại đây, anh Nguyễn Anh Tuấn (quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội) cho biết, anh thấy rất hài lòng với dịch vụ sắm sửa đồ lễ tại đền Bảo Hà. "Dịch vụ sắm lễ ở đây rất thuận tiện và đầy đủ. Mức giá của các mâm lễ cũng phù hợp với điều kiện của các gia đình" - anh Tuấn cho hay.
Những năm gần đây, đền Bảo Hà đã trở thành địa điểm du xuân vô cùng hấp dẫn với du khách thập phương. Đến đền Bảo Hà, du khách vừa có cơ hội tìm hiểu các giá trị văn hóa của di tích; tham gia một số lễ hội tại đền Bảo Hà. Đồng thời, du khách cũng có thể cũng là vãn cảnh ngắm nhìn ngôi đền ẩn mình trong khung cảnh núi non hùng vĩ.
Ngoài thời điểm đầu năm, du khách còn có thể đến đền Bảo Hà vào ngày 17 tháng 7 âm lịch hàng năm. Đây là một trong những lễ hội lớn tại đền Bảo Hà, là ngày giỗ của ông Hoàng Bảy lễ hội được bắt đầu từ ngày 15 tháng 7 âm lịch kéo dài từ 6 giờ tối đến đêm khuya (khoảng thời gian này sẽ tổ chức một vài nghi lễ như thả đèn hoa đăng, tế thần hay cầu lễ an). Vào đền ngày 16 tháng 7 là những hoạt động chương trình văn nghệ được tổ chức để cho du khách được thưởng lãm, đến sáng ngày 17 tháng 7 âm lịch sẽ là hoạt động chính của đền Bảo Hà bao gồm rước kiệu và lễ hội đường phố.
Bình luận