Dự kiến chuyển đổi hơn 3.800ha cây trồng trên đất lúa ở Hà Nội
Xây dựng thành phố Hà Nội thông minh là trách nhiệm của toàn xã hội Đẩy nhanh quá trình chuyển đổi nền kinh tế tuần hoàn |
Theo Kế hoạch số 470/QĐ-BNN-TT vừa được Bộ NN&PTNT ban hành, trong năm 2023, cả nước dự kiến thực hiện chuyển đổi khoảng 146.460ha cây trồng trên đất lúa. Trong đó, diện tích trồng cây hàng năm là gần 79.882ha; cây lâu năm là hơn 24.854ha; trồng lúa kết hợp nuôi trồng thuỷ sản vào khoảng 16.869ha.
Người dân thôn Đông Cao, xã Tráng Việt, huyện Mê Linh chăm sóc rau củ cải. (Ảnh minh họa: Lương Hằng) |
Vùng Đồng bằng sông Cửu Long sẽ là khu vực có diện tích thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa lớn nhất của cả nước với gần 85.978ha. Tiếp đến là khu vực Trung du và miền núi phía Bắc với gần 17.915ha; vùng Đồng bằng sông Hồng (14.637ha); vùng Duyên hải Nam Trung Bộ (hơn 10.688ha)…
Hà Nội cũng là 1 trong 11 tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Hồng phải thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa theo Kế hoạch số 470/QĐ-BNN-TT của Bộ NN&PTNT. Trong năm 2023, dự kiến Thành phố thực hiện chuyển đổi hơn 3.838ha. Trong đó có hơn 1.119ha là chuyển đổi sang trồng cây lâu năm; khoảng 995ha là trồng lúa kết hợp nuôi trồng thuỷ sản, còn lại là chuyển sang trồng cây hàng năm.
Trong Kế hoạch số 470/KH-BNN-TT, Bộ NN&PTNT giao Cục Trồng trọt hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa sang trồng cây hàng năm, cây lâu năm và trồng lúa kết hợp nuôi trồng thuỷ sản trên phạm vi toàn quốc trong năm 2023. Tổng hợp, báo cáo Bộ NN&PTNT theo quy định.
Đối với các tỉnh, thành phố trên cả nước, Bộ NN&PTNT đề nghị các Sở NN&PTNT có trách nhiệm lập và trình UBND cấp tỉnh ban hành kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa năm 2023 trên phạm vi của tỉnh. Hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa. Đồng thời tổng hợp, báo cáo Bộ NN&PTNT về kết quả thực hiện trước ngày 31/12/2023.
Bình luận